Hotline 24/7
08983-08983

Những biểu hiện sốt xuất huyết ở trẻ

Câu hỏi

Thưa bác sĩ, Con em sốt cao mấy hôm nay, người lừ đừ nhưng trên cơ thể không xuất hiện nốt đỏ. Tuy vậy, em vẫn lo bé bị sốt xuất huyết vì cho uống hạ sốt mà không đỡ. Xin bác sĩ cho biết những biểu hiện cho thấy trẻ đã bị mắc sốt xuất huyết? Em có nên đưa con vào bệnh viện không? Xin cảm ơn bác sĩ!

Trả lời
Sốt xuất huyết có triệu chứng đầu tiên là sốt cao. Ảnh minh họa - Nguồn Internet
Sốt xuất huyết có triệu chứng đầu tiên là sốt cao. Ảnh minh họa - Nguồn Internet

Bạn thân mến,

Sốt xuất huyết là một bệnh dễ lây truyền do virus dengue gây ra, thường bùng phát vào đầu và cuối mùa mưa. Bệnh lây lan do muỗi vằn đốt người bệnh nhiễm virus sau đó truyền bệnh cho người lành qua vết đốt.

Bất cứ người nào cũng có thể mắc bệnh sốt xuất huyết, từ trẻ em, người lớn hay thậm chí cả người già, đây không phải là bệnh của riêng ai. Bệnh đang lưu hành đồng thời 4 chủng virus Dengue l2 D1, D2, D3 và D4. Một người mắc sốt xuất huyết sẽ miễn dịch với chủng virus đó trong 3-4 năm, nhưng mỗi năm chủng gây bệnh có thể thay đổi, khi đó bệnh nhân bị sốt xuất huyết rồi vẫn bị nhiễm dòng virus Dengue khác và sau có thể sẽ nặng hơn lần trước. Vì thế, chúng ta không nên chủ quan khi đối diện với sốt xuất huyết.

Triệu chứng ban đầu của sốt xuất huyết thường dễ lầm với các bệnh sốt siêu vi, viêm họng, tay chân miệng. Tuy nhiên, ngay từ khi khởi phát bệnh nhân mắc sốt xuất huyết thường sốt cao đột ngột, 39 - 40 độ. Nếu người bệnh được uống thuốc hạ sốt thì thân nhiệt giảm nhưng sau đó sẽ tăng cao trở lại.

Bệnh kéo dài liên tục từ 2-7 ngày, kèm theo các triệu chứng như nhức đầu, chán ăn, buồn nôn, đau sau hốc mắt, đau cơ, đau khớp, da xung huyết, có thể xuất hiện chấm xuất huyết dưới da, chảy máu chân răng hoặc chảy máu cam.

Trường hợp bệnh diễn tiến nặng hơn sẽ đi kèm với các biểu hiện: chân tay lạnh, người vật vã, li bì, lừ đừ, nôn nhiều, xuất huyết niêm mạc, tiểu ít, vết bầm tím chỗ tiêm, nôn ra máu, đi cầu phân đen. Những trường hợp nặng, nếu không được điều trị kịp thời bệnh nhân sẽ bị sốc hoặc xuất huyết nặng, suy tạng và có thể tử vong.

Khi thấy những triệu chứng trên, cách xử lý tốt nhất là đưa bệnh nhân đến ngay cơ sở y tế để các bác sĩ chẩn đoán, điều trị và theo dõi. Tùy theo vào diễn tiến của bệnh, mức độ nặng nhẹ khác nhau, bác sĩ sẽ chỉ định điều trị tại bệnh viện hay chăm sóc ở nhà.

Đôi điều chia sẻ cùng bạn!

Trân trọng.
Mời tham khảo thêm:

Sốt cao liên tục là triệu chứng phát bệnh ban đầu của sốt xuất huyết, nhưng rất dễ gây nhầm lẫn thành sốt siêu vi hoặc sốt phát ban. Để xác định chính xác bệnh, mẹ nên theo dõi ít nhất 3 ngày đầu tiên kể từ ngày khởi phát.

- Bệnh khởi phát ngày đầu tiên: Trẻ đang khỏe mạnh tự dưng bị sốt cao đột ngột và liên tục, mặt đỏ, cổ họng đỏ nhưng không đau.

- Ngày thứ 2: Trẻ vẫn tiếp tục bị sốt cao liên tục, khó hạ sốt. Dùng thuốc hạ sốt, nhiệt độ chỉ hạ xuống một chút rồi lại tăng lên. Lúc này, để biết chắc hơn mẹ hãy cố gắng tìm các dấu hiệu xuất huyết trên da ở phần bụng, tay chân, cổ, mí mắt.

Chuyển sang ngày thứ 3: Dấu hiệu xuất huyết trên da rõ ràng hơn. Bé vẫn còn sốt cao kèm theo triệu chứng xuất huyết da niêm mạc như chảy máu mũi, máu răng. Đôi khi bị nôn ói, đau bụng thường là đau phần rốn hoặc bên phải rốn.

Với những trẻ bị sốt xuất huyết nhẹ, mẹ có thể chăm sóc và theo dõi điều trị cho bé tại nhà. Tuy nhiên, từ ngày thứ 3 trở đi, mẹ cần đặc biệt theo dõi kĩ để phát hiện các triệu chứng tiền sốc. Lập tức đưa trẻ đến bệnh viện nếu có các dấu hiệu sau: Trẻ đang tỉnh táo bỗng trở nên lừ đừ, vật vã, đau bụng dữ dội, tay chân lạnh, da trở nên tím tái…


BS.CK2 Nguyễn Thị Thanh
Nguyên Trưởng khoa Nội 1, BV Nhi đồng 2

Tìm câu hỏi khám bệnh

Được tìm nhiều:

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X