Hotline 24/7
08983-08983

Dị ứng thuốc Cotrim, có tiêm được vắc xin COVID-19 không?

Câu hỏi

Chào bác sĩ,

Tôi bi dị ứng thuốc Cotrim thì có tiêm vắc xin COVID-19 được không? Mong nhận được sự tư vấn của bác sĩ. Cảm ơn nhiều.

(Trần văn Thuận - thuậnxs...@gmail.com)

Trả lời

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương

Bác sĩ - Bệnh viện Trưng Vương

Những trường hợp nghi ngờ dị ứng, cần khám chuyên khoa dị ứng để đánh giá nguy cơ trước khi chỉ định tiêm

Chào bạn,

Theo Hướng dẫn sàng lọc trước tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 của Bộ Y tế, những trường hợp có tiền sử dị ứng nặng (phản vệ từ độ 2 trở lên) do mọi nguyên nhân đều không được chỉ định tiêm vắc xin phòng COVID-19.

Còn những người có tiền sử bị viêm mũi dị ứng, viêm kết mạc dị ứng hoặc dị ứng nhẹ ngoài da do thuốc, thức ăn, dị ứng môi trường, thời tiết… đều có thể được chỉ định tiêm vắc xin phòng COVID-19 nếu tình trạng bệnh dị ứng cũ đã ổn định.

Một số người có thể được chỉ định tiêm vắc xin nhưng cần sự thận trọng đặc biệt, bao gồm: Những người có tiền sử dị ứng tức thì với nhiều loại thuốc, dị ứng vắc xin, hội chứng quá mẫn với aspirin và thuốc chống viêm giảm đau không steroid, tiền sử phản vệ không rõ nguyên nhân hoặc bệnh lý tế bào mast.

Ngoài ra, bạn cũng cần biết rằng Polyethylene Glycol (PEG) hay Polysorbate PEG là thành phần liên quan các vắc xin mRNA và vaccine J&J, nếu từng dị ứng các chất này, phải lưu ý và tránh những vắc xin chứa các thành phần này.

Phản vệ sau tiêm phòng vắc xin là dạng tai biến không thể dự báo trước, có thể xảy ra ở cả những người không có tiền sử dị ứng. Về bản chất, vắc xin ngừa COVID-19 không phải là kháng sinh, do đó người có cơ địa mẫn cảm với COTRIM không phải là đối tượng chống chỉ định với vắc xin.

Tuy nhiên, như khuyến cáo, những trường hợp có phản ứng quá mẫn cần thận trọng và cần khám chuyên khoa dị ứng để đánh giá nguy cơ trước khi chỉ định tiêm vaccine. Đối với phản ứng quá mẫn nhanh gây shock phản vệ cần xử trí ngay tại bệnh viện (Epinephrine và các phương tiện chống shock cơ bản).

Phản ứng quá mẫn nhanh và dị ứng nặng có thể xảy ra ngay sau chích hay trong vòng 4 tiếng sau chích với các triệu chứng như phát ban, mày đay, phù người, khò khè, khó thở.

Vì vậy, để theo dõi và được xử trí tốt nhất nếu có phản ứng xảy ra, tất cả các trường hợp tiêm vắc xin phòng COVID-19 đều cần được theo dõi tại chỗ ít nhất 30 phút sau tiêm. Những người có tiền sử dị ứng đều cần được theo dõi tại chỗ sau tiêm ít nhất 60 phút.

Những trường hợp nghi ngờ dị ứng, cần khám chuyên khoa dị ứng để đánh giá nguy cơ trước khi chỉ định tiêm.

Trước thông tin truyền nhau trên mạng, trước khi đi tiêm vắc xin COVID-19 thì uống thuốc dự phòng dị ứng kháng histamin H1, các chuyên gia cho rằng hiện nay việc điều trị dự phòng thuốc kháng histamine H1 trước khi tiêm phòng vắc xin COVID-19 không được khuyến cáo.

Bởi các thuốc này không ngăn ngừa được dị ứng vắc xin mà còn có thể làm che lấp các triệu chứng ở da và niêm mạc, dẫn đến chậm phát hiện và xử trí dị ứng do vắc xin.

Do đó bạn không nên tự ý sử dụng bất kỳ loại thuốc gì trước khi đi tiêm mà cần thành thật khai báo sàng lọc trước tiêm vắc xin để được loại trừ các yếu tố nguy cơ một cách tốt nhất.

Trân trọng!

Tìm câu hỏi khám bệnh

Được tìm nhiều:

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X