AloBacsi tư vấn quy trình test thuốc xem có bị dị ứng với kháng sinh
Câu hỏi
Gửi AloBacsi, Con tôi 4 tháng 17 ngày. Khi con tôi được 3 tháng có bị ốm vào viện điều trị với bệnh án viêm thanh quản và viêm phế quản. Sau 2 ngày 3 đêm đã chuyển sang viêm phế quản phổi và BS đã chỉ định tiêm Brulamycin bằng máy bơm tiêm điện trong 30p. Trong khi tiêm 30p con tôi vẫn bình thường và vui đùa. Máy báo hết thuốc gia đình tôi đã đi thông báo BS để rút máy. Nhưng có học viên vào tháo máy và bơm nốt số thuốc còn lại trong ống truyền bằng tay 3 lần, mối lần khoảng 5cm nước thuốc trong ống truyền với tốc độ nhanh. Sau đó con tôi tím tái và ngừng tuần hoàn. Gia đình đã gọi bác sĩ cứu. Sau một lúc hô hấp bằng ấn lồng ngực con tôi sống lại. Gia đình đã chuyển viện cháu lên BV Nhi TW. Sau 10 ngày điều trị viêm phế quản phổi cấp và suy hô hấp bằng kháng sinh Fosmicin, con tôi hoàn toàn không sốc thuốc. Con tôi xuất viện. Bác sĩ Nhi TW có ghi trong y bạ 6 tuần sau làm Test thuốc (để xem con tôi có bị dị ứng với kháng sinh không). Tôi muốn hỏi khi đi làm test thuốc thì theo phác đồ điều trị chung của việc này con tôi có phải nhập viện không, có phải nằm tại viện điều trị dài ngày không. AloBacsi có thể cho tôi biết sơ qua nguyên lý, quy trình chung của công việc test thuốc được không ạ (có tiêm thuốc vào người không, nếu dị ứng thì có xảy ra nghiêm trọng không ạ...) ? Và một vấn đề mong chương trình cũng giải đáp giùm tôi: Giữa tháng 1 con tôi có đi tiêm phòng viêm gan B mũi nhắc lại lần 2 và vacxin 5 trong 1 (bạch hầu - ho gà - uốn ván - bại liệt - viêm màng não mủ, viêm họng, viêm phế quản, viêm phổi do Heamophilus influenzae) và uống phòng bệnh viêm dạ dày do rotavirut mũi 1. Theo lịch hẹn mũi nhắc lại lần 2 là sau đó 1 tháng. Nhưng vì con tôi vừa ốm cháu vẫn chưa đi tiêm nhắc lại lần 2. AloBacsi cho tôi hỏi lịch chậm nhất để con tôi tiêm nhắc lại lần hai còn tác dụng là khi nào? Liệu con tôi có bị ảnh hưởng gì từ sự việc sốc thuốc trước đấy không. Mũi tiêm lần 1 con tôi hoàn toàn bình thường. Mũi nhắc lại lần hai có giống lần 1 về liều lượng không? Tôi xin chân thành cám ơn, rất mong nhận được phản hồi từ AloBacsi. (Quang Huy - Hà Nội)
Trả lời
Chào anh,
Do con anh đã từng bị sốc thuốc do truyền Brulamycin (Tobramycin) nhanh (theo chỉ định là truyền trong 20 – 60 phút) hoặc do dị ứng với Tobramycin. Do đó, sau khi đã điều trị dứt bệnh, bác sĩ hẹn tái khám để test dị ứng thuốc - kiểm tra xem cháu có bị dị ứng với kháng sinh không để đảm bảo an toàn điều trị cho cháu sau này.
Thông thường thì test dị ứng thuốc làm rất đơn giản, và không ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe của cháu và cũng không phải nằm viện điều trị.
Hiện nay, test lẩy da kháng sinh là test khá chính xác, tương đối an toàn và dễ làm để đề phòng sốc phản vệ tại các cơ sở y tế. Nhân viên y tế sẽ nhỏ giọt kháng sinh với nồng độ xác định lên mặt da và nhỏ một giọt nước muối sinh lý gần đó để làm chứng, sau đó dùng kim tiêm vô khuẩn để châm vào 2 giọt trên nhưng không làm chảy máu, sau 20 phút thì kiểm tra kết quả. Dựa trên sự so sánh biểu hiện da tại 2 vị trí, nếu vị trí giọt kháng sinh giống vị trí nhỏ nước muối sinh lý thì cháu không bị dị ứng với kháng sinh đó. Tùy theo mức độ ban sẩn và ngứa, đỏ, xuất huyết tại vị trí test kháng sinh sẽ cho kết quả dương tính mức độ nhẹ, vừa, mạnh hay rất mạnh. Anh có thể yên tâm vì khi test dị ứng thuốc, bác sĩ luôn chuẩn bị sẵn các phương tiện cấp cứu nếu có sốc phản vệ xảy ra.
Về vấn đề tiêm ngừa, AloBacsi cũng xin trả lời anh như sau:
Theo thời gian, lượng kháng thể trong cơ thể sẽ giảm dần và có khi thấp dưới ngưỡng bảo vệ. Liều vắc xin nhắc lại sẽ giúp gợi lại trí nhớ của hệ miễn dịch để tái sản xuất lượng kháng thể mà trước đó đã được tạo ra sau đợt chủng ngừa đầu tiên của trẻ.
Trường hợp cháu có lịch hẹn tiêm nhắc lại lần 2 sau 1 tháng nhưng cháu vừa ốm và do nghỉ tết chưa có điều kiện tiêm nhắc lại. Anh cũng cố gắng đưa cháu tiêm đủ càng sớm càng tốt, khi đó bác sĩ sẽ kiểm tra sức khỏe của cháu và tiếp tục tiêm mũi bị trễ và các mũi tiếp theo theo lịch, liều lượng các mũi thường sẽ giống nhau.
Tình trạng sốc thuốc trước đây liên quan đến kháng sinh hoặc cách tiêm truyền, không liên quan đến thành phần vacxin. Cháu đã được tiêm phòng lần 1 và vẫn an toàn thì anh yên tâm là không có hiện tượng dị ứng hay sốc phản vệ do tiêm nhắc lại.
Nếu sức khỏe cháu ổn định, không có biểu hiện bất thường, không sốt, không bị nhiễm trùng thì không ảnh hưởng gì đến tiêm vacxin lần 2. Và nếu tiêm các loại vacxin mới thì anh nên báo với bác sĩ tiêm về tình trạng dị ứng thuốc của cháu để bác sĩ lưu ý và có sự chuẩn bị kỹ lưỡng hơn trước khi tiêm.
Thân mến,
Th.S Dược Trần Thị Lạc Diệp/ Hasan – Dermapharm
AloBacsi.vn
- nơi bạn có thể trò chuyện, chia sẻ mọi thắc mắc với bác sĩ chuyên khoa.
AloBacsi.vn
giúp bạn giải đáp 1.001 thắc mắc về sức khỏe.
Bạn đọc có thể ghi
kèm số điện thoại để bác sĩ liên hệ khi cần thiết. Chân thành cảm ơn. |
Bài viết có hữu ích với bạn?
Được tìm nhiều:
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình