Hotline 24/7
08983-08983

Dang vòng tay với bệnh nhân loạn thần

Đà Nẵng là địa phương đầu tiên ra quy định về việc đưa người có dấu hiệu loạn thần vào chăm sóc điều trị sớm.


Bác sĩ khoa cai nghiện chất và điều trị bắt buộc BV Tâm thần Đà Nẵng chăm sóc cho một bệnh nhân loạn thần được “kênh” xã hội đưa vào điều trị - Ảnh: TRƯỜNG TRUNG

Thay vào đó, nhóm bệnh nhân này sẽ được thành phố “bao sân” chăm sóc điều trị cho đến khi lành bệnh.

Không chờ “đúng quy trình”

Một buổi trưa giữa tháng 3/2017, N.T.T., một quân nhân xuất ngũ ở phường Hòa Hiệp Bắc (quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng), chẳng hiểu vì lý do gì đứng ra chặn các xe qua lại trên đường. Chưa đầy 10 phút, tuyến đường quốc lộ 1 đi qua địa bàn đã kẹt cứng xe cộ nhưng mọi người không ai dám ra can ngăn.

Nhận được tin báo, một tổ công tác do ông Nguyễn Minh Hoàng, phó chủ tịch UBND phường Hòa Hiệp Bắc, dẫn đầu đã có mặt tại hiện trường để tiếp xúc với anh T.. Sau khi đưa T. vào một quán nước để “giải nóng”, bà con ở đây xác nhận gần đây T. hay có biểu hiện thất thường. Ông Hoàng bốc điện thoại gọi cho gia đình T. lúc này đang làm ăn xa. Gia đình xác nhận T. có tâm lý bất ổn do thời gian gần đây hay theo bạn bè chơi thâu đêm suốt sáng.

Lúc này cha mẹ T. mới “cầu cứu” địa phương. Ngay trong buổi chiều đó, biên bản được lập với sự chứng kiến của tổ dân phố để đưa T. đi chữa trị.   

T. là một trong những bệnh nhân đầu tiên được BV Tâm thần Đà Nẵng mở rộng cánh tay đón vào chữa trị. Đến nay sức khỏe của T. đã ổn và được xuất viện về nhà dưới sự quan tâm theo dõi của chính quyền địa phương.

Một bệnh nhân khác đang được điều trị tại đây là N.V.H. (nhà ở quận Thanh Khê). H. 31 tuổi, có vợ và 2 con nhưng thường xuyên dùng vật sắc nhọn làm mình chảy máu và hay đập phá đồ đạc trong nhà.

Tiếp xúc với H. tại bệnh viện sau 15 ngày điều trị, anh cho biết sức khỏe của mình đã ổn. “Em cũng không biết “căn” dính vào người lúc nào, lúc lên cơn em hay tự hủy hoại cơ thể và chửi bới xung quanh. Tổ dân phố thấy em không ổn nên đưa em lên đây, bây giờ thì em thấy mình đã thoải mái hơn, suốt thời gian ở trên này em không đụng vào thuốc lá” - H. thật thà.

Chữa miễn phí đến khi lành bệnh

BS Lê Văn Nguyên, trưởng khoa cai nghiện chất và điều trị bắt buộc, cho biết cả 2 bệnh nhân đều được địa phương đưa vào viện sớm nên phác đồ điều trị tốt.

“Việc đưa bệnh nhân vào viện kịp thời không chỉ có ý nghĩa cho bệnh nhân mà còn giúp cho cộng đồng an bình, tránh xảy ra những “chuyện đã rồi” gây đau xót. Tôi đã chứng kiến không ít trường hợp người loạn thần lên cơn gây án, thậm chí giết cả gia đình. Nhiều lúc bệnh nhân gây án mới đưa vào viện phần vì cha mẹ không nhận thức hết được sự việc hoặc họ không có điều kiện đưa đi chữa trị” - bác sĩ Nguyên nói.

Cũng theo BS Nguyên, thời gian gần đây xuất hiện nhiều loại chất gây nghiện mới gây tổn hại nghiêm trọng đến hệ thần kinh. Nhiều người có biểu hiện ngáo đá, loạn thần, thậm chí đã giết người hoặc tự kết liễu đời mình gây khiếp sợ cho xã hội. Do vậy, nếu chờ “đúng quy trình” là gia đình hoặc bệnh nhân tự nguyện có đơn mới cho đi viện là không phù hợp nữa.

Ông Nguyễn Minh Hoàng chia sẻ, việc thành phố ra quyết định 901 về chăm sóc người loạn thần là cách ứng cử nhân văn, đồng thời là cơ sở để địa phương “tự tin” trong việc xử lý, chăm sóc người có dấu hiệu loạn thần.

“Ngày xưa nếu phát hiện có người loạn thần địa phương phải đến tận nhà thuyết phục gia đình đưa đi viện. Nhiều trường hợp thấy là nguy hiểm cho xã hội nhưng mình không thể tự ý đưa đi được vì nếu không khéo người nhà lại nói vi phạm nhân quyền. Có trường hợp người thân ở xa hoặc không có thân nhân là “bó tay” luôn” - ông Hoàng nói.

Theo ông Hoàng, trường hợp người loạn thần gây trọng án trên địa bàn thì chưa có, nhưng trước đây đã có rất nhiều trường hợp gây rối, chọc phá xóm làng khiến địa phương đau đầu. Việc cho các kênh xã hội được phép đưa người loạn thần vào viện đã cởi trói để chính quyền có thể hành động.

Sau hơn 3 tháng triển khai, đến nay đã có gần 40 bệnh nhân được các kênh xã hội đưa vào viện điều trị. BS Trần Nguyên Ngọc, phó giám đốc BV Tâm thần Đà Nẵng, cho hay ở nước ta hiện chưa có luật về sức khỏe tinh thần hay cụ thể luật nào quy định phải đưa người có dấu hiệu loạn thần vào cơ sở y tế. Vì thế có nhiều trường hợp người bệnh thường đi lang bạt khắp nơi. Đà Nẵng tạo căn cứ pháp lý để tiếp nhận người có dấu hiệu loạn thần là tạo điều kiện để người bệnh sớm được chữa trị.

Theo Trường Trung - Tuổi Trẻ

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X