Hotline 24/7
08983-08983

Cắt 2m ruột có ảnh hưởng gì đến việc ăn uống, sinh hoạt?

Câu hỏi

Chào bác sĩ, Cháu năm nay 24 tuổi, đợt trước cháu bị viêm phúc mạc ruột thừa phải mổ mở, sau một thời gian vẫn thường xuyên đau bụng. Và mới đây được 5 tháng cháu bị đau bụng dữ dội, bụng chướng, cứng, đến bệnh viện bác sĩ chẩn đoán bị tắc ruột và cắt đoạn ruột bị hoại tử do xoắn. Cháu bị cắt đi 2m ruột, liệu có ảnh hưởng gì đến việc ăn uống hay sinh hoạt sau này không? Sau khi phẫu thuật cháu đã cố gắng vận động đi lại sớm, ăn uống đảm bảo hơn. Vậy cháu muốn hỏi bác sĩ là cháu có thể bị tắc ruột hay dính ruột trở lại không? Sau một thời gian cháu vận động mạnh liệu có sao không vì cháu hay đi đá bóng nên vẫn hay lo sợ khi va chạm mạnh. Cháu xin cảm ơn!

Trả lời
Hội chứng ruột ngắn. Ảnh minh họa - Nguồn Internet
Hội chứng ruột ngắn. Ảnh minh họa - Nguồn Internet

Chào bạn,

Ruột non bình thường của một người lớn dài khoảng 400cm và bao gồm tá tràng (25-30cm), hỗng tràng (160-200 cm) và phần còn lại là hồi tràng. Phần lớn carbohydrate và protein được hấp thụ ở tá tràng và hỗng tràng, còn hồi tràng có nhiệm vụ hấp thụ chất béo, vitamin hoà tan trong mỡ và vitamin B12. Phần lớn nước và chất điện giải được hấp thu ở hồi tràng và ruột già.

Hội chứng ruột ngắn
xảy ra sau khi một đoạn ruột bị cắt bỏ và ảnh hưởng đến quá trình hấp thu chất dinh dưỡng. Những triệu chứng của hội chứng ruột ngắn thường xảy ra ngay sau khi phẫu thuật với biểu hiện là tiêu chảy nặng sau khi ăn uống.

Hậu quả của sự suy giảm khả năng hấp thụ chất dinh dưỡng ở ruột là tình trạng rối loạn tiêu hoá, sụt cân, thiếu máu và thiếu vitamins. Do đó ở bệnh nhân này cần có một chỉ dẫn về bữa ăn hợp lí để hạn chế tối đa các hậu quả của hội chứng ruột ngắn.

Do đó, cần xác định đoạn ruột bị cắt bỏ để đưa ra chế độ ăn hợp lý nhất, mục tiêu là sắp xếp khẩu phần ăn sao cho các chất dinh dưỡng được hấp thu đáp ứng được nhu cầu của cơ thể. Đối với những bệnh nhân còn hơn 100cm hỗng tràng, có thể hướng tới một khẩu phần ăn bình thường.

Phẫu thuật bụng trước đây là một yếu tố nguy cơ của tắc ruột do dính, nguy cơ này cao hơn ở các trường hợp mổ có viêm nhiễm phúc mạc. Để phòng ngừa, sau khi ra viện, người bệnh nên vận động phù hợp với tình trạng sức khỏe. Thích hợp nhất là nên đi bộ hằng ngày vừa giúp cho cơ thể khỏe mạnh, vừa có thể tăng cường nhu động cho ruột hoạt động tốt, uống nhiều nước, tập thói quen đại tiện hằng ngày để tránh táo bón.

Vết mổ cũ trong vài tháng đầu có thể gây đau nhẹ khi vận động mạnh, việc này không quá nghiêm trọng nếu khôgn đau quá nhiều, bạn không nên quá lo lắng.

Thân mến!

Hội chứng ruột ngắn là vấn đề xảy ra khi một phần của ruột non bị mất hoặc bị cắt mất trong khi phẫu thuật. Kết quả dẫn đến các chất dinh dưỡng không được hấp thu vào cơ thể đúng cách.

Các triệu chứng phổ biến của hội chứng ruột ngắn là:

- Tiêu chảy
- Mệt mỏi
- Phân nhạt màu, phân bóng mỡ
- Sưng (phù) đặc biệt là ở hai chân
- Mùi phân rất thối
- Cân nặng giảm
- Mất nước

Ruột non hấp thụ hầu hết các chất dinh dưỡng có trong các loại thực phẩm được đưa vào cơ thể. Khi một nửa hoặc nhiều hơn đoạn ruột non bị mất, cơ thể không hấp thụ đủ lượng thức ăn để duy trì sức khỏe và trọng lượng của cơ thể.

Một số trẻ sơ sinh được sinh ra đã bị thiếu một phần lớn ruột non.

Nguyên nhân thường gặp nhất gây ra hội chứng ruột ngắn là do các đoạn ruột non bị cắt bỏ trong khi phẫu thuật. Đây là loại phẫu thuật có thể cần thiết do:

- Bị bắn hoặc chấn thương làm hư ruột
- Người bị bệnh Crohn nghiêm trọng
- Đối với trẻ sinh non, do sinh ra quá sớm, một phần ruột của trẻ bị hoại tử.

Điều trị nhằm mục đích giảm các triệu chứng và đảm bảo cơ thể nhận được đủ chất dinh dưỡng.

Một chế độ ăn có hàm lượng calo cao cung cấp:

- Các vitamin và khoáng chất chính yếu như sắt, axit folic và vitamin B12
- Ăn đầy đủ các nhóm thức ăn bột, đạm và chất béo

Nếu cần thiết, bác sĩ sẽ tiêm một số vitamin và khoáng chất hoặc các yếu tố tăng trưởng đặc biệt.

Các thuốc làm chậm sự chuyển động bình thường của ruột có thể được dùng thử. Điều này cho phép thức ăn ở lại trong ruột lâu hơn.

Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể đề nghị cấy ghép ruột non.

Lối sống và các biện pháp khắc phục tại nhà sau có thể giúp bạn đối phó với hội chứng ruột ngắn:

- Hiểu về chế độ ăn. Không có một chế độ ăn uống cụ thể cho những người bị hội chứng ruột ngắn, nhưng nói chung, bạn nên chắc chắn ăn đủ đạm nạc (thịt, các sản phẩm sữa, trứng, đậu phụ) và tinh bột có ít chất xơ (gạo trắng, mì ống, bánh mì trắng). Tránh đồ ngọt và ăn ít chất béo. Một chuyên gia dinh dưỡng có thể giúp bạn tìm ra những thực phẩm tốt nhất.

- Hoạt động thể lực. Tập thể dục là tốt cho cơ thể và tâm trí. Bác sĩ có thể cho bạn biết thời lượng và những loại hoạt động nào phù hợp với bạn.

- Yêu cầu giúp đỡ. Gia đình, bạn bè và mọi người xung quanh có thể giúp bạn các công việc lặt vặt, đưa bạn đi gặp bác sĩ hoặc cho phép bạn trút những căng thẳng của việc điều trị. Bạn cũng có thể nói chuyện với một nhà tâm lý.

- Tìm hiểu từ những người khác. Các nhóm hỗ trợ có thể là một cách tuyệt vời để có được lời khuyên và sự hiểu biết từ những người khác sống chung với hội chứng ruột ngắn. Tìm một nhóm trong khu vực của bạn hoặc khám phá các diễn đàn thảo luận trực tuyến.


Tìm câu hỏi khám bệnh

Được tìm nhiều:

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X