Hotline 24/7
08983-08983

Chuyên gia gợi ý việc tập luyện thể dục đúng cách với người cao tuổi

Mùa đông, người già tập thể dục thể thao không đúng khoa học sẽ gây hại cho sức khỏe. Chuyên gia y tế sẽ gợi ý những cách luyện tập đúng, tốt cho sức khỏe người cao tuổi.


Người cao tuổi cần chọn những môn thể thao phù hợp với thể trạng để tốt cho sức khỏe. Ảnh minh họa

Người cao tuổi cần chọn những môn thể thao phù hợp với thể trạng để tốt cho sức khỏe. Ảnh minh họa

Đột quỵ vì tập luyện quá sớm

Đề cập đến vấn đề tập luyện của người cao tuổi, tại buổi tọa đàm “Hướng dẫn chuyên môn về chăm sóc Người cao tuổi mắc một số bệnh nan y thường gặp” do Tổng cục DS-KHHGĐ (Bộ Y tế), Báo Gia đình & Xã hội tổ chức, GS.TS Lê Đức Hinh - nguyên Chủ tịch Hội Thần kinh học Việt Nam cho hay, hàng ngày chúng ta vẫn thấy có rất nhiều cụ mặc mỏng manh, mặc áo ngắn… tập thể dục ở ngoài công viên sáng sớm. Tập giờ đó không hẳn là tốt, không dành cho người không được khỏe mạnh hay người cao tuổi. Không thể phủ nhận việc tập thể dục buổi sáng rất tốt cho sức khỏe. Nhưng tập sai cách, không đúng thời điểm với người cao tuổi tiềm ẩn nhiều rủi ro khôn lường.

Việc tập thể dục ngoài trời khi nhiệt độ xuống thấp sẽ khiến cơ thể người già vốn đã yếu không kịp thích ứng, dễ tạo điều kiện cho những bệnh nguy hiểm phát sinh. Người cao tuổi đi lên đi xuống cầu thang cũng là cách tập chứ không phải cứ 4-5 giờ sáng chạy huỳnh huỵch ra ngoài như vậy không có lợi. Những người có bệnh tim, phổi, bệnh xương khớp phải cẩn thận. Theo khuyến cáo, những người sức khỏe không tốt thì tốt nhất nên đi bộ 1 tuần 150 phút vào 4-5 giờ chiều.

PGS.TS Hồ Thị Kim Thanh (Bệnh viện Lão khoa Trung ương) cũng cho rằng, việc tập thể thao đúng cách sẽ giúp làm tăng sức chịu đựng của tim và làm giảm các rối loạn của nhịp tim, giúp tăng ôxy trong máu giúp tăng quá trình chuyển hóa… Tuy nhiên, khi vận động không phù hợp với tuổi tác, cơ địa, mức độ lại bất cập. Chúng ta có thể lấy ví dụ như ở người trẻ tuổi có nhiều vận động viên bị đột quỵ vì tập thể dục đó là do đã quá ngưỡng chịu đựng của cơ thể.

Ở người cao tuổi cũng như vậy, cần nghe ngóng cơ thể xem ngưỡng nào phù hợp. Nhiều người vì quan tâm sức khỏe quá, tập quá nhiều, sáng đi tập đến chiều rồi tối lại đi tập sau khi ăn. Tập như vậy không phù hợp, đang bào mòn sức khỏe mà không biết. Việc tập luyện quá sức có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm cho cơ thể như căng cơ, mệt mỏi... Càng không nên cố gắng tập khi bị ốm sốt, vì khiến cơ thể bị mất nước và mất nhiều thời gian cho việc phục hồi sức khỏe.

Theo các chuyên gia, tập thể dục quá sớm có thể khiến gặp lạnh đột ngột. Bởi huyết áp người già thường thay đổi khi nhiệt độ xuống thấp. Huyết áp tăng vào sáng sớm cộng với thời tiết lạnh dễ xảy ra những tai biến mạch máu não dẫn đến liệt nửa mặt, liệt nửa người. Hay người có tiền sử huyết áp cao, thành mạch máu thoái hóa dày lên làm ảnh hưởng tới tuần hoàn não. Khi gặp nhiệt độ thay đổi đột ngột từ bên ngoài, những động mạch đưa máu lên não có thể bị co tắc nghẽn gây thiếu ôxy và chất dinh dưỡng lên não dẫn đến đột quỵ. Thực tế đã có không ít trường hợp bị cảm lạnh, trúng gió, đau tim, thậm chí đột quỵ vì hạ thân nhiệt đột ngột do tập thể dục không khoa học.

Nên mặc áo làm nhiều lớp khi đi tập

PGS.TS Hồ Thị Kim Thanh khuyến cáo, trong những ngày mùa đông mọi người, nhất là người cao tuổi nên chú ý lùi thời gian lại. Người tập nên bắt đầu khi có ánh nắng mặt trời nhằm tránh cho cơ thể bị kích thích vì nhiệt độ lạnh. Hoặc có thể đổi thời gian tập sang buổi chiều. Tránh tập ở những nơi gió lùa.

Trong những lời khuyên cho người lớn tuổi đi tập thể dục khuyên rõ là trang phục nên mặc làm nhiều lớp để có thể cởi bỏ dần dần trong quá trình tập luyện. Khi mới ra tập phải làm cơ thể ấm nóng dần, khởi động các khớp xương mềm mại đã mới vào bài tập chính. Lúc đó, cơ thể nóng lên phải cởi bỏ từng lớp áo một để vẫn đảm bảo giữ được thân nhiệt. Trong những ngày mùa đông rét, có mưa người cao tuổi có thể duy trì tập các bài tập ở nhà nhẹ nhàng thay vì ra ngoài trời tập.

Các chuyên gia cũng khuyến cáo, với những người cao tuổi thường hay có các bệnh lý tim mạch, cơ khớp… trước khi tập luyện một môn nào nên kiểm tra tổng quát sức khỏe, tham khảo thêm ý kiến của các bác sĩ, chuyên gia về hoạt động thể lực để được tư vấn tập luyện phù hợp nhất với tình trạng sức khỏe, bệnh tật của mình. Bởi việc tập luyện thể thao phụ thuộc vào các yếu tố như cơ địa, môn tập, kỹ thuật, dụng cụ… Khi chọn sai trong bất cứ yếu tố nào cũng không tốt với người tập luyện.

Chẳng hạn, nếu người tập bị bệnh tim mạch khi chọn môn đi bộ là rất phù hợp. Nhưng nếu người đó mắc thêm các chứng bệnh về xương khớp thì việc đi bộ lại không giúp gì cho cơ thể.

Lựa chọn bài tập cũng cần chú ý rằng, các bài tập aerobic chống chỉ định tuyệt đối với những người mới bị nhồi máu cơ tim, đau thắt ngực không ổn định, loạn nhịp không kiểm soát, block nhĩ thất hoàn toàn, suy tim cấp. Chống chỉ định tương đối với những người có bệnh lý cơ tim, bệnh van tim và các rối loạn chuyển hóa không kiểm soát được.

Những người có bệnh lý cơ xương khớp như thoát vị đĩa đệm, cột sống thắt lưng, thoái hóa cột sống thắt lưng, thoái hóa khớp gối từ mức độ vừa… không nên tập đi bộ, chạy, leo cầu thang, đứng lên ngồi xuống và một số môn thể thao như cầu lông, bóng chuyền. Thay vào đó có thể chọn các môn ít áp lực cho khớp và cột sống như bơi, đạp xe…

Theo Gia đình & Xã hội

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X