Hotline 24/7
08983-08983

Hãy xem gout là bệnh toàn thân

Lâu nay cả bệnh nhân và bác sĩ vẫn xem gout là bệnh xương khớp, tuy nhiên tại “Khóa đào tạo y khoa liên tục về bệnh gout” được tổ chức tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế S.I.S Cần Thơ, các bác sĩ đưa ra thông điệp xem gout là bệnh toàn thân.

TS.BS Tăng Hà Nam Anh - Trưởng khoa Chấn thương chỉnh hình Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, TPHCM phát biểu mở đầu chương trình

BS.CK2 Phan Trịnh Minh Hiếu (bìa phải) - Giám đốc điều hành Bệnh viện Đa khoa Quốc tế S.I.S Cần Thơ tặng hoa cảm ơn các diễn giả

Tại khóa học, PGS.TS Phạm Văn Bùi - Chủ tịch Hội Lọc máu TPHCM phát biểu: “Từ trước đến nay kể cả thầy thuốc và bệnh nhân đều xem bệnh gout là bệnh giới hạn ở khớp, và chỉ ảnh hưởng chính đến việc đi đứng, có một phần ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống. Nhưng thật ra chúng ta phải xem gout là một bệnh toàn thân.

Lý do là trước khi có biểu hiện ở khớp, acid uric đã tăng trong máu từ lâu rồi và làm ảnh hưởng đến các cơ quan quan trọng. Gần đây người ta chú ý đến “hệ tim thận”, bệnh gout tác động bất lợi đến hai cơ quan này”.

PGS.TS Phạm Văn Bùi - Chủ tịch Hội Lọc máu TPHCM

Theo BS Bùi, đứng về quan điểm điều trị, từ trước đến nay bệnh nhân vẫn chỉ xem đây là bệnh của khớp nên chỉ đi khám bác sĩ cơ xương khớp, và bác sĩ nếu chưa nắm quan điểm mới thì cũng chỉ xem xét khớp của bệnh nhân mà thôi, như vậy việc điều trị có phần phiến diện. Bởi vì ở thời điểm bệnh nhân đi tới khám bệnh, chúng ta chưa đánh giá đủ mức ảnh hưởng của bệnh gout đối với toàn thân như thế nào.

Bên cạnh đó, trong cơ thể chúng ta còn có một số bệnh, đặc biệt là bệnh thận mạn tính sẽ có liên quan đến acid uric. Khi cơ thể sản xuất ra acid uricvà có một phần nhỏ do từ ngoài cung cấp vào cơ thể, trải qua quá trình chuyển hóa của sự sống thì thận là nơi loại thải chất này. Khi thận có vấn đề thì acid uric sẽ tăng lên, lúc đó lại tác động trở lại thận, làm cho vấn đề của thận trở nên nặng hơn, bệnh thận diễn tiến nhanh hơn.

Chính vì vậy, với quan điểm điều trị mới, chúng ta không chỉ điều trị bệnh gout nhằm hạ chỉ số acid uric mà song song đó mà phải có liệu pháp bảo vệ cho cơ quan đích. Hiện nay có ba nhóm thuốc điều trị điển hình được chú ý là thuốc huyết áp, thuốc đái tháo đường, và thuốc điều trị bệnh gout. BS Bùi nhấn mạnh, cần phải có phương pháp điều trị mang tính toàn diện, bao quát sẽ đem đến nhiều lợi ích cho bệnh nhân hơn.

PGS.TS Lê Anh Thư - Phó chủ tịch Hội Thấp khớp học Việt Nam

Với chủ đề: “Điều trị bệnh gout đúng ngay từ ban đầu”, PGS.TS Lê Anh Thư - Phó chủ tịch Hội Thấp khớp học Việt Nam cho biết: Rối loạn chuyển hóa purin và tăng acid uric ngày càng tăng và liên quan chặt chẽ với nhiều bệnh lý chuyển hóa, đặc biệt bệnh tim mạch và thận là nguyên nhân làm giảm chất lượng sống, gia tăng tỷ lệ bệnh tật, tàn phế và tử vong.

Theo BS Anh Thư, chúng ta cần kiểm soát và đưa acid uric về mục tiêu với các biện pháp: thay đổi lối sống; sử dụng dài hạn và hợp lý thuốc giảm acid uric máu, đặc biệt các thuốc ức chế men xanhthine oxidase để kiểm soát bệnh gout, bệnh tim mạch và các bệnh liên quan, sớm bảo vệ chức năng thận. Việc kiểm soát tốt acid uric là biện pháp quan trọng để bảo vệ tim mạch, bảo vệ thận và bảo vệ khớp cho người bệnh.

Tại khóa học, BS Anh Thư còn thuyết trình chủ đề: “Các biến cố tim mạch và huyết áp khi sử dụng NSAIDs”, đây là một vấn đề rất đáng chú ý vì khi sử dụng thuốc NSAIDs nếu không khéo thì hư thận, mà không sử dụng thì có thể làm bùng lên những cơn gout cấp.

TS.BS Tăng Hà Nam Anh chia sẻ về vai trò của phẫu thuật trong viêm khớp gout có tophi

TS.BS Tăng Hà Nam Anh - Trưởng khoa Chấn thương chỉnh hình Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, TPHCM cung cấp cho khóa học những thông tin bổ ích về ngoại khoa trong điều trị bệnh khớp, với chủ đề: “Vai trò của phẫu thuật trong viêm khớp gout có tophi”.

Chỉ định phẫu thuật được đặt ra khi: cục tophi có nguy cơ nhiễm trùng, hủy xương gây đau, hạn chế vận động khớp, viêm khớp mạn tính, cục tophi có nguy cơ xì dò hay vỡ hoặc đã vỡ, cần thận trọng với cục tophi ở vị trí da bọc xương (cùi chỏ, mắt cá, khớp ngón tay…) vì nguy cơ không lành vết thương sau mổ.

BS Nam Anh cho biết các kỹ thuật mổ bao gồm: đường mổ trực tiếp lên cục tophi; lấy nguyên khối khi nằm dưới da; nạo tinh thể với nước, bảo tồn mô quý như gân, dây chằng, mặt khớp; nội soi cắt bao khớp viêm; tránh bóc tách quá nông nhất là vùng cổ bàn chân.

Về chăm sóc hậu phẫu, BS Nam Anh lưu ý các vấn đề: theo dõi cơn gout cấp bùng phát sau chấn thương; sử dụng corticoide hoặc NSAIDs hậu phẫu; duy trì liệu pháp giảm acid uric máu chống tái phát; chăm sóc vết thương.

Hơn 130 bác sĩ đến từ các bệnh viện tại TPHCM và các tỉnh ĐBSCL, các học viên tham dự “Khóa đào tạo y khoa liên tục về bệnh gout”

“Khóa đào tạo y khoa liên tục về bệnh gout” được tổ chức tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế S.I.S Cần Thơ chiều 12/10 quy tụ 130 bác sĩ đến từ các bệnh viện tại TPHCM và các tỉnh ĐBSCL, các học viên tham dự được cấp CME.

Sắp tới, bệnh viện sẽ tổ chức khóa học PLANET học phần 2 tại TPHCM, diễn ra từ ngày 17-22/11/2019 tại khách sạn Continental Saigon (TPHCM).

Hồng Nhung
Ảnh: Đức Thịnh

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X