Hotline 24/7
08983-08983

Mảnh đạn "án ngữ" trong ổ bụng 40 năm tạo nên ổ áp xe khổng lồ

Viên đạn "nằm lì" trong cơ thể chú K. 40 năm gây sưng tấy, đau dữ dội kèm sốt cao không thuyên giảm đã được ê-kíp bác sĩ Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM phẫu thuật gắp ra thành công.

Chiến tranh đã lùi xa nhưng ảnh hưởng của nó vẫn kéo dài đến hiện tại. Có những anh hùng đã hy sinh và mãi mãi trở về trong vòng tay đất Mẹ thiêng liêng, có những chiến sĩ đã để lại một phần máu xương nơi chiến trận khốc liệt, nỗi đau tinh thần đã có thể nguôi ngoai vì hòa bình của dân tộc hôm nay, nhưng mất mát về thân xác thì không thể bù đắp lại được.

Như trường hợp của trường hợp của chú V.Đ.K sinh năm 1950, ngụ tại Nghệ An đã mang dấu tích của chiến tranh bên mình suốt 40 năm qua. Nhập ngũ từ lúc còn khá trẻ, năm 28 tuổi, chú đã bị trúng đạn vào vùng hông phải trong cuộc chiến khốc liệt. Vị trí viên đạn nằm sâu trong vùng lưng hông, do vị trí khó khăn kèm điều kiện thiếu thốn, mặc dù đã cố gắng hết sức nhưng bác sĩ quân y thời đó chỉ lấy được một mảnh đầu của viên đạn ra khỏi người chú, phần còn lại của viên đạn vẫn còn kẹt trong cơ thắt lưng không thể gắp ra được.

Trải qua 40 năm, những cơn đau thoáng qua cứ bám dai dẳng. Dù đã đi khám nhiều lần, nhưng đa số các bác sĩ đều cho rằng việc lấy viên đạn ra là không khả thi do viên đạn đã đi sâu vào trong cơ của vùng hông chậu. Vì vậy, chú quyết định cam chịu và “so kè” độ chai lì của bản thân cùng với viên đạn. Thậm chí chú đã từng coi viên đạn như một phần thân thể của mình.

Đến vào đầu tháng 11/2018, vùng hông của chú bị sưng tấy, đau dữ dội kèm sốt cao và không đáp ứng với các loại thuốc mà chú đang điều trị. Tình trạng ngày càng trở nặng hơn nên chú được người nhà đưa đến Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM (BV ĐHYD).

Hình chụp CT viên đạn nằm trong cơ thể người bệnh

Qua thăm khám toàn diện, chụp cắt lớp điện toán vùng bụng, các bác sĩ phát hiện có một ổ áp xe to tại vùng cơ thắt lưng chậu phải, ổ áp xe đã lan ra sau lưng. Sâu bên trong ổ áp xe có ghi nhận từ hình ảnh nghi ngờ của mảnh kim loại, tương ứng với mảnh đạn quá khứ trong người chú K. Kết quả xét nghiệm máu cho thấy tình trạng bạch cầu máu của chú K có tăng cao, dấu hiệu nhiễm trùng nặng. Với chẩn đoán áp xe lớn cơ thắt lưng chậu bên phải nghi do mảnh đạn, các bác sĩ khoa Ngoại Tiêu hóa BV ĐHYD đã chỉ định mổ cấp cứu cho chú K.

Ê-kíp can thiệp lấy mảnh đạn cho chú K.

ThS.BS Lê Châu Hoàng Quốc Chương - Khoa Ngoại Tiêu hóa BV ĐHYD, người phẫu thuật trực tiếp cho chú K, chia sẻ: “Tại thời điểm trước mổ các bác sĩ đánh giá khả năng lấy viên đạn là thực sự khó vì viên đạn sau 40 năm đã “chui” vào rất sâu trong cơ thắt lưng chậu bên phải, nhưng nếu chỉ xử lý ổ áp xe mà không lấy mảnh đạn thì chắc chắn ổ nhiễm trùng sẽ tái phát. Sau khi rạch phá rộng ổ áp xe, đã lấy ra hơn 500ml mủ đặc. Với mong muốn tha thiết được các bác sĩ lấy mảnh đạn ra khỏi cơ thể để không còn bị hành hạ bởi các cơn đau của người bệnh, cùng quyết tâm cứu chữa cho người bệnh của êkip các bác sĩ phẫu thuật và sự hỗ trợ của các trang thiết bị đầy đủ, mảnh đạn đã được lấy ra khỏi ổ bụng của người bệnh với kích thước 1x1cm, nhiều cạnh sắc”.

Sau phẫu thuật, chú K được điều trị chăm sóc hậu phẫu tại khoa Ngoại Tiêu hóa. Chỉ sau 2 ngày tình trạng nhiễm trùng của chú K đã thuyên giảm rõ rệt, chú đã hết sốt, hết đau hông lưng, ổ áp xe nhỏ dần và biến mất. Chú được xuất viện sau 1 tuần điều trị.

Viên đạn sau khi được các bác sĩ Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM lấy ra khỏi cơ thể

Qua trường hợp này, TS.BS Ung Văn Việt - Khoa Ngoại Tiêu hóa BV ĐHYD, người thăm khám trực tiếp và chỉ định mổ cho chú K, khuyến cáo rằng, các trường hợp có dị vật trong cơ thể nên phẫu thuật lấy ra sớm, nhằm tránh biến chứng như trường hợp của chú K. Nếu nghi ngờ có di vật trong người, cần đến cơ sở y tế khám bệnh để được xác định chẩn đoán kịp thời. Dị vật khi vào trong mô mềm không ở yên mà có thể di chuyển (do vận động, do co cơ…) nên lần phát hiện đầu tiên sẽ có cơ hội lấy ra thành công cao nhất. Dị vật khi ở trong cơ thể, có thể “im lặng” trong thời gian dài, nhưng sẽ bộc phát nhiễm trùng bất kì lúc nào. Trường hợp này cũng do sự hạn chế về kĩ thuật (do hoàn cảnh khó khăn của chiến tranh, sự kém phát triển về chẩn đoán hình ảnh để phát hiện vị trí mảnh đạn một cách chính xác ở thời điểm 40 năm trước).

Cổng thông tin tư vấn sức khỏe AloBacsi.vn

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X