Hotline 24/7
08983-08983

Cefotaxim: Công dụng, liều dùng và những khuyến cáo sử dụng

Bài viết không cung cấp các lời khuyên, chẩn đoán, điều trị bệnh, giảm nhẹ bệnh. Nôi dung chỉ có tính chất tham khảo, thuận tiện cho việc tra cứu và không thay thế cho việc chẩn đoán, các phương pháp điều trị y khoa. Thảo luận với bác sĩ để được hướng dẫn điều trị và dùng thuốc an toàn.

Cefotaxim là thuốc gì?


Thuốc cefotaxim hay còn gọi là cefotaxime sodium là kháng sinh nhóm cephalosporin thế hệ 3, có phổ kháng khuẩn rộng.

So với các cephalosporin thế hệ 1, 2 thì cefotaxim có tác dụng lên vi khuẩn gram âm mạnh hơn, bền hơn đối với tác dụng thủy phân của phần lớn các beta lactamase nhưng tác dụng lên các vi khuẩn gram dương lại yếu hơn các cephalosporin thuộc thế hệ 1.

Hiện tại, cefotaxim có các dạng và hàm lượng: Thuốc bột pha tiêm (cefotaxim natri) 500 mg/lọ, 1 g/lọ, 2 g/lọ, kèm ống dung môi để pha.


Cefotaxim có nhiều dạng và hàm lượng sử dụng. Ảnh minh họa - Nguồn Internet

Công dụng của cefotaxim


Thuốc cefotaxim thường được các bác sĩ chỉ định điều trị trong trường hợp nhiễm khuẩn nặng bao gồm: viêm màng não (trừ viêm màng não do Listeria monocytogenes), áp xe não, nhiễm khuẩn khuyết, viêm màng trong tim, viêm phổi, bệnh lậu, bệnh thương hàn, điều trị tập trung, nhiễm khuẩn nặng trong ổ bụng (phối hợp với metronidazol) và dự phòng nhiễm khuẩn sau mổ tuyến tiền liệt kể cả mổ nội soi, mổ lấy thai.

Tác dụng phụ khi sử dụng cefotaxim


Khi dùng cefotaxim dạng tiêm, người bệnh có thể gặp các tác dụng phụ, hay gặp nhất là tiêu chảy. Có thể gặp viêm tắc tĩnh mạch tại chỗ tiêm, đau và có phản ứng viêm ở chỗ tiêm bắp.

Một số tác dụng phụ ít nghiêm trọng có thể bao gồm: Đau dạ dày, buồn nôn, nôn mửa, đau đầu, ngứa hoặc khó chịu âm đạo...

Tuy nhiên, nếu gặp các phản ứng dữ dội hơn trên cơ thể như: Tiêu chảy nước hoặc có máu; Phát ban da, bần tím, ngứa ngáy, tê, đau, yếu cơ; Nhịp tim không đều; Sốt, ớn lạnh, đau nhức cơ thể, triệu chứng cúm; Dễ bầm tím hoặ chảy máu, yếu bất thường; Sốt, đau họng và đau đầu rộp nặng, bong tróc và phát ban da đỏ; Co giật; Vàng da... thì nên ngưng thuốc và gặp bác sĩ ngay.

Bà bầu không nên sử dụng thuốc cefotaxim


Để an toàn, phụ nữ mang thai không nên sử dụng cefotaxim khi chưa có chỉ định của bác sĩ. Ảnh minh họa - Nguồn Internet


Đến thời điểm hiện tại, tính an toàn của cefotaxim chưa được xác định cho phụ nữ mang thai. Theo các nghiên cứu, thuốc có đi qua nhau trong trong 3 tháng giữa thai kỳ. Do đó, để an toàn thì phụ nữ mang thai không nên sử dụng cefotaxim khi chưa có chỉ định của bác sĩ.

Đối với phụ nữ đang cho con bú, có thể dùng cefotaxim nhưng phải quan tâm khi thấy trẻ tiêu chảy, tưa và nổi ban, tốt nhất nếu không phải trường hợp “bất khả kháng” thì không nên dùng là tốt nhất. Bởi theo nghiên cứu cefotaxim có trong sữa mẹ với nồng độ thấp. Tuy thấp nhưng vẫn có 3 vấn đề được đặt ra với trẻ đang bú là: Làm thay đổi vi khuẩn chí đường ruột, tác dụng trực tiếp lên trẻ và ảnh hưởng lên kết quả nuôi cấy vi khuẩn khi trẻ bị sốt.

Liều lượng và cách dùng cefotaxim


Liều lượng

Dùng cefotaxim theo đường tiêm bắp sâu hay tiêm hoặc truyền tĩnh mạch chậm (tiêm tĩnh mạch từ 3 đến 5 phút, truyền tĩnh mạch trong vòng từ 20 đến 60 phút). Liều lượng được tính ra lượng cefotaxim tương đương. Liều thường dùng cho mỗi ngày là từ 2 - 6 g chia làm 2 hoặc 3 lần.

Trong trường hợp nhiễm khuẩn nặng thì liều có thể tăng lên đến 12 g mỗi ngày, truyền tĩnh mạch chia làm 3 đến 6 lần. Liều thường dùng đối với nhiễm khuẩn mủ xanh (Pseudomonas aeruginosa) là trên 6g mỗi ngày (chú ý là ceftazidim có tác dụng chống trực khuẩn mủ xanh mạnh hơn).

Liều cho trẻ em: Mỗi ngày dùng 100 - 150 mg/kg thể trọng (với trẻ sơ sinh là 50 mg/kg thể trọng) chia làm 2 đến 4 lần. Nếu cần thiết thì có thể tăng liều lên tới 200 mg/kg (từ 100 đến 150 mg/kg đối với trẻ sơ sinh).

Cần phải giảm liều cefotaxim ở người bệnh bị suy thận nặng (độ thanh thải creatinin dưới 10 ml/phút): Sau liều tấn công ban đầu thì giảm liều đi một nửa nhưng vẫn giữ nguyên số lần dùng thuốc trong một ngày; liều tối đa cho một ngày là 2g.

Thời gian điều trị: Nói chung, sau khi thân nhiệt đã trở về bình thường hoặc khi chắc chắn là đã triệt hết vi khuẩn, thì dùng thuốc thêm từ 3 đến 4 ngày nữa. Ðể điều trị nhiễm khuẩn do các liên cầu khuẩn tan máu beta nhóm A thì phải điều trị ít nhất là 10 ngày. Nhiễm khuẩn dai dẳng có khi phải điều trị trong nhiều tuần.

Ðiều trị bệnh lậu: Dùng liều duy nhất 1g.

Phòng nhiễm khuẩn sau mổ: Tiêm 1g trước khi làm phẫu thuật từ 30 đến 90 phút. Mổ đẻ thì tiêm 1 g vào tĩnh mạch cho người mẹ ngay sau khi kẹp cuống rau và sau đó 6 và 12 giờ thì tiêm thêm hai liều nữa vào bắp thịt hoặc tĩnh mạch.

Cách dùng:

Thuốc kháng sinh hiệu quả nhất khi lượng thuốc trong cơ thể không đổi. Vì vậy, bạn cần sử dụng thuốc thời gian khoảng cách đều nhau.

Bạn nên tiếp tục sử dụng thuốc này cho đến khi khóa điều trị kết thúc, ngay cả khi các triệu chứng biến mất sau một vài ngày. Việc ngừng thuốc quá sớm có thể tái phát nhiễm trùng. Bạn cần báo ngay cho bác sĩ nếu tình trạng bệnh vẫn còn hoặc xấu đi.

Bộ Y tế ra khuyến cáo đặc biệt đối với kháng sinh cefotaxim

Mặc dù là loại kháng sinh có tác dụng tích cực, tuy nhiên thời gian vừa qua có nhiều trường hợp gặp phản ứng phụ khi dùng cefotaxim, trong đó có sốc phản vệ, do đó, Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) đã đưa ra khuyến cáo đặc biệt đối với loại kháng sinh này.

Cụ thể, theo báo cáo tổng kết của Trung tâm Quốc gia về thông tin thuốc và theo dõi phản ứng có hại của thuốc cho thấy, các thuốc chứa cefotaxim là thuốc được các cơ sở khám, chữa bệnh báo cáo nghi ngờ gây ra ADR (tác dụng không mong muốn) nhiều nhất trong các năm 2012, 2013, 2014 và 2015. Trong đó, các phản ứng có hại được ghi nhận chủ yếu là sốc phản vệ/phản ứng phản vệ (bao gồm cả tử vong), ban đỏ, ngứa, phát ban, dị ứng...

Chính vì vậy, Cục Quản lý Dược đã có công viên đề nghị Sở y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các bệnh viện, viện có giường bệnh trực thuộc Bộ phải thông báo cho các cơ sở khám chữa bệnh, các đơn vị kinh doanh dược trên địa bàn khuyến cáo:

- Tuân thủ chỉ định, chống chỉ định, thận trọng, liều dùng của thuốc, chú ý tương tác thuốc khi kê đơn thuốc có chứa cefotaxim.

- Chỉ sử dụng thuốc sau khi đã khám sàng lọc, phân loại bệnh nhân, thận trọng khi cần sử dụng thuốc có chứa cefotaxim cho những đối tượng bệnh nhân có nguy cơ xảy ra ADR.

- Hướng dẫn tiêm/truyền thuốc có chứa cefotaxim. Hướng dẫn các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên địa bàn phối hợp các đơn vị kinh doanh thuốc có chứa cefotaxim tăng cường theo dõi, phát hiện và xử trí các trường hợp xảy ra phản ứng có hại của các thuốc chứa cefotaxim (nếu có).

Chống chỉ định và thận trọng khi dùng cefotaxim


Nếu bạn mẫn cảm với cephalosporin và lidocain (nếu dùng chế phẩm có lidocain) thì không được sử dụng cefotaxim.

Ngoài ra, cần đặc biệt lưu ý:

- Các chế phẩm thương mại cefotaxim có chứa lidocain chỉ được tiêm bắp, không bao giờ được tiêm tĩnh mạch.

- Trước khi bắt đầu điều trị bằng cefotaxim, phải điều tra kỹ về tiền sử dị ứng của người bệnh với cephalosporin, penicilin hoặc thuốc khác.

- Có dị ứng chéo giữa penicilin với cephalosporin trong 5 - 10% trường hợp. Phải hết sức thận trọng khi dùng cefotaxim cho người bệnh bị dị ứng với penicilin.

- Nếu đồng thời dùng thuốc có khả năng gây độc đối với thận (ví dụ như các aminoglycosid) thì phải theo dõi kiểm tra chức năng thận.

- Cefotaxim có thể gây dương tính giả với test Coombs, với các xét nghiệm về đường niệu, với các chất khử mà không dùng phương pháp enzym.

Theo quy định, Cefotaxim chỉ được bán tại các bệnh viện và theo sự chỉ dẫn của bác sĩ và đây là một trong những kháng sinh nằm trong danh mục Bộ Y tế cấm dùng ở tuyến cơ sở y tế xã. Do vậy, để tránh nguy cơ đe dọa đến tính mạng, tốt nhất người sử dụng nên tuân thủ quy định không tự ý mua kháng sinh, không tự ý tăng hay giảm liều khi không có chỉ định của bác sĩ.

Tương tác thuốc


Cefotaxim có thể gây tương tác với các thuốc bạn đang sử dụng. Do đó, bạn nên viết danh sách các thuốc đang dùng và tham khảo ý kiến của dược sĩ, bác sĩ. Ảnh minh họa - Nguồn Internet


Cephalosporin và colistin: Dùng phối hợp kháng sinh thuộc nhóm cephalosporin với colistin (là kháng sinh polymyxin) có thể làm tăng nguy cơ bị tổn thương thận.

Cefotaxim và penicilin: Người bệnh bị suy thận có thể bị bệnh về não và bị cơn động kinh cục bộ nếu dùng cefotaxim đồng thời azlocilin.

Cefotaxim và các ureido - penicilin (azlocilin hay mezlocilin): dùng đồng thời các thứ thuốc này sẽ làm giảm độ thanh thải cefotaxim ở người bệnh có chức năng thận bình thường cũng như ở người bệnh bị suy chức năng thận. Phải giảm liều cefotaxim nếu dùng phối hợp các thuốc đó.

Cefotaxim làm tăng tác dụng độc đối với thận của cyclosporin.

Ngoài ra, cefotaxim không tương hợp với các dung dịch kiềm như dung dịch natri bicarbonat.  Tiêm cefotaxim riêng rẽ, không tiêm cùng với aminoglycosid hay metronidazol.

Không được trộn lẫn cefotaxim với các kháng sinh khác trong cùng một bơm tiêm hay cùng một bộ dụng cụ truyền tĩnh mạch.

Tốt nhất, trước khi sử dụng bạn viết một danh sách những thuốc mà bạn đang dùng (kể cả thuốc được kê toa, không kê toa và thực phẩm chức năng) để đưa cho bác sĩ hoặc dược sĩ xem. Bên cạnh đó, nếu bạn bị dị ứng với penicillin, mắc bệnh thận, bệnh gan, rối loạn dạ dày hoặc rối loạn đường ruột như viêm đại tràng, bệnh tiểu đường, rối loạn nhịp tim… thì nên báo với thầy thuốc để được cân nhắc sử dụng cefotaxim.

Hoàng Anh (Tổng hợp)
Cổng thông tin tư vấn sức khỏe AloBacsi.vn

Có thể bạn quan tâm

036460****

Răng không sâu nhưng đau hàm kèm nhức đầu, nhức mắt, phải làm sao?

Đau răng hàm trên kèm nhức đầu, nhức mắt nếu đã loại trừ sâu răng thì có thể là bệnh viêm xoang hàm trên, viêm xoang trán và đôi khi là thuộc nhóm bệnh lý thuộc hệ thần kinh.

Xem toàn bộ

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X