Hotline 24/7
08983-08983

Biệt tài chữa bỏng của thầy lang cứu người tích đức

Hơn 20 năm qua, thầy lang Nguyễn Đức Thuận là vị cứu tinh của hàng trăm bệnh nhân bị bỏng.

Căn nhà nhỏ của ông ở xóm Làng Bò 1, xã Phấn Mễ, huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên, giờ đây là địa điểm quen thuộc của bệnh nhân bỏng trong và ngoài tỉnh.

Nối nghiệp tổ tiên

Ngôi nhà cấp 4 của ông Thuận được bao quanh bởi các loại cây rừng, cây ăn quả đến những cây thuốc quý. Đón tiếp chúng tôi với gương mặt phúc hậu và nụ cười mến khách, ông trò chuyện như những người đã thân quen.

Nhưng khi biết chúng tôi có ý định viết bài về biệt tài chữa bỏng mấy chục năm qua thì ông từ tốn nói: "Tôi có tài nghệ gì đâu, biết thì giúp người ta tích đức, làm phúc thôi. Còn cách chữa bỏng này của tổ tiên để lại đến đời tôi là ngũ đại rồi".

Ông kể, ngày nhỏ ông thường đi theo cha mình là ông Nguyễn Văn Mạc lên rừng hái thuốc và được cha ông chỉ cây thuốc cho. Lớn lên khi ông đã quen mặt thuốc, ông tự lên rừng lấy thuốc theo lời dặn của cha.

Chỉ một thời gian ông đã được cha nhận xét là học nhanh và rất "mát tay". Năm 1994, cha ông qua đời và đã truyền lại nghề cho ông. Nhưng phải 3 năm sau đó, khi cắt tang xong cho cha, ông mới trở lại với nghề. "Trong lúc còn tang không ai bốc thuốc bởi khi đó còn lạnh, làm thuốc làm sao mà bền", ông chia sẻ.

Thầy lang Nguyễn Hữu Thuận đang lấy thuốc chữa cho bệnh nhân. Ảnh: L.Mận

Bài thuốc gia truyền mà ông Thuận nắm giữ đã chữa khỏi bệnh cho rất nhiều người dân trong và ngoài tỉnh Thái Nguyên.

Những người bệnh sau khi được ông chữa trị ai nấy đều dành những lời tốt đẹp và cảm phục khi nói về ông. Anh Trần Văn Nghị, trú tại xóm Cẩm 3, xã Phục Linh, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên cho biết: "Nói về bỏng thì yên tâm hoàn toàn, ông Thuận chữa tốt lắm. Năm ngoái mẹ tôi bị bỏng, tới nhờ ông chữa giờ thì khỏi và không để lại di chứng gì".

Theo lời anh Nghị, mẹ anh đã 80 tuổi, chân tay thì yếu nên trong một lần không may làm đổ ấm nước sôi dẫn đến bị bỏng hết một bên cánh tay phải, đùi và mông. Trong lúc đang định đưa mẹ tới BV, anh được một người quen mách bên xóm Làng Bò 1, có ông Thuận chữa bỏng rất tốt nên anh đã tìm đến."Được ông ấy chữa trong vòng một tháng là mẹ tôi khỏi. Ông ấy tận tình lắm, chăm sóc người bệnh mà cứ như là chăm mẹ mình ấy", anh Nghị cho biết.

Người bị bỏng đến nhờ ông chữa do nhiều nguyên nhân khác nhau: Người bị bỏng do nổ bình ga, ống xả xe máy, điện giật, hay bỏng nước sôi… Có những gia đình có điều kiện thì sẽ đưa đón ông, còn không chiếc xe đạp cũ sẽ là người bạn đồng hành của ông trên con đường cứu người. Ai hay thì đến, ở đâu gọi thì ông đi, người này chữa khỏi lại giới thiệu người kia. Tiếng lành đồn xa nên dù ông cứ thầm lặng như thế nhưng người bệnh đến với ông ngày một đông.

Theo ông Thuận, những vết bỏng chủ yếu bị phỏng nước nên cần chọc nước rồi lấy nước thuốc rửa sau đó thấm bằng giấy bản, cuối cùng là bôi thuốc. Cứ ngày cách ngày bôi thuốc một lần rồi tùy theo mức độ hồi phục mà điều trị. Cứ thế người nhẹ thì một tuần, người nặng hơn thì ông chữa một, hai tháng là khỏi. Dụng cụ chữa cũng đơn giản: Gai bưởi để chọc nước, giấy bản để thấm, lông gà để bôi thuốc, nhíp để gắp thịt thối, kéo, chậu, khăn…

Ông cho biết: "Người bệnh trong thời gian chữa thuốc phải kiêng trứng gà, lòng lợn và kị nhất là các loại chuối, còn người nào mà vết bỏng có nước vàng thì cần kiêng cá. Những người bị bỏng nặng cần bôi thuốc và kết hợp tiêm uốn ván, nam thì 7 mũi còn nữ thì tiêm 9 mũi là khỏi".

Bài thuốc gia truyền theo lời ông Thuận thì sử dụng tất cả thân, rễ, củ chủ yếu của 3 loại cây rừng. Ông đều tự tay đi lấy, "không đi được thì tôi chỉ cho các con nhờ chúng nó đi lấy, nhưng có cây chúng nó cũng không biết thì tôi phải tự đi, chứ mà đi mua lại của người ta thì còn gì là thuốc nữa" - ông Thuận cho biết.

Cây thuốc sau khi hái về được vạc vỏ, cắt, bẻ nhỏ cô đặc 7 ngày 7 đêm rồi cho vào chai lọ. Vì thuốc phải lấy vào tháng 8, tháng 9 thì cây mới có nước nên ông tranh thủ cô cất để dùng trong những tháng không lấy được thuốc.

Chủ yếu cây thuốc phải lên tận rừng cao có khi phải lên tận Cao Bằng, Bắc Kạn mới hái được nên nhiều lần ông đã mang cây về nhà trồng để giảm bớt công đi hái thuốc. Ông cho biết ưu điểm của thuốc nam là ít bị nhiễm trùng so với thuốc tây.

Chiếc xe đạp cũ là người bạn đưa ông Thuận trên mọi nẻo đường đến với bệnh nhân bỏng. Ảnh: L.Mận

"Vị cứu tinh" của bệnh nhân nghèo

Ông Thuận có 3 người con trai, hai người con đầu đã lấy vợ và ra ở riêng. Vợ ông mất đã 3 năm, giờ nhà chỉ có mình ông và cậu con trai út. Tuy nhiên, cậu con trai cũng đi làm suốt, ở nhà chỉ cái điếu cày và chiếc đài cũ là bạn của ông.

Ngôi nhà nhỏ chẳng có vật dụng gì đáng giá. "Cuộc sống khó khăn nhưng tôi luôn tâm niệm chữa bệnh làm phúc, không bao giờ màng tới danh tiếng hay lợi nhuận về kinh tế. Có ai muốn mình bị bệnh đâu hả các cháu, chữa cho người ta chỉ mong người ta hết đau, khỏi bệnh là mình mừng rồi", ông Thuận vui vẻ cho biết.

Gia đình ông làm nông nghiệp, kinh tế cũng không ổn định nhưng ông không coi trọng tiền bạc. Nhiều người khỏi bệnh không có điều kiện thì ông làm từ thiện, tùy tâm họ đặt năm, ba nghìn đồng để ông thắp hương tổ tiên. Có những người hoàn cảnh quá khó khăn, được ông chữa bỏng và chăm sóc miễn phí đã nhận ông làm cha nuôi để tỏ lòng biết ơn.

Từ đó đến nay cũng được hai chục năm hành nghề, đã có biết bao người đến nhờ ông chữa bỏng ông cũng không nhớ nữa. Ở bất cứ chỗ nào trong huyện hễ có bệnh nhân gọi là ông có mặt ở đó không quản đường đi có xa xôi, mưa gió thế nào.

Ông chia sẻ: "Người bệnh cần thì họ mới tìm tới mình nên mình cần phải hết lòng với họ bởi đó không chỉ là trách nhiệm của người làm nghề y mà còn là trách nhiệm của mình với cha ông đi trước. Tôi cũng đang cố gắng chỉ dẫn cho thằng con trai thứ hai để sau này nó có thể thay tôi gìn giữ bài thuốc của tổ tiên".

Với cái tâm của một thầy lang, cứu giúp hàng trăm người qua cơn hoạn nạn và đặc biệt là bài thuốc chữa bỏng gia truyền của tổ tiên để lại rất có hiệu quả. Qua công tác kiểm tra, phê duyệt, vào tháng 6-2013 vừa qua Sở Y tế tỉnh Thái Nguyên đã quyết định cấp giấy phép hoạt động khám chữa bệnh tại nhà với chuyên môn khám chữa bỏng bằng bài thuốc gia truyền cho ông Thuận.

Năm nay, thầy lang Nguyễn Hữu Thuận đang bước sang tuổi 60, sức khỏe ngày càng yếu nhưng tấm lòng vì người bệnh vẫn còn nguyên vẹn trong ông. Niềm vui đối với ông là mỗi ngày được nhìn thấy người bệnh tai qua nạn khỏi.


Theo Lê Mận - H. Gấm - Pháp luật và xã hội

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X