Hotline 24/7
08983-08983

Vụ giải cứu đội bóng nhí "Lợn hoang": 4 bài học xúc động

18 ngày đội bóng nhí "Lợn hoang" bị mắc kẹt trong hang động Tham Luang là những ngày người dân thế giới nhìn thấy nhiều sức mạnh và bài học ở sự việc này. Hiện tại, mọi việc đã tốt đẹp nhưng xoay quanh nó là nhiều bài học đáng nhớ.

Ngày 23/6, trong một chuyến dã ngoại, đội bóng nhí "Lợn hoang" đã bị mắc kẹt trong hang động và cho đến ngày 2/7, 2 thợ lặn chuyên nghiệp người Anh mới tìm thấy được các cầu thủ. Hiện tại, sau rất nhiều cố gắng, đội bóng đã được giải cứu trong niềm xúc động của người dân toàn thế giới.

Sau cuộc giải cứu này, nhiều người nhận ra nhiều bài học quý giá và cảm động.

Sức mạnh tập thể

Hành trình giải cứu 12 chú "lợn hoang" và một HLV đã khiến nhiều người hiểu được rõ nhất sức mạnh của sự đoàn kết. Không chỉ vậy, đó còn là sức mạnh của tình người, lòng nhân ái. Trong một bài viết trên CNN, Jay Parini, giảng viên Đại học Middlebury, Mỹ, cho rằng trong suốt hai tuần tìm kiếm và cứu nạn ở hang Tham Luang, các thợ lặn không chỉ thể hiện sự can đảm tuyệt vời mà còn cả những kỹ năng đáng kinh ngạc.


Sức mạnh tập thể được khắc họa bằng tranh vẽ trong cuộc giải cứu đội Lợn hoang.

Sức mạnh tập thể được khắc họa bằng tranh vẽ trong cuộc giải cứu đội "Lợn hoang".

Khó có thể tưởng tượng được mức độ khó khăn của công việc giải cứu, khi các hoạt động phải tiến hành sâu dưới lòng đất, trong những ngách hang vô cùng hẹp đầy vách đá lởm chởm, dòng nước chảy xiết và nước đục đến mức gần như không nhìn thấy gì.

Trong cuộc giải cứu này đã có 7 nước bao gồm Anh, Mỹ, Australia, Nhật Bản, Trung Quốc, Myanmar, Lào cử các chuyên gia đầy kinh nghiệm tới trợ giúp Thái Lan, khiến số người tham gia chiến dịch giải cứu lên tới hơn 1.000 người. Nỗ lực này cho thấy thế giới vào một thời điểm nào đó hoàn toàn có thể hợp tác tích cực vì một mục tiêu chung.

Và hành trình giải cứu trong hang Tham Luang không có sự phân biệt màu da, quốc tịch, tôn giáo hay giới tính, cũng không có sự nghi ngờ về chuyên môn của nhau. Dù vẫn còn rào cản ngôn ngữ, đội cứu hộ đã làm việc một cách đoàn kết và đầy tình người để hướng tới mục tiêu cuối cùng là đưa các thiếu niên mắc kẹt trở về với bố mẹ.

Sức mạnh tự thân

Đội "Lợn hoang" bị mắc kẹt trong vòng 18 ngày và phải đối mặt với nhiều thách thức hiểm nguy. Đầu tiên, họ phải đối mặt với vấn đề sống còn đó là thức ăn và nước. Được biết, khi đi vào cả đội đã không mang theo bất cứ thứ gì vì họ không thể ngờ được rằng tất cả đều bị mắc kẹt. Nhờ sự tập luyện dẻo dai cùng thể lực tốt nên họ đã cố gắng chống chọi được.


Chính sức khỏe và tinh thần tốt đã cứu chính bản thân các cầu thủ.

Chính sức khỏe và tinh thần tốt đã cứu chính bản thân các cầu thủ.

Thêm vào đó, nhờ HLV là trụ cột về tinh thần cũng như đã dạy các em bộ môn thiền nên tinh thần của toàn đội rất tốt và nhờ sức mạnh ấy nên họ mới vượt qua được khó khăn và không nao núng trước tình thế hiểm nghèo.

Học cách không đổ lỗi

Công cuộc giải cứu các cầu thủ nhí đã gặp phải rất nhiều gian nan và không thể tránh khỏi những phút mệt mỏi. Thậm chí đã có một thợ lặn hy sinh và để lại quá nhiều đau xót cho người ở lại. Tuy nhiên, người vợ của thợ lặn này đã nói không với việc đổ lỗi.


Người thợ lặn hy sinh trong cuộc giải cứu nhưng vợ anh nói với các cầu thủ: Đừng tự trách mình vì sự việc đáng tiếc này.

Người thợ lặn hy sinh trong cuộc giải cứu nhưng vợ anh nói với các cầu thủ: "Đừng tự trách mình vì sự việc đáng tiếc này".

Được biết, trên các phương tiện truyền thông Thái Lan, có một số luồng ý kiến cho rằng đội bóng nhí đã quá liều lĩnh và bất cẩn nên đã gây ra hậu quả như vậy. Nhiều người cho rằng, cái chết của thợ lặn Kunan là do sự bất cẩn này. Tuy nhiên, vợ của anh lại trấn an các cầu thủ nhí: "Tôi muốn nói với các cầu thủ nhí rằng, xin đừng đổ lỗi cho chính mình, các con đừng trách chính mình".

Ngoài ra, theo giảng viên Parini, việc tất cả đặt lợi ích của những đứa trẻ lên đầu tiên là hành động đáng ngưỡng mộ. Ai cũng từng mắc lỗi và đôi khi hàng nghìn người phải nỗ lực để bù đắp cho lỗi lầm đó. Dư luận Thái Lan và quốc tế hầu như không trách móc những đứa trẻ đi vào hang Tham Luang trong mùa mưa, mở đầu cho một trong những chiến dịch cứu nạn quy mô nhất thế giới.

Cùng nhau dọn dẹp hiện trường, hồi phục hang Tham Luang


Mọi người đang thực hiện công việc khôi phục hang Tham Luang.

Mọi người đang thực hiện công việc khôi phục hang Tham Luang.

Người Thái nổi tiếng trong các hoạt động du lịch và họ sống nhờ vào những hang động. Chính vì vậy, trong cuộc giải cứu đội "Lợn hoang" họ đã cố gắng vừa cứu hộ vừa giữ gìn môi trường xung quanh hang động.

Được biết, hang Tham Luang là một phần công viên núi rừng Doi Nang Non, trải dài trên diện tích khoảng 5.000 rai (đơn vị đo của Thái Lan). Nằm cách mực nước biển 453 m, Tham Luang là một quần thể hang động đá vôi lớn, ngự ngay lối vào là một hang lớn. Quần thể này có nhiều thạch nhũ, măng đá và ba hang động nhỏ hơn.

Hiện tại, toàn bộ lực lượng cứu hộ lẫn người dân đang tích cực dọn dẹp để trả lại môi trường trong lành nguyên sơ cho hang Tham Luang.

Theo Đỗ Quyên - Gia đình và Xã hội

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X