Hotline 24/7
08983-08983

Lưu ý khi sử dụng thuốc sổ mũi, nghẹt mũi

Bài viết không cung cấp các lời khuyên, chẩn đoán, điều trị bệnh, giảm nhẹ bệnh. Nôi dung chỉ có tính chất tham khảo, thuận tiện cho việc tra cứu và không thay thế cho việc chẩn đoán, các phương pháp điều trị y khoa. Thảo luận với bác sĩ để được hướng dẫn điều trị và dùng thuốc an toàn.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Thuốc trị sổ mũi

Thuộc nhóm thuốc kháng histamin H1, có thể tạm chia thành hai thế hệ dựa vào tác dụng an thần.

Nhóm thuộc thế hệ I gồm chlorpheniramin và dexchlorpheniramin. Các thuốc thuộc nhóm này có tác dụng trị sổ mũi rất tốt nhưng lại gây buồn ngủ và có bất tiện là cần uống 2-3 lần trong ngày. Những thuốc này gây một số tác dụng phụ như chóng mặt, khô mắt, khô miệng có thể dẫn đến sâu răng khi dùng dài ngày.

Ngoài ra, cần lưu ý, không dùng thuốc cho những người bị glaucoma, phì đại tiền liệt tuyến do thuốc làm trầm trọng thêm tình trạng bệnh. Ngoài dạng bào chế đơn chất, chlorpheniramin còn được phối hợp với một số thuốc khác như paracetamol, pseudoephedrin, dexthromethorphan để trị cảm ho, sổ mũi, nghẹt mũi.

Thuộc nhóm thế hệ II có loratadin, cetirizin, fexofenadin, astemisol… Những thuốc này có ưu điểm hơn nhóm trước ở chỗ ít gây buồn ngủ và chỉ cần uống một lần duy nhất trong ngày. Thuốc không có tác dụng chống tiết acetylcholin nên có thể dùng được cho người bị phì đại tiền liệt tuyến hay glaucoma. Tuy nhiên, thuốc vẫn có những tác dụng ngoài ý muốn như khô mắt, khô miệng, chóng mặt, đau đầu…

Tuy nhiên, có một số trường hợp dùng thuốc kháng histamin nhưng vẫn không hết sổ mũi thì phải phối hợp thêm corticoid, nhưng cần dùng dưới sự hướng dẫn của thầy thuốc.

Thuốc trị nghẹt mũi

Để trị nghẹt mũi có thể dùng một số thuốc có tác dụng tại chỗ dưới dạng nhỏ mũi hay khí dung xịt vào mũi. Những dạng thuốc này gồm các hoạt chất như naphtazolin, xylometazolin, oxymetazolin.

Các thuốc này làm giảm xung huyết, thông mũi. Thuốc có tác dụng nhanh, duy trì trong nhiều giờ, vì thế mỗi ngày chỉ nên nhỏ từ 2 đến 3 lần. Tránh dùng nhiều lần và dùng trong thời gian dài vì sẽ xảy ra tình trạng bật trở lại, tức bị nghẹt mũi nhiều hơn.

Cho dù là thuốc nhỏ hay xịt tại mũi nhưng vẫn có một lượng nhất định thuốc vào máu, vì thế không nên dùng những thuốc này cho người cao huyết áp, xơ vữa động mạch, mạch nhanh. Không dùng cho người bị viêm mũi mãn tính.

Cần lưu ý, thông thường với các hoạt chất này, các nhà sản xuất có hai sản phẩm, một loại dành cho trẻ em, một loại dành cho người lớn, nên cho trẻ em dùng đúng hàm lượng và đúng số lần dành cho tuổi của trẻ.

Ngoài ra, có một số hoạt chất được phối hợp với các thuốc khác trong điều trị triệu chứng cảm cúm có sổ mũi, nghẹt mũi, đó là phenylpropanolamin, pseudoephedrin. Những chất này có hoạt tính cường giao cảm giống như ephedrin nhưng tác dụng co mạch của nó mạnh hơn. Với các thuốc này, những người bị cao huyết áp, tăng nhãn áp, cường giáp, phì đại tiền liệt tuyến, đái tháo đường cần thận trọng khi dùng.

Thuốc gây một vài tác dụng phụ như chóng mặt, nhức đầu, buồn nôn, nhịp tim nhanh, đánh trống ngực; có thể làm giảm tác dụng của một số thuốc hạ huyết áp như metyldopa. Cho dù ít kích thích thần kinh hơn ephedrin nhưng pseudoephedrin vẫn có thể gây khó ngủ, nên uống thuốc ngay trước khi đi ngủ hoặc cách xa giờ đi ngủ.

Riêng với phenylpropanolamin có thể làm trầm trọng thêm tình trạng cao huyết áp, có khả năng dẫn đến tai biến mạch máu não.

Dung dịch nước muối sinh lý (NaCl 0,9%) là một thuốc phụ trị sổ mũi và nghẹt mũi đơn giản và rất hiệu quả.

Sau khi dùng thuốc 3 ngày mà triệu chứng không giảm, hoặc nếu có sốt kèm theo uể oải, nước mũi trở nên đặc sệt hoặc đục, đau tai… thì nên đi khám bệnh. Những người có bệnh tim mạch, cao huyết áp, glaucoma, phì đại tiền liệt tuyến nên tham khảo thầy thuốc trước khi dùng bất cứ một thứ nào trong các nhóm thuốc trên.

AloBacsi.vn
Theo Nông Nghiệp Việt Nam

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X