Hotline 24/7
08983-08983

Những sai lầm trong thói quen hàng ngày

Có những thói quen hàng ngày mà chúng ta tưởng như đang giữ vệ sinh, nhưng thực chất lại gây hại cho sức khỏe của chính mình.

Sử dụng xà phòng diệt khuẩn

Các sản phẩm kháng khuẩn có chứa chất diệt khuẩn triclosan - một loại hóa chất được cho là có nguy cơ khiến người dùng bị rối loạn nột tiết. Một số nghiên cứu cho thấy, việc sử dụng loại xà phòng này sẽ không an toàn cho sức khỏe của người tiêu dùng. Chúng cũng không có tác dụng phòng bệnh hiệu quả hơn các loại xà phòng thông thường.

Giặt quần áo bằng nước lạnh

Theo nghiên cứu về những loại vi khuẩn gây thối rữa trong máy giặt của GS Charles Gerba (ĐH Arizona, Mỹ), "nếu bạn giặt một đống quần áo lót, sẽ có khoảng 100 triệu vi khuẩn E.coli trong nước xả và chúng có thể truyền vào các quần áo khác trong lần giặt tiếp theo".

Cứ mỗi chiếc đồ lót chứa khoảng 1/10 gram chất thải, kèm theo vô số vi khuẩn như virus gây viêm gan A, rotavirus, khuẩn salmonella (khuẩn gây ra các bệnh nhiễm đường ruột và máu) và E.coli (vi khuẩn gây tiêu chảy).

Bởi vậy, theo các chuyên gia, bạn nên giặt quần áo ở nhiệt độ 65°C và ngay sau đó cho quần áo vào máy sấy để ngăn chặn sự sinh sôi nảy nở của vi khuẩn.

Tưởng sạch mà không sạch

Có khoảng nửa triệu con vi khuẩn cho mỗi cm2 trên sàn phòng tắm và hơn 100.000 con luôn trú ngụ trong đường ống nước thải của bồn rửa chén bát.

Theo một nghiên cứu khác của GS Gerba tại một bệnh viện ở New York, bề mặt bồn rửa bát mất vệ sinh hơn bề mặt bồn cầu rất nhiều. Vì thế, nên hạn chế ngâm chảo, bát, đĩa trong bồn rửa bát quá lâu bởi nó sẽ là nơi lý tưởng để các loại vi khuẩn như E.coli và salmonella phát triển.

Giật nước khi chưa đậy nắp bồn cầu

Nghiên cứu của Giáo sư Gerba cho thấy việc giật nước khi nắp bồn cầu không được đóng sẽ khiến các phân tử của chất thải bắn ra ngoài, thậm chí có thể bắn xa đến 2 m. Nếu phòng tắm nhà bạn hơi hẹp, hãy cất các đồ vệ sinh cá nhân trong tủ phòng tắm hoặc nơi xa bồn cầu nhất có thể.

Sấy tay sau khi rửa

Thay vì sử dụng máy sấy, hãy sử dụng khăn hoặc giấy để lau tay, cách này vệ sinh và tiết kiệm điện hơn. Máy sấy tay nơi công cộng chứa rất nhiều vi khuẩn và khi sử dụng máy, bạn có thể bị nhiễm vi khuẩn từ những người dùng trước.

Sử dụng khăn tắm lại nhiều lần

Nếu bạn nghĩ rằng, sử dụng lại khăn tắm nhiều lần mới đem đi giặt sẽ giúp bạn tiết kiệm nước, thì trên thực tế, bạn tự mang bệnh vào người. Vi khuẩn sinh sôi rất nhanh trong điều kiện ẩm ướt của chiếc khăn ẩm mà bạn vừa dùng, đặc biệt là khi bạn có vết thương hở. Vì lý do này, bạn nên thay hoặc giặt khăn tắm ít nhất ba ngày một lần để tránh sự gia tăng của vi khuẩn cũng như mùi ẩm mốc của chiếc khăn.

Không vệ sinh thiết bị thông minh

Điện thoại di động thường xuyên bị nóng và được cất ở túi xách hoặc túi quần. Điều kiện này rất thuận lợi cho sự sinh sôi nảy nở của vi khuẩn. Bàn phím máy vi tính cũng vậy.

Việc áp sát điện thoại vào má hoặc chạm tay lên mặt sau khi tiếp xúc với máy vi tính rất dễ khiến mặt bạn bị nhiễm khuẩn và mụn. Bạn nên lau chùi bề mặt điện thoại di động và bàn phím máy tính thường xuyên để bảo vệ sức khoẻ cho chính mình.

Không vệ sinh rốn

Khi tắm rửa chúng ta thường quên không vệ sinh phần rốn. Tuy nhiên, rốn được ví như cái "tổ" của các loại vi khuẩn. Trong một khảo sát về rốn của 60 người, các nhà nghiên cứu đã phát hiện tới 2.368 loại vi khuẩn khác nhau.

Chỉ rửa tay khi thấy bẩn

Đôi khi, do ngại phải di chuyển mà chúng ta chỉ đi rửa tay khi thấy bẩn. Đây chính là sai lầm lớn vì thói quen này tạo cơ hội cho vi khuẩn trú ngụ và sinh sôi nhiều hơn trên đôi bàn tay, làm tăng nguy cơ chúng xâm nhập vào cơ thể bạn.

Gội đầu thường xuyên

Gội đầu thường xuyên sẽ lấy đi chất dầu tự nhiên trên da đầu, khiến tóc bị khô và xơ. Bạn nên gội đầu từ ba đến bốn ngày một lần để có mái tóc bóng khỏe tự nhiên.

Gấp chăn ngay sau khi thức dậy

Cơ thể con người ra mồ hôi kể cả khi ngủ. Vì vậy, nếu gấp chăn ngay khi tỉnh dậy, mồ hôi vẫn còn ngấm trong chăn. Một thời gian sau, chăn không những rất hôi, mà còn có nhiều vi khuẩn sinh sôi. Vì vậy, sau khi ngủ dậy, bạn nên lật chăn lại và hong khoảng mười phút rồi mới gấp. Ngoài ra, bạn cũng nên phơi chăn ít nhất một lần mỗi tuần.

Theo Linh Đặng - Thế giới và Việt Nam

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X