-
Bé bị thận ứ nước độ 2, hẹp bao qui đầu…Mong BS tư vấn điều trị
Câu hỏi
Thưa bác sĩ, Con trai em bị thận ứ nước từ khi còn trong bụng mẹ. Sau khi sinh được 4 tháng, bé đi siêu âm lại thì được bác sĩ kết luận thận ứ nước cấp độ 2. Em hỏi thì bác sĩ kêu không có thuốc điều trị, cho uống nhiều nước lớn lên sẽ tự bớt, nhưng nay cháu được 19 tháng siêu âm vẫn còn chứng thận ứ nước cấp độ 2. Gần đây mỗi khi đi tiểu cháu có biểu hiện đau rát và khóc, em lo lắng quá. Xin bác sĩ tư vấn giúp em trường hợp này? Ngoài ra, đầu dương vật của cháu còn bị hẹp nên khi đi tiểu đầu dương vật bị phình lên 1 bọng nước và vòi nước chảy ra nhỏ nên cháu hay rặn mỗi khi tiểu. Trường hợp này em phải làm sao, xin bác sĩ tư vấn giúp em luôn ạ? Em xin chân thành cảm ơn bác sĩ. (Kim Cương - kieun…@gmail.com)
Trả lời
Chào Kim Cương,
Thận ứ nước nếu không có dấu hiệu tăng độ hay nhiễm trùng tiểu hoặc tắc nghẽn thì chỉ theo dõi và không dùng thuốc. Con anh thận ứ nước độ 2 là mức độ tương đối nhẹ nên chỉ theo dõi. Các triệu chứng anh miêu tả ở trên có thể bé bị hẹp bao quy đầu.
Hẹp bao quy đầu là hiện tượng bao quy đầu dương vật không thể kéo xuống được làm cho bao quy đầu không thể tách khỏi quy đầu. Hẹp bao quy đầu có thể là hẹp sinh lý hoặc hẹp bệnh lý. Hẹp sinh lý là bao quy đầu dính với quy đầu một cách tự nhiên để bảo vệ quy đầu và lỗ tiểu lúc trẻ mới sinh ra. Đa số bé trai mới sinh (96%) đều có hẹp bao quy đầu sinh lý, đến 3 tuổi, tỷ lệ này giảm dần xuống còn 10% và giảm xuống còn 1% lúc 14 tuổi.
Hẹp bệnh lý (hẹp thứ phát, mắc phải) là hẹp thật sự khi có sự hiện diện của sẹo xơ. Sẹo xơ được hình thành là do viêm nhiễm tái phát nhiều lần ở những bao quy đầu bình thường hoặc bao quy đầu dài. Đây chính là dạng hẹp bao quy đầu cần điều trị.
Trẻ bị hẹp bao da quy đầu thường có những biểu hiện tiểu khó, phải rặn làm phồng bao quy đầu, tia tiểu bắn xa. Những bé nhỏ thường quấy khóc và đỏ mặt vì rặn mỗi khi đi tiểu. Do phần do chít hẹp làm lỗ tiểu của bé nhỏ cản trở bài xuất nước tiểu nên bao quy đầu của trẻ thường xuyên tấy đỏ và ngứa ngáy. Thậm chí tiểu ra nước tiểu rất đục và hôi, khiến trẻ có thói quen hay vọc bộ phận sinh dục của mình.
Hẹp bao quy đầu ở trẻ nếu không được điều trị kịp thời sẽ tích tụ các chất bẩn trong nước tiểu và dịch nhầy của đường tiết niệu đọng ở nếp da quy đầu. Đây là môi trường thuận lợi cho vi khuẩn phát triển, gây viêm đường tiết niệu, có thể ảnh hưởng và gây nhiều biến chứng không tốt tới thận.
Về mặt điều trị, nếu như hẹp bao quy đầu không có biến chứng thì cho dù lứa tuổi nào ta cũng nên bắt đầu bằng điều trị bảo tồn không phẫu thuật trước bao gồm nong bao quy đầu và bôi thuốc. Trường hợp thất bại với điều trị bảo tồn thì chúng ta mới cần tới điều trị phẫu thuật.
Thân mến,
BS Phạm Ngọc Thạch
Trích nội dung: BS Phạm Ngọc Thạch GLTT về "Bệnh lý tiết niệu bẩm sinh"
AloBacsi.vn
- nơi bạn có thể trò chuyện, chia sẻ mọi thắc mắc với bác sĩ chuyên khoa.
AloBacsi.vn
giúp bạn giải đáp 1.001 thắc mắc về sức khỏe.
Bạn đọc có thể ghi
kèm số điện thoại để bác sĩ liên hệ khi cần thiết. Chân thành cảm ơn. |
Bài viết có hữu ích với bạn?
Được tìm nhiều:
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình