Ginkgo biloba giúp bổ não, chống lão hóa cho người cao tuổi
Bài viết không cung cấp các lời khuyên, chẩn đoán, điều trị bệnh, giảm nhẹ bệnh. Nôi dung chỉ có tính chất tham khảo, thuận tiện cho việc tra cứu và không thay thế cho việc chẩn đoán, các phương pháp điều trị y khoa. Thảo luận với bác sĩ để được hướng dẫn điều trị và dùng thuốc an toàn.
Ginkgo biloba là gì?
Trong y học cổ truyền Trung Hoa, Ginkgo biloba điều trị các vấn đề về tuần hoàn máu cũng như sự liên quan của tuần hoàn đến suy giảm trí tuệ. Ảnh minh họa - Nguồn Internet
Ginkgo biloba có tên khoa học Salisburia adiantifolia, là cao đã được chuẩn hoá của lá bạch quả chứa 24% flavonoid, 6% ginkgolid biloba (diterpen lacton) và không quá 5 phần triệu axít ginkgolic (viết tắt là EGB).
Theo y học cổ truyền Trung Hoa và các nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng, Ginkgo biloba được coi là an toàn, có tác dụng lên cơ thể theo nhiều cách bởi chất này có tác dụng bảo vệ ty thể khỏi bị phá hủy và oxi hóa. Trong y học cổ truyền Trung Hoa, chiết xuất này điều trị rất nhiều bệnh từ hàng ngàn năm nay đặc biệt là các vấn đề về tuần hoàn máu cũng như sự liên quan của tuần hoàn đến suy giảm trí tuệ.
Ngày nay, Ginkgo biloba được bào chế dưới nhiều dạng: viên nén 40mg cao EGB. Lọ 30ml dung dịch uống 40mg/ml. Viên nang 1,6g cao khô EGB. Dung dịch tiêm 5ml/17,5mg EGB. Ginkgo biloba có nhiều tên biệt dược như giloba phytosome, ginkobay, ginkogink, gintec, tanakan, sagokain, superkan, OP Can…
Công dụng của Ginkgo biloba
Ginkgo biloba được mệnh danh là hóa thạch sống bởi vết ấn lá cây đã được tìm ra trong đá có 270 triệu năm tuổi. Đây là cây thuốc quý. Vậy, trong Ginkgo biloba có gì mà quyền lực đến thế?
Chiết xuất Ginkgo biloba gồm có 2 thành phần (flavonoid và terpenoid) là chất chống oxi hóa mạnh. Chất này được tin rằng giúp làm chậm lại quá quá trình bệnh tật do lão hóa gây ra.
Chúng cũng có khả năng làm tăng sự giãn nở của thành mạch và cải thiện sự chắc khỏe của thành mạch máu giúp tăng cường hoạt động của não bộ, thải độc cơ thể và tăng cường chức năng hệ miễn dịch. Lợi ích của ginkgo gắn liền với chức năng của não bộ như khả năng tập trung và trí nhớ cũng như biểu hiện thần kinh. Một tạp chí khoa học đã đăng tải một báo cáo khoa học về tác dụng của Ginkgo biloba lên các rối loạn nhận thức và bệnh Alzheimer.
Một lý giải khác về tác dụng của chiết xuất này giúp tăng cường hấp thu glucose cho tế bào não. Việc tăng hấp thu glucose có thể giúp cải thiện việc tăng cường tín hiệu dẫn truyền thần kinh - chịu trách nhiện cho trí nhớ, tâm trạng và hoàn thành các nhiệm vụ, điều hòa nhịp tim và bảo vệ mắt.
Do đó, thuốc được dùng trong các trường hợp thiểu năng tuần hoàn não, suy mạch máu ngoại vi như giảm trí nhớ, kém tập trung tinh thần, rối loạn thính giác, ù tai, chóng mặt, giảm thị lực, suy võng mạc, đặc biệt với người cao tuổi, suy tuần hoàn, tiền chứng của tai biến mạch máu não (dự phòng) hoặc tai biến mạch não nhằm phòng tai biến mạch não thứ phát.
Gần đây, Ginkgo biloba được nghiên cứu dùng trong các biểu hiện: chán nản, khác thường về ứng xử, đau đầu mạn do căng thẳng, biểu hiện tâm thần vận động, thần kinh do đái tháo đường, giảm sút trí tuệ, trí nhớ (khi các biểu hiện này là do rối loạn tuần hoàn não hay có liên quan đến tuần hoàn não).
Chiết xuất Ginkgo biloba có khả năng làm tăng sự giãn nở của thành mạch và cải thiện
sự chắc khỏe của thành mạch máu giúp tăng cường hoạt động của não bộ. Ảnh minh họa - Nguồn Internet
Tác dụng phụ của Ginkgo biloba
Trước đây chế phẩm Ginkgo biloba được coi là thuốc lành tính. Gần đây đã thấy thuốc cũng có những tác dụng phụ như:
- Nhức đầu, buồn nôn, bồn chồn, tiêu chảy, dị ứng da.
- Tăng nguy cơ chảy máu, do có yếu tố kích hoạt tiểu cầu, chống đông máu. Một số trường hợp bị xuất huyết dưới màng cứng, xuất huyết dưới nhện, xuất huyết trong não, xuất huyết tiền phòng (mắt).
Ai không nên sử dụng Ginkgo biloba?
Người xưa đã dùng lá Ginkgo biloba có hiệu quả an toàn, có thể giúp cải thiện kỹ năng bộ nhớ và tư duy trong thời gian ngắn. Nó cũng có thể bảo vệ bạn khỏi suy giảm chức năng não theo tuổi tác, tuy nhiên, các kết quả nghiên cứu hiện nay không thống nhất.
Vì vậy, tác dụng của Ginkgo biloba đã được truyền tai, thổi phòng, nhiều người xem viên thuốc này là “tiên đan” sử dụng khá tùy tiện, dùng mỗi ngày mà không có sự tham vấn của dược sĩ hay bác sĩ.
Bất cứ loại thuốc nào cũng đều có ưu - nhược điểm mà chúng ta là người sử dụng chưa nắm rõ. Hơn nữa, tùy vào cơ địa, bệnh nền tảng… sẽ có những tác dụng không giống nhau. Do đó, tốt nhất không nên coi Ginkgo biloba là thuốc bổ não đa năng, hoàn toàn lành tính. Trước khi dùng nên liệt kê các loại thuốc đang sử dụng, bệnh nền tảng, dị ứng của cơ thể để tham vấn với bác sĩ.
Một số đối tượng nên tránh sử dụng Ginkgo biloba là:
- Không dùng cho người có rối loạn đông máu, không dùng chung với các thuốc chống đông máu (warparin, heparin) hay các thuốc ngăn ngừa sự tập kết tiểu cầu (aspirin, dipyridamol, ticlopidin). Nếu cần dùng chung thì phải tính toán liều lượng thật cẩn thận, theo dõi chặt chẽ. Không nên dùng chung với các thảo dược như fefeverfew, tỏi, sâm, clover đỏ, đặc biệt những nhóm dược thảo có chứa coumarin. Các phối hợp nói trên sẽ cộng hợp tính chống đông máu của các chất, các thảo dược và tính gây chống đông máu của ginkgo biloba làm tăng sự chảy máu.
- Nên ngừng dùng Ginkgo biloba trong 36 giờ hay tốt hơn nữa là 14 ngày trước khi phẫu thuật (nhằm tránh nguy cơ tăng chảy máu).
- Không dùng chung với thuốc động kinh (như carbamazepin, valproic acid) vì Ginkgo biloba làm giảm hiệu lực các thuốc chống động kinh.
- Tai biến mạch máu não có hai loại, một loại là chảy máu não (do vỡ mạch máu), một loại là nhũn não (do huyết khối làm tắc nghẽn mạch máu). Ginkgo biloba được chọn dùng cho trường hợp tai biến mạch máu não do nhũn não và không dùng trong trường hợp tai biến mạch máu não do chảy máu não.
- Không nên dùng chung với tradone vì có thể bị hôn mê (mới gặp một trường hợp).
- Không nên dùng cho người có thai, phụ nữ cho con bú và trẻ dưới 12 tuổi vì chưa chứng minh được tính an toàn.
Hướng dẫn sử dụng ginkgo biloba
Mặc dù có nhiều nghiên cứu về tác dụng của Ginkgo biloba nhưng vẫn còn nhiều ý kiến trái ngược nhau. Do đó, không nên xem viên thuốc này là “tiên đan” chữa tất cả các bệnh liên quan đến não mà dùng tùy tiện. Ảnh minh họa - Nguồn Internet
Ginkgo biloba không phải là thuốc hạ huyết áp, do đó không nên dùng để điều trị thay thế cho các thuốc chống cao huyết áp đặc trị.
Tác dụng của Ginkgo biloba dường như mới chỉ dừng ở sử dụng riêng rẽ chiết xuất này. Tùy thuộc vào từng bệnh, liều khuyến nghị có thể từ 40-60mg mỗi ngày.
Bạn có thể sử dụng ginkgo ở dạng viên nang, viên nén, dung dịch hoặc lá khô. Như đã nói ở trên, chiết xuất chuẩn của dung dịch phải chứa 24-32% flavonoid (flavone glycosides hoặc heterosides) và 6-12% terpenoid (triterpene lactones). Sau khi uống, phải ít nhất 6 tuần bạn mới có thể bắt đầu thấy tác dụng của chúng đến sức khỏe và còn tùy thuộc vào tình trạng bệnh của bạn.
Bảo quản thuốc nơi khô ráo, chống ánh sáng và sức nóng trực tiếp.
Tốt nhất bạn không nên tự ý sử dụng Ginkgo biloba. Khi muốn sử dụng, nên gặp bác sĩ để được tư vấn một cách kỹ lưỡng, bác sĩ sẽ khám và hỏi bạn nhiều thông tin liên quan trước khi quyết định kê toa ginkgo biloba cho bạn.
A.P (Tổng hợp)
Cổng thông tin tư vấn sức khỏe AloBacsi.vn
Cổng thông tin tư vấn sức khỏe AloBacsi.vn
Bài viết có hữu ích với bạn?
Bài viết liên quan
Có thể bạn quan tâm
093844****
Cằm sưng đau do té xe, bao lâu mới hết?
Nếu không có gãy xương, không có vết thương hở và em cũng tích cực chăm sóc chỗ bị thương thì khoảng 7-10 ngày...
Xem toàn bộ090790****
Đau mông một bên do đâu?
Triệu chứng đau mông 1 bên có thể gặp trong giai đoạn đầu của nhọt mông, viêm mô tế bào...
Xem toàn bộ- Trang chủ
- Tin y tế
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình