Hotline 24/7
08983-08983

Thoát nỗi khổ rối loạn tiêu hóa ở người già

Rối loạn tiêu hóa là một bệnh hay gặp, nhất là người già. Khi tuổi đã cao, sức đề kháng suy giảm thì nhiều loại bệnh có thể tấn công, trong đó có các bệnh về đường tiêu hóa.

Chúng gây nhiều phiền toái cho người bệnh, đặc biệt bệnh tiêu chảy cấp có thể nguy hiểm đến tính mạng. Vậy nguyên nhân nào gây rối loạn tiêu hóa ở người cao tuổi (NCT) và phòng ngừa như thế nào.

Thoát nỗi khổ rối loạn tiêu hóa
Người cao tuổi nên uống nhiều nước để phòng táo bón.

Vì sao NCT hay bị rối loạn tiêu hóa?

Thứ nhất, NCT thường chán ăn, mệt mỏi, vì vậy rất dễ bỏ bữa. Nguyên nhân là do sự suy thoái dần của hệ tiêu hóa bởi tuổi tác, biểu hiện sự giảm bài tiết dịch vị.

Thứ hai, các cơ ở bộ phận tiêu hóa dần dần bị xơ teo nên NCT rất hay bị nghẹn, điều này khiến sự co bóp của đường tiêu hóa cũng sẽ bị giảm, nhất là các cơ ở thực quản (có thể do u chèn ép).

Thứ ba, do hệ thống cơ của hệ tiêu hóa và các men tiêu hóa bị suy giảm một cách đáng kể nên rất dễ bị sôi bụng, đầy hơi, đi ngoài phân không thành khuôn, nhất là mỗi lần ăn thức ăn nhiều mỡ, nhiều đạm. Đây cũng là một trong các lý do làm cho NCT ngại ăn, nhất là thịt, cá hoặc uống sữa.

Thứ tư, NCT cũng có thể mắc một số bệnh mạn tính như bệnh về dạ dày - tá tráng, viêm đại tràng mạn tính (viêm đại tràng xích ma), hội chứng ruột kích thích. Bệnh sa dạ dày gây nhiều phiền phức do NCT ít vận động, cơ dạ dày và cơ thành bụng đã bị suy giảm đáng kể, làm cho người bệnh lúc nào cũng thấy đầy bụng, ăn không tiêu, chán ăn, cảm thấy mệt mỏi và rối loạn giấc ngủ (ngủ không ngon giấc, ngủ không sâu hoặc rất ít ngủ).

Các bệnh rối loạn tiêu hóa và rối loạn giấc ngủ ở NCT có liên quan mật thiết với nhau và thường trở thành một vòng luẩn quẩn (tức là rối loạn tiêu hóa làm cho giấc ngủ không tốt, giấc ngủ không tốt lại làm cho rối loạn tiêu hóa tăng lên).

Bệnh về gan, mật (gan nhiễm mỡ, viêm gan mạn tính, bệnh xơ gan, bệnh viêm đường mật mạn tính hoặc bệnh sỏi mật) cũng ảnh hưởng rất lớn đến việc tiêu hóa. NCT cũng rất hay bị táo bón, nguyên nhân thường gặp nhất là do chức năng, hệ men tiêu hóa của đường ruột giảm sút, ít hoặc lười vận động, ít ăn rau, trái cây và thường uống ít nước. Càng ăn ít rau, uống ít nước, kèm theo ít vận động thì càng dễ táo bón và nếu kéo dài sẽ gây nên nhiều biến chứng bất lợi cho NCT.

Lý do NCT ngại uống nước, bởi vì uống nước sẽ phải đi tiểu nhiều lần, nhất là về đêm, sẽ gây nhiều phiền phức nếu ở người có sức khỏe yếu, đi lại khó khăn và sa sút trí tuệ. NCT bị táo bón kéo dài thường hay mệt mỏi do các chất độc tố có trong phân, trong đó rất nhiều độc tố của vi khuẩn ngấm vào máu.

Táo bón rất dễ gây nên bệnh trĩ, nứt kẽ hậu môn cho nên mỗi lần đi ngoài họ rất sợ vì phải rặn mạnh mà rặn mạnh thì đau, chảy máu. Chính vì thế, táo bón lại càng tăng lên và thường xuất hiện cơn đau quặn bụng, nhất là bụng dưới, hố chậu bên phải, dễ nhầm với viêm ruột thừa. Nếu bị tiêu chảy do nhiễm khuẩn (ngộ độc thực phẩm), đặc biệt là tiêu chảy cấp, nếu không xử trí kịp thời có thể gây trụy tim mạch rất nguy hiểm.

Bác sĩ khuyên thế nào?

Nếu bị tiêu chảy thường (không do nhiễm khuẩn), cần được bổ sung nước và chất điện giải bằng cách uống nhiều nước (nước gạo rang) hoặc tốt nhất là uống dung dịch oresol (ORS). Nếu tiêu chảy cấp, cần cho người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất để cấp cứu và xác định bệnh.

Thoát nỗi khổ rối loạn tiêu hóa
Viêm đại tràng là một nguyên nhân chính gây rối loạn tiêu hóa ở người cao tuổi.

Phòng bệnh rối loạn tiêu hóa ở NCT là một vấn đề cần được bản thân người bệnh và người nhà rất lưu ý. Đa số các trường hợp không cần dùng thuốc, bệnh cũng có thể khỏi hoặc giảm. Quan trọng nhất là NCT cần có chế độ dinh dưỡng hợp lý, kết hợp với vận động cơ thể và đời sống tinh thần thoải mái.

Người thân cần động viên và nếu cần thì hỗ trợ (bón cho ăn) trong các bữa ăn, nhất là người sức yếu, sa sút trí tuệ để làm sao làm cho họ không bỏ bữa. Nên chế biến thức ăn và có các loại rau, trái cây hợp khẩu vị để cho NCT ăn được nhiều rau, trái cây nhằm tăng chất xơ và sinh tố.

Đồng thời cần vận động cơ thể một cách nhẹ nhàng, thường xuyên như xoa bóp vùng bụng, xoa bóp các cơ bắp, đi bộ, hít thở (để cơ hoành và cơ bụng vận động giúp tiêu hóa tốt), nếu NCT không tự làm được thì nên có sự hỗ trợ của gia đình. Người có điều kiện và sức khỏe còn tốt thì nên đi bộ hoặc chơi các môn thể thao đơn giản (cầu lông, bơi).

Thời gian vận động cơ thể trong ngày cũng chỉ nên khoảng 60 phút là vừa và chia thành từ 2 - 3 lần tập, không tập một lúc 60 phút. Ngoài vật chất và vận động cơ thể cũng nên có những hoạt động về tinh thần như đọc báo, xem vô tuyến, nghe đài...

AloBacsi.vn
Theo BS. Đặng Bùi Phương Linh - Sức khỏe và Đời sống

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X