PGS.TS.BS Nguyễn Tấn Cường: Người tiên phong trong phẫu thuật nội soi ở Việt Nam
26 năm trôi qua, nhưng những cảm xúc và ấn tượng về ca mổ nội soi đầu tiên ở Việt Nam của PGS.TS.BS Nguyễn Tấn Cường vẫn còn nguyên vẹn.
Bất ngờ với món quà tặng trị giá 40.000 USD
Năm 1992, khi ngành y tế Việt Nam còn nhiều thiếu thốn từ tài liệu tham khảo đến những vật tư y tế rất cơ bản như găng tay, kim chỉ khâu… thì bác sĩ trẻ Nguyễn Tấn Cường sau một năm được cử đi tu nghiệp tại Mỹ đã trở về mang theo một phương pháp phẫu thuật hoàn mới và đặc biệt là một dàn máy phẫu thuật nội soi hoàn chỉnh trị giá hàng chục ngàn USD.
PGS Nguyễn Tấn Cường kể lại, năm sau khi tốt nghiệp ĐH Y Dược TP.HCM, ông được giữ lại trường làm cán bộ giảng dạy và tham gia điều trị lâm sàng tại Bệnh viện Chợ Rẫy. Nhờ giỏi ngoại ngữ và được sự tin tưởng của Cố giáo sư Trương Công Trung, năm 1991, bác sĩ Nguyễn Tấn Cường nhận được một suất học bổng sang bệnh viện St.Vincent, Indiana (Mỹ) để tu nghiệp. Tại đây, bác sĩ Cường đã may mắn được học và trao đổi với bác sĩ Maurice Arregui - một chuyên gia hàng đầu của Mỹ về kỹ thuật mổ nội soi.
Phẫu thuật nội soi được thực hiện đầu tiên tại Pháp vào năm 1987 trên bệnh nhân cắt túi mật. Đến năm 1988, phẫu thuật nội soi mới thực sự bắt đầu phát triển tại Mỹ, từ đó có rất nhiều cuộc hội thảo khoa học bàn về phương pháp mới này. Trong chuyến tu nghiệp tại Mỹ, bác sĩ Cường may mắn được tham gia hội nghị phẫu thuật toàn quốc Hoa Kỳ tại Chicago.
Tại hội nghị này, bác sĩ Cường không những cập nhật được nhiều kiến thức y khoa hoàn toàn mới mà còn được "mãn nhãn" với hàng loạt các trang thiết bị y tế hiện đại, đặc biệt là dàn máy mổ nội soi trị giá hàng chục ngàn USD.
Nhớ lại những tháng ngày học tập trên đất Mỹ, PGS.TS.BS Nguyễn Tấn Cường kể: "Điều bất ngờ và ấn tượng đầu tiên của tôi tại Mỹ đó là được tiếp cận với kỹ thuật phẫu thuật nội soi. Đây là một phương pháp hoàn toàn mới và được cộng đồng phẫu thuật trên thế giới hào hứng tìm tòi nghiên cứu vì những lợi ích mang lại cho người bệnh. Tại đây, tôi được bác sĩ Maurice Arregui hướng dẫn thực hiện kỹ thuật này".
Được tiếp cận với một kỹ thuật mổ hiện đại, giảm thiểu nhiều rủi ro cho bệnh nhân, bác sĩ Cường cũng ước ao được mang kỹ thuật mới này thực hiện ở Việt Nam, nhưng với điều kiện ngành y tế Việt Nam vào thời đó quả là một mong ước vượt quá tầm tay.
Trong 3 ngày diễn ra hội nghị phẫu thuật toàn quốc tại Mỹ, bác sĩ Cường được bác sĩ Maurice Arregui giới thiệu với đại diện công ty sản xuất ra dàn máy mổ nội soi đang được trưng bày tại hội nghị. Tại buổi gặp gỡ đó, người đại diện của công ty hỏi bác sĩ Cường: "Anh học phương pháp phẫu thuật nội soi ở đây anh có áp dụng được khi về Việt Nam không ?".
Lúc này, bác sĩ Cường thành thật trả lời: "Chắc khoảng 10 năm nữa thì mới có thể thực hiện được phương pháp này tại Việt Nam". Vị đại diện công ty tỏ ra rất ngạc nhiên và hỏi lại "Tại sao ?". Bác sĩ Cường chậm rãi trả lời: "Vì hiện nay điều kiện y tế ở Việt Nam còn rất thiếu thốn ngay cả găng tay, kim chỉ phục vụ cho phẫu thuật còn thiếu thì một dàn máy mổ nội soi với giá trị 40 -50 ngàn USD đó là điều quá xa vời".
"Sau cuộc nói chuyện đó, điều khiến tôi bất ngờ và ngoài sức tưởng tượng của mình chính là được công ty này tặng cho một dàn máy mổ nội soi hoàn chỉnh trị giá 40.000 USD để mang về Việt Nam. Đây cũng là dàn máy mổ nội soi đầu tiên ở Việt Nam", bác sĩ Cường chia sẻ.
Ca phẫu thuật nội soi đầu tiên ở Việt Nam
Mang một kỹ thuật mới về Việt Nam, bác sĩ Cường hào hứng chia sẻ với đồng nghiệp và xin được thực hiện kỹ thuật này. Tuy nhiên, vì đây là một kỹ thuật quá mới, để đảm bảo tính an toàn và thuần thục thao tác, GS Nguyễn Đình Hối, Hiệu trưởng Trường ĐH Y Dược TP.HCM cho ê kíp bác sĩ Cường thực hiện thí điểm mổ nội soi trên 10 con chó.
Sau gần 6 tháng thực hiện phẫu thuật trên 10 con chó, kết quả phẫu thuật nội soi đã được Hội đồng khoa học của trường ĐH Y Dược TP Hồ Chí Minh đánh giá tốt và được giới thiệu qua Bệnh viện Chợ Rẫy - nơi bác sĩ Cường đang công tác để thực hiện mổ trên người. Ngày 23/9/1992 ca phẫu thuật nội soi cắt túi mật đầu tiên được thực hiện trên bệnh nhân nữ 63 tuổi đã thành công tốt đẹp.
26 năm trôi qua, nhưng những cảm xúc và ấn tượng về ca mổ nội soi đầu tiên ở Việt Nam của PGS.TS.BS Nguyễn Tấn Cường vẫn còn nguyên vẹn. Nhớ lại ca mổ nội soi đầu tiên ấy, vị PGS ngoài 60 tuổi kể: Bệnh nhân này có một sỏi túi mật đã lâu nhưng cứ nghe đến mổ là bà lại sợ. Khi nghe có kỹ thuật phẫu thuật mới ít xâm lấn, ít đau, thời gian nằm viện ngắn bà đã đến xin được mổ.
Dù đã chuẩn bị rất kỹ nhưng lần mổ đầu tiên đã không thể thực hiện vì không thể gây mê cho bệnh nhân được. Tuy nhiên, bệnh nhân vẫn ráng nằm tại bệnh viện chờ bác sĩ nghĩ cách khác. Cuối cùng, ca phẫu thuật này cũng được thực hiện bằng gây tê ngoài màng cứng.
"Khi bước vào ca mổ tôi cũng khá run vì bệnh nhân chỉ được gây tê. Trên thế giới cũng hiếm có trường hợp cắt túi mật chỉ bằng gây tê. Thế nhưng, bệnh nhân này đã cố gắng chịu đau và không quên động viên ngược lại tôi cứ yên tâm phẫu thuật, khiến cho tôi giống như được tiếp thêm sức mạnh", bác sĩ Cường chia sẻ.
Sau hơn 2 giờ đồng hồ, ca phẫu thuật nội soi đầu tiên đã thành công ngoài mong đợi và để lại tiếng vang, đánh dấu sự phát triển phẫu thuật nội soi ở Việt Nam. Khoảng 2 năm sau đó, các bệnh viện lớn trong cả nước bắt đầu mua máy để thực hiện phẫu thuật nội soi. Năm 1995, bác sĩ Cường cùng với các đồng sự đã mở các khóa huấn luyện phẫu thuật nội soi căn bản và nâng cao tại Bệnh viện Chợ Rẫy và Bệnh viện Đại học Y Dược, giúp đào tạo hàng trăm phẫu thuật viên mổ nội soi cho các bệnh viện tại thành phố và các tỉnh phía Nam.
Bên cạnh đó, ê kíp của bác sĩ Cường cũng về các bệnh viện tuyến tỉnh “cầm tay chỉ việc”, chuyển giao kỹ thuật mổ nội soi cho các bác sĩ tuyến dưới. Kỹ thuật phẫu thuật nội soi không chỉ thực hiện trên cắt túi mật, những năm sau đó còn được mở rộng áp dụng trong mổ ruột thừa, u nang buồng trứng, cắt lách, dạ dày, đại tràng...
Bác sĩ Cường cho biết, kinh phí để đầu tư cho một dàn máy mổ nội soi khá lớn nên trong những năm đầu, phẫu thuật nội soi phát triển rất chậm, chỉ những bệnh viện ở các thành phố lớn mới đủ kinh phí để trang bị. 10 năm sau đó, kỹ thuật này đã được người dân biết đến nhiều và tìm đến những bệnh viện có kỹ thuật này để mổ. Đó chính là động lực để các bệnh viện quyết tâm đầu tư cơ sở vật chất và nhân lực để đưa phẫu thuật nội soi vào bệnh viện.
Hiện nay, phẫu thuật nội soi tại Việt Nam đã có bước phát triển vượt bậc, tiến xa so với nhiều nước trong khu vực. Nhiều bác sĩ nước ngoài đã về Việt Nam học phẫu thuật nội soi. Phẫu thuật nội soi không còn là một kỹ thuật chỉ có tại các bệnh viện tuyến trên mà đã “phủ sóng” rộng khắp đến các bệnh viện tuyến tỉnh, quận, huyện và đang dần thay thế phương pháp mổ hở kinh điển.
Những quyết định táo bạo từ ánh mắt của bệnh nhân
Trong suốt thời gian gắn bó với nghề, vị bác sĩ có nụ cười hiền hậu đó hình như chưa bao giờ chịu chấp nhận khuất phục đánh mất cơ hội sống của bệnh nhân dù cơ hội đó là rất mong manh. Bởi, ông luôn tâm niệm: "Tận nhân lực, tri thiên mạng" - phải làm hết sức mình rồi hãy nói đến số mạng. Khi làm hết sức mà cũng không cứu được thì coi như là số mạng.
Với tâm niệm đó, cùng với sự day dứt khi nhìn vào ánh mắt khát khao sự sống của bệnh nhân, ông đã giúp không ít bệnh nhân "thoát khỏi tay tử thần". Nhớ về những quyết định liều lĩnh của mình, mắt ông ánh lên nụ cười và những ký ức ùa về. Ông kể, khi còn là một bác sĩ trẻ đang công tác tại Bệnh viện Chợ Rẫy, ông gặp một bệnh nhân khoảng 20 tuổi ở Đăk Lắk đã trải qua 7 lần mổ. Hầu như các bác sĩ trong bệnh viện đều "ngao ngán" với trường hợp này vì tình trạng viêm phúc mạc, thủng ruột, xì phân vẫn liên tiếp xảy ra không thuyên giảm.
Trong khi các đồng nghiệp đã quá "ê ẩm" và cho rằng sự sống của bệnh nhân này phụ thuộc vào số mạng thì bác sĩ Cường lại xin được mổ. Trước quyết định liều lĩnh đó, bác sĩ Cường cũng nhận được nhiều ý kiến khuyên ngăn của đồng nghiệp vì nếu mổ không thành công thì sẽ ảnh hưởng đến uy tín của bản thân. "Tôi thấy trong ánh mắt của bệnh nhân có một sự khát khao được sống rất mãnh liệt và nếu cứ để như vậy thì bệnh nhân sẽ chết vì ăn bao nhiêu cũng bị xì ra hết. Bệnh nhân mong muốn được sống như thế mà mình là bác sĩ, chẳng lẽ lại bỏ mặc vì khó khăn và rủi ro", bác sĩ Cường chia sẻ.
Những vết mổ chằng chịt của 7 lần mổ trước đã khiến cả ê kíp mổ của bác sĩ Cường phải “toát mồ hôi” để gỡ dính tránh những vết mổ trước. Sau 8 tiếng đồng hồ “vật vã” ca mổ cũng kết thúc và khá thành công. Cứ tưởng mọi chuyện đã êm xuôi, nhưng chỉ sau vài ngày, bệnh nhân này lại bị xì phân. Không chịu khuất phục, bác sĩ Cường lại đi xin từng chai đạm để cải thiện tình trạng suy kiệt của bệnh nhân, tiếp tục nghiên cứu các phương án và cứ thế phải đến lần mổ thứ 10 thì tình trạng bệnh nhân mới cải thiện. Với tấm lòng và sự tận tâm của bác sĩ Cường, cuối cùng sau 1 năm điều trị, chàng thanh niên ấy cũng khỏe mạnh và được xuất viện, lập gia đình.
Mới đây, các phương tiện truyền thông liên tục đăng tải thông tin một bé trai 11 tuổi ở TP.HCM có khối u gan 10 cm được phẫu thuật thành công tại bệnh viện Quốc tế City - nơi PGS.TS.BS Nguyễn Tấn Cường về làm Giám đốc Y khoa từ khi nghỉ hưu tại bệnh viện Chợ Rẫy. Điều đặc biệt khiến nhiều người quan tâm chính là bệnh nhi này đã đi khám nhiều bệnh viện nhưng đều bị từ chối vì người nhà yêu cầu trong lúc phẫu thuật không được truyền máu từ ngoài. Đây là một yêu cầu khiến cho ca phẫu thuật gặp rất nhiều rủi ro và ảnh hưởng đến uy tín của bệnh viện cũng như người mổ nếu ca mổ không thành công.
Gia đình bệnh nhi này đã tìm đến Bệnh viện Quốc tế City, trước những yêu cầu ngặt nghèo của gia đình, các bác sĩ tại đây cũng khá e dè và có nhiều ý kiến đưa ra. Các bệnh viện công đã từ chối thì bệnh viện tư nhân không nên nhận phẫu thuật ca này vì đem lại quá nhiều rủi ro cho bệnh viện. Thế nhưng, ánh mắt khát khao sự sống của cậu bé đã khiến cho PGS.TS.BS Nguyễn Tấn Cường chạnh lòng và quyết tâm thuyết phục hội đồng chuyên môn để thực hiện phẫu thuật cho bé.
Trải lòng về ca phẫu thuật đầy căng thẳng này, bác sĩ Cường chia sẻ: "Bệnh nhi G.B. đã đi nhiều bệnh viện ròng rã 6 tháng trời nhưng đều bị từ chối, còn khối u thì phát triển ngày một to hơn, nếu không được mổ thì rất nguy hiểm đến tính mạng. Thật sự, lúc đầu tôi cũng khá phân vân, nhưng khi nhìn vào ánh mắt khát khao sự sống và nhìn thấy được cả một tương lai dài phía trước của cậu bé, tôi nghĩ nếu mình từ chối thì chẳng khác nào tước đi hy vọng sống cuối cùng của bé. Tại sao mình lại không chấp nhận rủi ro để tìm sự sống cho bệnh nhân?!".
Gần 40 năm trong nghề, bác sĩ Cường cùng với các bác sĩ tại Bệnh viện Quốc tế City đã lao vào nghiên cứu giải phẫu bất thường của mạch máu, tận dụng tất cả các phương tiện máy móc tốt nhất của bệnh viện, chuẩn bị rất kỹ lưỡng và sau hơn 2 giờ, ca phẫu thuật đã thành công ngoài mong đợi. Bác sĩ đã cắt bỏ được phần gan có chứa khối u và cắt túi mật. Phần gan cắt bỏ chiếm khoảng 15% thể tích gan.
Khi chúng tôi hỏi: "Với những quyết định phải nói là khá liều có thể làm ảnh hưởng đến sự nghiệp của mình và thậm chí là uy tín của bệnh viện, ông không sợ người nhà thưa kiện?". Người bác sĩ cương trực lúc nào cũng nghĩ đến bệnh nhân chậm rãi nói: "Trong phẫu thuật, dù chuẩn bị kỹ lưỡng đến đâu, các tai biến ngoài ý muốn vẫn có thể xảy ra. Người nhà bệnh nhân chỉ thưa kiện khi thấy chúng ta không có cái tâm và không có trách nhiệm. Nếu chúng ta làm hết sức và giải thích tận tường các tai biến, chứng cứ khả năng thành công thì gia đình cũng sẽ chia sẻ những rủi ro đó với bác sĩ".
Xông vô cõi chết để tìm sự sống
Nhìn lại chặng đường để trở thành bác sĩ của mình, PGS.TS.BS Nguyễn Tấn Cường không khỏi bồi hồi. Ông kể, ông sinh ra trong một gia đình nghèo, mồ côi cha ngay từ khi còn nhỏ, một mình mẹ làm mướn nuôi 6 anh chị em ăn học thành người.
Những anh chị em trong nhà không ai theo nghề y và trong suốt quá trình học phổ thông, ông cũng không bao giờ nghĩ mình học nghề y và thậm chí là không thích nghề này. "Tôi chỉ thích học những môn tính toán vì không phải học thuộc bài, thấy bạn bè xung quanh học y phải học thuộc bài tối ngày nên tôi không thích. Nhưng bị rơi vào tình thế không chọn được nơi học khác và được bạn bè rủ rê thế là tôi đăng ký thi tuyển vào học y", bác sĩ Cường cho hay.
Khi bước chân vào ngành y, như có một sức hút lạ kì khiến bác sĩ Cường càng lúc càng thấy gắn bó, thấy thú vị hơn và thích tìm tòi học hỏi hơn với cái nghề ấy. Bởi với ông, khi được tiếp xúc với bệnh nhân, được chia sẻ cùng họ những nỗi đau, càng giúp ông có thêm động lực để cố gắng nhiều hơn nữa. Và "cái nghiệp" ấy đã gắn bó với ông suốt gần 40 năm trong nghề. "Giờ đây nghĩ lại tôi thấy nghề chọn mình chứ không phải mình chọn nghề", bác sĩ Cường chia sẻ.
Không chỉ nặng lòng với người bệnh, ông còn luôn cố gắng nghiên cứu tìm tòi và chia sẻ truyền nghề cho thế hệ bác sĩ trẻ sau này. Không chỉ truyền tải về kiến thức, bác sĩ Cường còn truyền tải cho thế hệ bác sĩ về đạo đức của người “lỡ” mang nghiệp nghề y.
Theo đó, ông luôn luôn dặn học trò của mình rằng: "Kiến thức y khoa đã tiến bộ từng ngày, nhưng đó chỉ là một phần nổi của tảng băng trên mặt biển. Y khoa là một môn khoa học không chắc chắn, nghề y phải miệng nói tay làm mới thành thục được. Trước một ca bệnh khó, người bác sĩ không được sợ hãi, không được chùn bước, phải xông vào cõi chết để tìm sự sống".
Ở cương vị là một bác sĩ cầm dao mổ, hay là một giám đốc phụ trách y khoa của một bệnh viện lớn, ông vẫn luôn giữ được sự thân thiện, điềm tĩnh nhưng lại rất "liều" của người bác sĩ không chịu khuất phục số mạng, ngày đêm nghiên cứu để tìm ra phương pháp điều trị tốt nhất cho người bệnh. Trong suốt cuộc đời của mình, ông luôn dành cho bệnh nhân một sự trân quý và biết ơn, vì chính họ là những người thầy đã giúp ông nâng cao tay nghề.
Theo TTXVN/Khám phá
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình