Hotline 24/7
08983-08983

Tăng bệnh trầm cảm do áp lực cuộc sống

Với phong cách điềm tĩnh, tươi tỉnh và nói năng khá lưu loát, không ai ngờ cô gái trẻ N.M.Th. (Bắc Ninh), đang được điều trị trầm cảm nặng tại Khoa Điều trị nữ cấp, BV Tâm thần T.Ư I.

16
BS. Tô Thanh Phương thăm khám bệnh nhân trầm cảm

Cô gái ấy cũng đã từng có một gia đình hạnh phúc với chồng và hai con thơ. Những khó khăn của cuộc sống khiến mái ấm đó ngày một lạnh lẽo với những trận xung đột và đỉnh điểm là quyết định ly thân rồi ly hôn. Mất quyền nuôi con vì không đủ điều kiện kinh tế, Th. tay trắng ra đi và sống một mình trong căn phòng trọ nhỏ. Nỗi đau đổ vỡ cứ chất chứa, không người sẻ chia khiến Th. dần đi vào ngõ cụt với nhiều đêm trắng không chợp mắt. Hai lần tự tử hụt vì may mắn được những người xung quanh kịp thời phát hiện, Th. chợt nhận ra mình đang lún sâu trong căn bệnh mang tên trầm cảm. Tự mình tìm đến BV Tâm thần T.Ư I, qua thăm khám và test, bác sĩ chẩn đoán Th. mắc trầm cảm, căn bệnh sẽ dần nặng hơn nếu không được điều trị kịp thời.

Trao đổi với Báo Giao thông, TS Tô Thanh Phương, Phó giám đốc BV Tâm thần T.Ư I cho biết: “Nếu trước kia, căn bệnh trầm cảm phần lớn bắt nguồn từ các bệnh nội sinh, thì nay lại ngược lại, có đến 80% bệnh nhân mắc bệnh trầm cảm có nguyên nhân từ các vấn đề xã hội”. Ông Phương cho biết, ở xã hội hiện đại, có quá nhiều nguyên nhân gây bệnh trầm cảm với thế hệ trẻ. Hàng đầu là áp lực từ học hành; kế tiếp là nghiện Facebook, nghiện game online hay ma túy đá...

Ông Phương cũng dẫn chứng về một bệnh nhân trầm cảm là học sinh trường chuyên. Cả lớp 30 học sinh nhưng 27 em có cơ hội đi du học, chỉ còn lại 3 bạn gia đình không đủ điều kiện kinh tế, trong đó có Nguyễn Hồng T. Vì muốn con theo học trường chuyên trên Hà Nội đỡ vất vả, cha mẹ T. ở quê dành dụm tiền mua một căn hộ nhỏ để em thuận tiện theo học. Khát khao ước mơ được du học cho “bằng bạn, bằng bè” khiến T. “day dứt”, đòi cha mẹ bán căn hộ ở Hà Nội để mình có thể được đi du học. Dù cha mẹ hết sức khuyên can nhưng T. một mực không chấp nhận. “Không chỉ hạn chế giao tiếp, buồn chán, thậm chí bi quan với hơn một lần có ý định tự sát, cô bé đó được cha mẹ đưa đến gặp tôi. Qua chia sẻ, cô bé luôn khẳng định, cha mẹ đã triệt con đường tiến thân trong tương lai nên rất tuyệt vọng. Đây là những dấu hiệu cho thấy, cô bé chỉ vì quá ganh đua, không đạt được nên trầm cảm”, BS. Phương cho biết.

Bằng liệu pháp tâm lý, giải thích, phân tích, bệnh nhân T. đã hợp tác uống thuốc, sau hai tháng điều trị đã cho kết quả khả quan. Hiện giờ T. đã học tại một trường ĐH ở Hà Nội.

TS Tô Thanh Phương cho rằng, stress từ áp lực công việc, học tập, hay từ hoạt động trên mạng xã hội đến các bạn trẻ trong xã hội hiện đại như một điều tất yếu. Tuy nhiên, việc thiếu đi kỹ năng “chống đỡ” khiến những điều này trở thành nguyên nhân dẫn đến căn bệnh trầm cảm trở nên khá phổ biến như hiện nay. Chia sẻ về kỹ năng “chống đỡ” với người trẻ, TS. Phương nhấn mạnh: “Trao đổi, tâm sự điều rất quan trọng, nên giải tỏa stress luôn không để ấm ức trong lòng. Bên cạnh đó, cần tăng cường rèn luyện thể lực, vận động thể thao, tham gia nhiều hoạt động xã hội ý nghĩa. Học sinh, sinh viên nên chủ động sử dụng mạng xã hội đúng mục đích, tránh xa các tệ nạn game online, ma túy đá…”.

Theo Vũ Anh - Giao thông

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X