Hotline 24/7
08983-08983

Người Việt còn thờ ơ với dịch cúm gia cầm

Mặc dù dịch cúm gia cầm đang diễn biến phức tạp nhưng không ít người dân vì lợi ích trước mắt vẫn mua bán gà, vịt không rõ nguồn gốc, chưa qua kiểm dịch, bất chấp những mối hiểm họa.

Diễn biến dịch bệnh phức tạp

Theo thông tin từ Cục Thú y, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) tính thời điểm cuối tháng 2/2017, nước ta có 13 ổ dịch cúm gia cầm tại 7 tỉnh, trong đó có 12 ổ dịch cúm gia cầm A/H5N1 và 1 ổ dịch cúm gia cầm A/H5N6.

Cục Thú y cho biết, một số chủng virus cúm gia cầm chưa có ở Việt Nam (A/H7N9, A/H5N2, AH5N8) có nguy cơ xâm nhiễm vào trong nước thông qua các hoạt động vận chuyển, buôn bán, tiêu thụ gia cầm và sản phẩm gia cầm nhập lậu, không rõ nguồn gốc, nhất là đối với các tỉnh biên giới phía Bắc và các tỉnh, thành phố khác có tiêu thụ gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập lậu.

Tuy nhiên, trước nguy cơ bùng phát dịch cúm gia cầm, vì hám lợi, một số người vẫn lén lút đưa gia cầm về Việt Nam. Ngày 28/2, công an tỉnh Lạng Sơn phát hiện 7.000 gà giống, trị giá khoảng 50 triệu đồng, nhập lậu từ biên giới Trung Quốc qua cửa khẩu Chi Ma vào nội địa.

Cũng trong ngày 28/2, lực lượng chức năng tỉnh Quảng Ninh phát hiện thương lái lén lút vận chuyển trái phép 170 lồng nhựa, bên trong chứa 12.000 con gà giống không rõ nguồn gốc xuất xứ, tại bản Vắn Tốc, xã Quảng Đức, huyện Hải Hà (tỉnh Quảng Ninh).

Hải quan Quảng Ninh bắt giữ vụ vận chuyển gà lậu tại Km15 TP.Móng Cái

“Vô tư” với cúm

UBND TP Hà Nội đã có công điện yêu cầu người chăn nuôi báo dịch khi phát hiện có gia cầm ốm, chết bất thường; nghiêm cấm việc giấu dịch, bán chạy gia cầm mắc bệnh làm lây lan dịch bệnh; không buôn bán gia cầm và sản phẩm gia cầm nhập lậu, không rõ nguồn gốc, chưa được kiểm dịch.

Tuy nhiên, theo ghi nhận của phóng viên, nhiều chợ dân sinh, chợ tự phát tại Hà Nội, một lượng lớn gà vịt thuộc diện “ba không” (không rõ nguồn gốc, không kiểm dịch, không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm) vẫn được nhốt, giết thịt bình thường như chưa có cảnh báo dịch cúm. Người mua tấp nập mà không biết nguồn gốc của các loại gia cầm này từ đâu.

Trong vai khách hàng đi mua gia cầm, chúng tôi được một người bán gà ở đây đon đả tiếp thị: “Gà của chị bán đều là gà Việt Nam, đảm bảo sạch sẽ, an toàn. Sẽ tính giá rất… mềm cho em”. Tuy nhiên, khi chúng tôi hỏi có gì để chứng minh đây không phải là gà Trung Quốc thì chị này tỏ vẻ khó chịu và lớn tiếng: “Không mua thì thôi, gà người ta nuôi tại nhà lấy đâu ra dịch. Tôi buôn bán lâu nay ở khu vực này có bao giờ mà bị ai phàn nàn về ăn phải gà vịt dịch bệnh đâu!”.

Tại chợ cóc khu vực ngõ 14 trên phố Pháo Đài Láng cũng diễn ra tình trạng buôn bán, giết mổ gia cầm “ba không”. Khi chọn mua hàng xong, để khỏi mất công, người bán còn “khuyến mãi” thêm dịch vụ làm thịt gà vịt ngay tại chỗ cho khách hàng. Tuy nhiên, khi tôi thử hỏi giấy kiểm dịch, liền bị một người bán cau mày: “Hàng gà vịt ở đây chẳng có giấy tờ gì cả, có vậy giá mới rẻ chứ”.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, giá gà thải loại nhập từ Trung Quốc hiện rất rẻ chỉ khoảng 10.000 - 12.000 đồng/kg. Trong khi đó, gà sống được bán trên thị trường có giá 90.000 - 110.000 đồng/kg, tùy từng loại. Còn gà được thịt sẵn giá dao động 60.000 - 80.000 đồng/kg. Chỉ cần làm một phép tính nhỏ cũng có thể nhẩm ra được lợi nhuận “khủng” khi mua gà Trung Quốc về bán dưới mác gà Việt Nam.

Anh Trần Văn Công, nhân viên quản lý chợ Thái Thịnh lo ngại, với lợi nhuận “khủng” như vậy, nhiều tư thương sẵn sàng bất chấp tất cả để buôn bán gà bệnh nhằm trục lợi. Khả năng nguồn gia cầm bị dịch bệnh từ phía Trung Quốc sẽ được tuồn vào Việt Nam qua đường tiểu ngạch và trà trộn với các loại gà khác để bán cho người tiêu dùng.

Cũng theo anh, tuy dịch cúm gia cầm chưa phát hiện trên địa bàn Hà Nội, nhưng chính sự thờ ơ của người mua lẫn người bán sẽ thành nguy cơ khó kiểm soát, một khi dịch xuất hiện.

Ăn tiết canh rất dễ lây nhiễm các loại vi rút cúm gia cầm

Tập trung ngăn chặn

Trao đổi với phóng viên, ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, Bộ Y tế cũng đã yêu cầu các đơn vị chức năng, đặc biệt là y tế tại các địa phương mở rộng diện giám sát cúm trên người tại cộng đồng, đầu tiên là những người có nguy cơ. Tăng cường giám sát, phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh đường hô hấp tại cửa khẩu, các cơ sở y tế và tại cộng đồng.

Tuy nhiên, theo ông Phu, điều đáng lo ngại là trong mùa Đông Xuân, khí hậu lạnh ẩm là điều kiện thuận lợi bùng phát các dịch cúm nguy hiểm như cúm A/H5N1, H7N9 với nguy cơ biến chủng của virus cúm rất cao: “Khi khí hậu lạnh, ẩm thì bệnh cúm thường phát triển và lây lan mạnh. Có một vấn đề đáng quan tâm ở bệnh cúm là sự biến chủng của virus gây bệnh rất lớn và rất nhanh”.

PGS.TS Trần Đắc Phu

Ngoài ra, nguy hiểm nhất là hiện nay một số virus trước đây có độc lực rất cao như H5N1 chỉ lây ở gia cầm có thể đột biến hoặc tái tổ hợp với virus cúm H1N1 (loại virus lây lan qua đường hô hấp ở người nhưng có một phần gen từ cúm gia cầm) để thành một chủng mới có độc lực mạnh. Khi đó, virus có khả năng lây lan qua đường hô hấp từ người thì có thể sẽ là “thảm họa” của loài người.

Hiện Bộ Y tế đã đề nghị các tỉnh, thành phố triển khai các biện pháp ngăn chặn, giám sát, trong đó chú trọng ngăn chặn việc buôn bán, vận chuyển gia cầm và sản phẩm gia cầm không được kiểm dịch, bao gồm các sản phẩm đông lạnh.

“Gà đông lạnh hay trứng gà đã nhiễm vi rút cúm gia cầm A/H7N9 hay H5N1 hoàn toàn có khả năng lây sang người, giống như cơ chế lây truyền từ gia cầm sống gây nhiễm cho người”, ông Trần Đắc Phu khuyến cáo và lưu ý người dân không sử dụng các sản phẩm từ gia cầm sống, thịt gia cầm đông lạnh, trứng gia cầm nhập lậu không có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, không được kiểm dịch.

Theo Thu Hồng - Tú Nhi - Pháp luật Việt Nam

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X