Hotline 24/7
08983-08983

Đau bụng khó chịu, đi cầu nhiều lần... triệu chứng bệnh gì?

Câu hỏi

Bác sĩ cho em hỏi, Em đã nội soi đại tràng và dạ dày, kết quả bình thường, nhưng em đau bụng, và đi cầu nhiều lần trong ngày, có kèm theo máu, buổi tối bụng khó chịu, thường thức giấc về đêm. Em đã điều trị 6 tháng mà không khỏi. Bác sĩ cho em hỏi có khi nào kết quả soi đại tràng không chính xác không vậy? Kết quả soi chính xác được bao nhiêu % vậy bác sĩ?

Trả lời

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương

Bác sĩ - Bệnh viện Trưng Vương

Hiện tượng đau bụng. Ảnh minh họa - Nguồn Internet
Hiện tượng đau bụng. Ảnh minh họa - Nguồn Internet

Chào em,

Triệu chứng mà em miêu tả là tình trạng tăng nhu động ruột, nghĩ nhiều là hội chứng ruột kích thích. Hội chứng ruột kích thích là một rối loạn thường gặp, thường gây ra rối loạn tiêu hóa, hay gặp nhất là đau bụng, đầy hơi, tiêu chảy và táo bón có liên quan đến thức ăn. Tuy vậy, bệnh không gây ra tổn thương thực thể ở ruột.

Em đã đến bệnh viện khám và làm nội soi dạ dày, nội soi đại tràng, kết quả kiểm tra không có dấu hiệu gì bất thường, thì có khả năng là em bị hội chứng ruột kích thích. Nội soi tiêu hóa là phương pháp giúp bác sĩ quan sát trong lòng ống tiêu hóa nên rất đáng tin cậy. Trường hợp nội soi tiêu hóa bình thường nhưng vẫn đi cầu có máu thì có thể bất thường nằm ở tại ruột non (là phần chúng ta không khảo sát tới được vì chúng ta chỉ nội soi từ trên xuống tới dạ dày tá tràng, và từ dưới lên đến hết đại tràng, phần ruột non bị để lại), cũng có thể máu này là do nứt hậu môn hay trĩ do đi cầu nhiều lần.

Nếu thực sự em bị hội chứng ruột kích thích thì dù bệnh này không gây tổn thương ở ruột, nhưng việc điều trị lại rất khó, vì tùy thuộc vào người bệnh là chính, thuốc chỉ hỗ trợ điều chỉnh triệu chứng và loại trừ yếu tố thúc đẩy. Một số yếu tố liên quan tới hội chứng ruột kích thích như một vài loại thực phẩm nhất định (tùy theo từng người), căng thẳng lo âu, thay đổi nội tiết... Những trường hợp bệnh phức tạp hơn như bệnh lý ruột non hay bệnh hệ thống khác thì cần phải khám chuyên khoa Tiêu hóa sâu mới tìm ra được nhưng cũng cần thời gian để bác sĩ theo dõi điều trị 1 thời gian, nếu không đáp ứng mới nghĩ đến tình huống hiếm gặp trên.

Do vậy, em nên tránh lo âu, suy nghĩ căng thẳng, kiểm soát cảm xúc và nghỉ ngơi hợp lý, đảm bảo ngủ đủ, nên tăng cường chế độ ăn giàu chất xơ, rau xanh và hoa quả, nên tập luyện các môn giúp thư giãn như dưỡng sinh, yoga, tẩy giun định kỳ. Ngoài ra, trong trường hợp gặp cơn đau bụng nhiều, tiêu chảy, táo bón liên tục, trầm cảm, mất ngủ, lo lắng quá nhiều… thì phải sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa Tiêu hóa.

Thân mến.

Mời tham khảo thêm:



Hội chứng ruột kích thích là một hội chứng rối loạn ở ruột già có thể gây đau bụng kèm táo bón hoặc tiêu chảy.

Thức ăn trong đường tiêu hóa đi từ ruột non đến ruột già. Chức năng chính của ruột già là hấp thụ nước và đẩy phân ra nhờ các nhu động ruột. Ở những người mắc bệnh hội chứng ruột kích thích, nhu động ruột do cơ co thắt sẽ diễn ra bất thường. Cơ co thắt quá mức sẽ gây tiêu chảy. Ngược lại, cơ co thắt chậm hoặc ít sẽ dẫn đến táo bón. Nhu động ruột  không liên tục và bất thường có thể gây đau bụng hoặc cảm giác muốn đi ngoài ngay lập tức.

Những dấu hiệu thường gặp của hội chứng ruột kích thích bao gồm: đầy hơi, đau bụng, táo bón, tiêu chảy hoặc xuất hiện cả hai. Trong đó triệu chứng phổ biến nhất là đau hoặc khó chịu ở bụng. Cơn đau có thể khiến bệnh nhân có cảm giác giống như bị chuột rút, và kèm theo những dấu hiệu sau:

- Cơn đau cải thiện sau khi bạn đại tiện;

- Tần suất đi ngoài có sự thay đổi;

- Phân của bạn không giống lúc trước.

Những triệu chứng khác có thể có bao gồm: cảm giác muốn đi ngoài khẩn cấp, hoặc đi ngoài không hết phân. Những triệu chứng này tái đi tái lại hàng ngày, hàng tháng hoặc thậm chí hàng năm.

Trước hết, việc thay đổi lối sống có thể giúp giảm các triệu chứng của hội chứng ruột kích thích, bao gồm thiết lập chế độ dinh dưỡng giàu chất xơ, loại bỏ các thức ăn chứa khí hoặc tạo ra nhiều khí, uống đủ nước, luyện tập thể dục và khống chế căng thẳng. Bác sĩ có thể giúp bạn lựa chọn những loại thuốc tốt nhất cho bệnh.

Tìm câu hỏi khám bệnh

Được tìm nhiều:

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X