Hotline 24/7
08983-08983

Bệnh viện thông minh trong kỷ nguyên số 4.0

Dù đã có những thành quả nhất định nhưng mô hình bệnh viện thông minh vẫn là thách thức lớn của các cơ sở y tế nước ta. Vậy giải pháp nào cho việc xây dựng bệnh viện thông minh ở Việt Nam?

Người bệnh được lợi gì từ bệnh viện thông minh?

Số hóa đã làm cho hệ thống thông tin y tế trở thành nền tảng để triển khai các nội dung của cách mạng công nghiệp lần thứ 4 như trí tuệ nhân tạo, internet kết nối, dữ liệu lớn, chuỗi khối, điện toán đám mây,… làm cho bệnh viện ngày càng thông minh.

Không còn chờ đợi hàng tiếng đồng hồ để đến lượt khám, không còn cần lằng nhằng thẻ báo hiểm, sổ y bạ, phiếu xét nghiệm… bệnh viện thông minh đang dần chứng tỏ ưu điểm, giúp bệnh nhân thuận tiện hơn khi khám, chữa bệnh.

Đây cũng là chủ đề chính của Hội nghị quốc tế “Infomatics về sức khỏe” lần thứ 1 được tổ chức tại TPHCM, quy tụ gần 400 nhà khoa học, bác sĩ, 39 báo cáo viên đến từ Anh, Pháp, Singapore, Việt Nam… nhằm giới thiệu và tìm ra các giải pháp ứng dụng công nghệ cao trong khám, chữa bệnh.

Hội nghị quy tụ gần 400 khách mời tham dự, 39 báo cáo viên trong và ngoài nước

PGS.TS Phạm Lê Tuấn - Nguyên thứ trưởng Bộ Y tế nhìn nhận tổng quan, cách mạng 4.0 đã có những tác động rất lớn đến ngành y tế. Từ đó, đòi hỏi các bệnh viện phải chuyển mình hướng tới xây dựng bệnh viện thông minh nhằm cải thiện chất lượng chăm sóc sức khỏe cho người dân, an toàn, hiệu quả trong quản lý bệnh viện.

Với bệnh viện thông minh, tất cả dữ liệu có sẵn dưới dạng điện tử. Không chỉ dữ liệu y tế, mà mọi hệ thống lâm sàng, kinh doanh và cơ sở hạ tầng. Thông tin có sẵn mọi lúc mọi nơi, từ đó chuyên gia y tế của thể tương tác, liên lạc với nhau để chăm sóc tốt nhất cho người bệnh.

Ngoài ra, giải pháp bệnh viện thông minh còn cung cấp hệ thống thống kê, báo cáo; hệ thống giám sát cho nội bộ bệnh viện cũng như giúp cơ quan quản lý cấp trên nhanh chóng nắm bắt tình hình khám, chữa bệnh tại bệnh viện. Qua đó giúp giảm thiểu chi phí khám chữa bệnh, việc số hóa các xét nghiệm.

Bên cạnh đó, bệnh án điện tử giúp các bác sĩ có thể truy cập bệnh án của người bệnh một cách nhanh nhất, đầy đủ nhất và đưa ra hướng điều trị phù hợp, loại bỏ tối đa những nhầm lẫn và sai sót y khoa. Về bệnh nhân cũng sẽ biết mọi thông tin lịch sử bệnh được cập nhật liên tục từ bác sĩ.

PGS.TS Phạm Lê Tuấn - Nguyên thứ trưởng Bộ Y tế

Tại hội nghị, PGS Tuấn cho biết, hiện cả nước có gần 13.000 cơ sở y tế (99,6%) đã thực hiện việc kết nối liên thông dữ liệu khám chữa bệnh (KCB) với cơ quan BHXH. Nhiều bệnh viện đã ứng dụng công nghệ 4.0 vào công tác quản lý, công tác chuyên môn như phần mềm quản lý bệnh viện HIS, telemedicine (khám bệnh từ xa) và bigdata…

Tuy nhiên, theo PGS Tuấn, việc xây dựng bệnh viện thông minh còn nhiều thách thức như hạ tầng chưa tương thích, nhân lực chuyên trách yếu, khó khăn trong việc tích hợp các hệ thống phần mềm với các thiết bị y tế cũ và an ninh mạng là yếu tố quan trọng hàng đầu.

Đồng tình với ý kiến trên, PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh cho rằng ở Việt Nam có 1.400 bệnh viện công lập, 245 bệnh viện ngoài công lập và 30.000 phòng khám tư nhân, hơn 11.000 trạm y tế xã, phường. Đây là nền tảng thuận lợi để triển khai bệnh viện thông minh, cho phép thay đổi triết lý điều trị từ lấy bác sĩ làm trung tâm sang lấy bệnh nhân làm trung tâm. Tuy nhiên, theo PGS Khuê, điều quan trọng nhất là phải thay đổi tư duy nhận thức, mạnh dạn ứng dụng công nghệ thông tin của người đứng đầu lãnh đạo các Sở Y tế, các bệnh viện.

Hơn nữa, việc số hóa bệnh viện tại Việt Nam vẫn rất chậm so với thế giới. Ông khuyến nghị các bệnh viện nên thuê đơn vị bên ngoài triển khai những công nghệ phức tạp để y bác sĩ tập trung vào chăm sóc người bệnh.

Ở góc tiếp cận khác, theo GS.TS.BS Peter Chang - Đại học Y khoa Tufts và là chủ tịch hội Trao đổi kiến thức y tế châu Á (AHLA), nếu người dân không có sự hiểu biết về sức khỏe thì sẽ khó để có bệnh viện thông minh hay dịch vụ y tế thông minh. Do đó, Việt Nam trước tiên cần giải quyết vấn đề cơ bản liên quan đến sự hiểu biết về sức khỏe của người dân.

GS Peter Chang dẫn chứng, theo thống kê ở Việt Nam, 67% sự hiểu biết về sức khỏe còn thấp, người dân tự quyết định điều trị cho mình mà không có hệ thống hướng dẫn. Thực tế, mức độ hiểu biết về vấn đề chăm sóc sức khỏe và phòng chống bệnh tật của người dân tại các nước đang phát triển thường ở mức thấp, ước tính có hơn 80% những thông tin tư vấn tại các phòng mạch bị lãng quên khi bệnh nhân về đến nhà.

TPHCM tiên phong phát triển y tế thông minh

PGS.TS Tăng Chí Thượng - Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM

Theo Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM - PGS.TS Tăng Chí Thượng, TPHCM được xác định là địa phương tiên phong hướng tới y tế thông minh. Dù chưa phát triển mạnh mẽ như các nước phát triển song nhiều bệnh viện trong thành phố đã bắt đầu “manh nha” ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong chẩn đoán, sử dụng robot trong phẫu thuật.

Điển hình như Bệnh viện Bình Dân đưa robot Da Vinci về hoạt động, sau 3 năm triển khai đến nay đã phẫu thuật 687 bệnh nhân.

Hay Bệnh viện Nhân dân 115 và Bệnh viện Gia An 115 đã ứng dụng phần mềm trí tuệ nhân tạo Rapid trong chẩn đoán và “nới rộng” cửa sổ điều trị đối với bệnh nhân đến muộn trong đột quỵ não cấp. Như vậy, việc ứng dụng AI chuyên biệt cho xử trí đột quỵ chắc chắn sẽ mở ra cơ hội cứu sống và giảm nguy cơ bị tàn phế cho bệnh nhân, góp phần đưa người bệnh tái hòa nhập cộng đồng sớm.

Đồng thời, Bệnh viện Nhân dân 115 cũng triển khai phẫu thuật Robot thần kinh với ưu điểm tùy chỉnh tối ưu cách tiếp cận tổn thương, lập kế hoạch, định hướng phẫu thuậ. Từ đó giúp bác sĩ lựa chọn cách tiếp cận tối ưu, giảm thiểu các biến chứng, nguy cơ gây tổn thương các vùng chức năng quan trọng như ngôn ngữ, thị giác và vận động. Sau 9 tháng hoạt động, đến nay bệnh viện đã phẫu thuật cho 10 bệnh nhân với nhiều bệnh lý não phức tạp.

Bệnh viện Ung bướu đã thử nghiệm ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong tư vấn và hỗ trợ các bác sĩ trong lựa chọn phác đồ điều trị bệnh ung thư với 2 loại bệnh ung thư phổ biến là ung thư vú và đại trực tràng. Đến nay, bệnh viện đã ứng dụng phần mềm này trên 103 bệnh nhân ung thư vú và 126 bệnh nhân ung thư đại trực tràng. Kết quả cho thấy tỷ lệ tương đồng giữa phác đồ của bệnh viện và phác đồ của phần mềm đưa ra là 80,3%; trong đó tương đồng về phác đồ điều trị ung thư vú là 71%, ung thư đại trực tràng là 88,1%.

Tuy nhiên, theo PGS Tăng Chí Thượng, để nhân rộng việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong y tế đòi hỏi phải hội tụ nhiều yếu tố quan trọng, từ công nghệ máy tính chuyên sâu, các chuyên gia khoa học máy tính, cho đến nguồn dữ liệu lớn có giá trị. Với tình hình Việt Nam nói chung và TPHCM nói riêng, trước mắt việc triển khai ứng dụng các sản phẩm ứng dụng trí tuệ nhân tạo chỉ nên chọn lựa những ứng dụng đã được chứng minh khoa học về lợi ích và phù hợp với yêu cầu phát triển từ thực tiễn của ngành y tế.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X