Cần lưu ý gì trước khi mang thai để "mẹ tròn con vuông"?
Câu hỏi
Nhờ bác sĩ tư vấn giúp em cần lưu ý gì trước khi mang thai để em bé chào đời khỏe mạnh, mẹ tròn con vuông ạ, em cảm ơn bác sĩ nhiều.
Trả lời
ThS.BS Trần Anh Tuấn
Phó Giám đốc Y khoa, Bệnh viện Phụ sản Quốc tế Sài Gòn - Bệnh viện phụ sản quốc tế Sài Gòn
Tiêm ngừa trước khi mang thai. Ảnh minh họa - Nguồn: Internet.
Chào bạn Ngọc Trinh,
Thực tế, quá trình mang thai gặp nhiều khó khăn, trắc trở, một cặp vợ chồng muốn có một em bé khỏe mạnh cần chuẩn bị:
- Thứ nhất, về không gian: khi dự định sinh em bé phải có điều kiện về nơi ở dành cho thành viên mới trong gia đình.
- Thứ hai cần chuẩn bị về kinh tế: rõ ràng, thêm một thành viên trong khi vợ mang nặng đẻ đau, thì cần có sự chuẩn bị trước.
- Thứ ba, về tinh thần: tôi có đề cập tìm hiểu kiến thức nuôi con trên sách vở, các buổi học tiền sản ở các bệnh viện.
- Thứ tư, cần tránh một số chất có hại cho thai nhi, chẳng hạn như rượu gây hại cho thai nhi với bất kỳ nồng độ nào, ít ảnh hưởng ít, nhiều ảnh hưởng nhiều. Như vậy khi mang thai, người mẹ không nên uống rượu, bia. Thêm nữa, vợ không hút thuốc lá nhưng chồng hút cũng gây hại cho em bé, cần cân nhắc những chuyện này.
- Thứ năm: đến những trung tâm chăm sóc sức khỏe hoặc Viện Pasteur tiêm ngừa trước khi mang thai, uống thuốc có acid folic để phòng ngừa dị tật thần kinh cho thai, đây là điều tôi muốn nhấn mạnh.
Chúc vợ chồng bạn sớm có em bé.
Thân mến.
Mời tham khảo thêm:
9 loại văcxin phụ nữ nên tiêm ngừa trước khi mang thai
- Rubella: 90% trường hợp người mẹ nhiễm rubella trong 3 tháng đầu thai kỳ có thể gây dị tật thai nhi hoặc sảy thai. Virus này ảnh hưởng đến não, tim, tai và mắt của em bé trong bụng, thậm chí có thể để lại di chứng khi trẻ chào đời.
- Sởi: Nếu bà mẹ mắc bệnh sởi khi mang thai, nguy cơ dị dạng thai nhi rất cao. Ngoài ra, phụ nữ bị sởi khi mang thai có thể gây sảy thai, sinh non hoặc thai chết lưu.
- Quai bị: Virus quai bị có thể làm viêm nhiễm buồng trứng, đồng thời phá hủy tế bào trứng, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe sinh sản của phụ nữ. Ngoài ra, quai bị có thể gây dị tật bẩm sinh, sinh non và thai chết lưu. Đặc biệt, nguy cơ càng cao hơn nếu mẹ bầu bị nhiễm quai bị trong tam cá nguyệt thứ nhất và thứ ba của thai kỳ.
Hiện nay, phụ nữ có thể chủ động phòng ngừa sởi, quai bị và rubella chỉ với một mũi văcxin 3 trong 1 (sởi - quai bị - rubella). Một số người có thể đã tiêm phòng khi còn nhỏ và có khả năng miễn dịch với “bộ ba” này. Tuy nhiên, không có gì là chắc chắn 100% cả. Cho dù đã được tiêm phòng từ trước, chị em vẫn nên xét nghiệm lại. Nên tiêm phòng văcxin một tháng trước khi thụ thai.
- Thủy đậu: Nếu đã tiêm phòng thủy đậu khi còn nhỏ, bạn nên tiêm thêm một mũi tăng cường. Lưu ý: Tiêm trước khi mang thai ít nhất một tháng.
- Cúm: Đây là căn bệnh thường gặp nhất ở Việt Nam. Cảm cúm thông thường sẽ không gây ra những biến chứng gì đặc biệt. Song khi mang thai, những cơn cảm cúm kéo dài có thể gây dị tật bẩm sinh cho thai nhi, nhất là mẹ mắc bệnh trong 3 tháng đầu thai kỳ. Nếu lỡ mang thai mà chưa kịp tiêm phòng cúm, bạn vẫn có thể tiêm ngừa trong thai kỳ của mình. Văcxin phòng ngừa cúm được chế tạo từ những virus đã chết nên rất an toàn với bà bầu.
- Văcxin ngừa ung thư cổ tử cung: Nếu dưới 26 tuổi, bạn nên xem xét đến việc tiêm phòng ung thư cổ tử cung. Văcxin này bao gồm 3 mũi, kéo dài trong 6 tháng và không thể tiếp tục nếu như bạn mang thai. Vì vậy, bạn nên tính toán thời gian phù hợp nếu muốn hoàn thành việc phòng ngừa này trước khi có bầu.
- Viêm gan siêu vi B: Virus này có thể lây truyền thông qua máu và dịch cơ thể. Vì vậy, chị em có thể dễ dàng mắc bệnh này mà không hề hay biết. Không chỉ họ mà người chồng cũng nên tiêm phòng viêm gan siêu vi B. Văcxin này gồm 3 mũi, tiêm trong vòng 4 tháng. Nếu không hoàn thành 3 mũi viêm gan siêu vi B trước khi mang thai, bạn hoàn toàn có thể tiếp tục tiêm phòng khi mang thai.
- Virus viêm gan A không gây bệnh viêm gan mạn tính nhưng trong giai đoạn cấp tính có tỷ lệ tử vong cao hơn. Bệnh này không ảnh hưởng nhiều đến thai nhi nhưng nguy hiểm cho bà mẹ nên cũng cần tiêm trước khi mang thai.
- Uốn ván: Bệnh có thể gây tử vong cho trẻ sơ sinh. Phụ nữ trong tuổi có khả năng sinh sản nên được tiêm văcxin ngừa uốn ván trước khi có thai hoặc vào tuần 27-36 của thai kỳ.
|