Hotline 24/7
08983-08983

Xông hơi thải độc da mặt, có hiệu quả như vẫn nghĩ?

Nhiều chị em mách nhau cách làm sạch, trị mụn, thải độc da bằng cách đun nước các loại lá lên để xông. Vì mong hiệu quả nhanh, nhiều người thực hiện liên tục nhưng lại mang họa vào thân.

Người có da nhạy cảm không nên xông hơi da mặt. Ảnh minh họa
Người có da nhạy cảm không nên xông hơi da mặt. Ảnh minh họa

Suýt bỏng lạnh, mụn nở hoa vì xông hơi da mặt

Nghe lời mách của một người bạn sở hữu làn da mặt trắng mịn, chị Quỳnh Hương (30 tuổi, ở Nguyễn Văn Cừ, Long Biên, Hà Nội) đã thực hiện ngay bí quyết: Liên tục xông mặt bằng các loại lá cây như tía tô, lá chanh, ngải cứu, chanh… đun sôi, với mong muốn “thải độc” cho da, đẩy hết các chất bẩn, bụi, đặc biệt là trị mụn, trị vết thâm do mụn gây ra. Chị làm đều đặn hàng ngày, từ gần 1 tháng nay.

Chị Hương nói: “Tôi mua mấy loại rau gia vị như tía tô, kinh giới, ngải cứu, chanh tươi… về rửa sạch, đun sôi sùng sục, cho thêm một ít muối vào rồi bê ra trùm kín đầu xông tầm 30 phút. Mỗi lần xông phải úp mặt cách nồi nước vừa đun nóng khoảng 2 gang tay. Lúc đầu, tôi vẫn nghĩ phải tiếp xúc hơi nóng nhiều thì lỗ chân lông mới nở ra ngay, nên để mặt gần nồi nước, nóng lắm, như phải bỏng”.

Khổ nỗi, sau gần 1 tháng, gương mặt nhiều mụn của chị Hương không chỉ không bớt mụn mà thậm chí còn mọc lên nhiều hơn, hầu hết là mụn bọc, mụn đỏ. Các vết thâm cũ cũng không mờ đi. Chị ngay lập tức ngừng việc xông mặt. Chị đi đến bác sĩ chuyên khoa da liễu khám và áp dụng liệu trình chữa mụn khoa học.

Một trường hợp khác cũng là “nạn nhân” của việc xông hơi da mặt là chị Hoàng Ngân (28 tuổi, ở Linh Đàm, Hoàng Mai, Hà Nội). Chị Ngân da mặt không sáng trắng, ít mụn nhưng lại rất nhạy cảm, hay bị dị ứng nếu dùng loại không phù hợp. “Học lỏm” được chiêu tự xông hơi làm sạch da mặt, chị áp dụng ngay.

Sau khi xông hơi nóng bằng các loại lá khoảng 30 phút, theo chị nói là để giãn nở lỗ chân lông, chị lấy ngay một vốc đá lạnh cho trực tiếp lên mặt để lỗ chân lông se khít lại. Ai ngờ, khi cho lên mặt, da chị ngay lập tức ửng đỏ như bỏng lạnh.

Rút kinh nghiệm, từ các lần sau, chị Ngân chỉ dùng khăn lạnh chườm lên mặt sau khi xông. Nhưng da chị từ chỗ khá ổn trở thành “nham nhở”. Đi khám, các bác sĩ phát hiện ra các bước làm sạch mặt của chị bị sai, do chị không tẩy trang sau khi bôi kem chống nắng, chỉ rửa mặt thông thường rồi xông mặt, da sẽ bít tắc gây mụn.

Xông hơi làm giãn nở lỗ chân lông chỉ mang tính tức thì

BS.CK2 Nguyễn Đức Long - nguyên Trưởng khoa Da liễu (BV Trung ương Huế) cho biết, việc xông hơi, làm ấm da mặt có tác dụng làm tăng lưu lượng máu đến da (da hồng đỏ hơn), làm cho da được thư giãn.

Tuy nhiên, TS Long cũng cho rằng, với mức nhiệt độ của hơi nóng từ nồi nước xông, hay máy phun xông, tác dụng làm giãn nở lỗ chân lông như mọi người vẫn nghĩ thì chỉ là tạm thời, rất nhanh chóng. Đó là do lỗ chân lông được cấu tạo bởi cấu trúc khá vững chắc bởi các tế bào sừng và chất sừng bện chặt nhau. Dưới lỗ chân lông là nang lông và tuyến bã.

Trong đó, nang lông là phần bọc vào dưới chân lông, tóc (phần màu trắng trong có thể quan sát khi nhổ tóc, lông), nuôi dưỡng cho lông, tóc phát triển. Việc co giãn nang lông bị chi phối bởi cơ giúp sợi lông dựng lên hay nằm xuống.

Với tác động “chốc lát”, tạm thời của hơi nóng, chất bã nhờn và các hạt ô nhiễm trong nang lông, tuyến bã đóng thành một khối chặt ở bên dưới nang lông với cấu trúc sừng rất dày, không đủ để đẩy những “chất độc” lên bề mặt da.

“Tương tự, khi làm lạnh sau xông da mặt bằng đá lạnh hay đắp khăn với mong muốn se khít lỗ chân lông cũng không có tác dụng như chúng ta vẫn nghĩ. Việc se khít này chỉ mang tính tạm thời, da ngay lập tức lại giãn nở lỗ chân lông lại như cũ”, BS Long nói.

Theo BS.CK2 Nguyễn Đức Long, việc thực hiện xông hơi làm đẹp da, trị mụn… chỉ nên thực hiện nhiều nhất là 2 lần/tuần, mỗi lần chỉ nên từ 10-15 phút, với mức nhiệt độ chỉ khoảng từ 30-35oC. Việc thực hiện thường xuyên (ngày nào cũng làm) có thể khiến da bị khô, thô ráp, mất nước do cơ thể hấp thu nhiệt nóng tiết nhiều mồ hôi nhằm điều hòa thân nhiệt.

BS Long đặc biệt khuyến cáo, với những người có da nhạy cảm (như những người hay bị dị ứng, nổi mẩn vùng da mặt) không nên xông hơi, tránh bị tổn thương. Với những người bị lỗ chân lông to, da bị mụn, có bệnh lý về nang lông, tuyến bã cũng nên hạn chế xông hơi da mặt.

“Quan trọng hơn là trước khi xông hơi, da mặt phải được làm sạch, bằng cách tẩy trang lớp trang điểm, kem chống nắng, tẩy da chết bằng rửa sữa rửa mặt. Nếu không, lỗ chân lông vừa chỉ hé ra cũng đủ khiến đẩy ngược các chất bẩn vào ngược trong nang lông, gây bít tắc, da mặt càng thêm có mụn”, BS Long cho hay.

Khi xông hơi da mặt xong, tuyệt đối không được dùng khăn khô lau kỹ mặt do các tế bào sừng của da đang mềm (do có hơi nóng), dễ bong tróc. Việc lau kỹ bằng khăn khô khiến da bị tổn thương bề mặt, sần sùi. Thay vào đó, phải thấm khô da bằng bông gòn mềm, sạch.

Ngoài ra, tránh tuyệt đối việc đắp ngay đá lạnh massage mặt ngay, có thể khiến da bị bỏng lạnh do “sốc nhiệt”. Cần phải đợi da “nguội” mới chườm khăn lạnh lên mặt. BS Long cho biết, trong quá trình khám chữa bệnh, không ít người bị bỏng da vì nghĩ đá lạnh có thể làm se khít ngay lỗ chân lông đang nở ra nên chườm hẳn cả túi đá lên mặt.

Các bác sĩ cho rằng, các loại lá (như kinh giới, tía tô, sả…) được nhiều người dùng để xông mặt thường có thành phần tinh dầu cao.

Tuy nhiên, việc chiết tách tinh dầu khi đun sôi lá lên không dễ đến thế, hơi nước bốc lên phả vào da không hoàn toàn có thể được da thẩm thấu, chỉ khiến da dễ chịu, thư giãn hơn. Chưa có tài liệu nào khẳng định các loại lá như trên có thể trị mụn, sáng da.

BS Nguyễn Đức Long đặc biệt khuyến cáo, với những người có da nhạy cảm (như những người hay bị dị ứng do mỹ phẩm, thuốc, nổi mẩn vùng da mặt) không nên xông hơi, tránh bị tổn thương.

Trước khi xông hơi, da mặt phải được làm sạch, bằng cách tẩy trang lớp trang điểm, kem chống nắng, tẩy da chết, rửa sữa rửa mặt. Thông thường chỉ nên thực hiện nhiều nhất 2 lần/tuần, 10-15 phút/lần, với mức nhiệt độ khoảng 30-35oC.


Theo Thu Nguyên - Gia đình và Xã hội

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X