Hotline 24/7
08983-08983

Viêm phổi không rõ căn nguyên tại Vũ Hán, Trung Quốc

Ngày 31/12/2019, văn phòng tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Trung Quốc được báo cáo về các ca viêm phổi không rõ căn nguyên tại thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc.

Đến ngày 3/1/2020, số ca được các nhà cầm quyền Trung Quốc thông báo với WHO là 44, trong đó có 11 ca ở tình trạng nguy hiểm. Tất cả các bệnh nhân đều được cách li và điều trị tại bệnh viện Vũ Hán.

Triệu chứng bệnh chủ yếu là sốt, một số ít có khó thở, và XQ ngực có tổn thương xâm lấn ở cả 2 phổi. Theo nhà chức trách một số bệnh nhân là thương nhân hoặc người buôn bán lẻ trong khu chợ thương mại của thành phố.

Thông tin ban đầu của nhóm nghiên cứu Trung Quốc cho biết hiện chưa có bằng chứng truyền bệnh từ người sang người và chưa có ca bệnh nào là nhân viên y tế.

Chính quyền thành phố Vũ Hán đã đóng cửa một chợ thương mại để vệ sinh và khử nhiễm.

Nguyên nhân gây bệnh hiện chưa được xác định hoặc khẳng định, tuy nhiên Uỷ ban sức khoẻ thành phố Vũ Hán đã loại trừ các căn nguyên virus cúm, cúm gia cầm, adenovirus và một số bệnh hô hấp phổ biến.

Theo bác sĩ Gauden Galea, đại diện WHO tại Trung Quốc, “tại thời điểm này chưa khẳng định hoặc loại trừ là một hội chứng viêm đường hô hấp cấp nặng do coronavirus”.

Căn cứ vào các thông tin được công cấp bởi các nhà chức trách Trung Quốc, WHO khuyến cáo vẫn áp dụng các biện pháp sức khoẻ cộng đồng và dự phòng với nhiễm virus cúm và viêm đường hô cấp nặng. WHO cũng cho rằng không nên áp dụng bất kỳ giới hạn nào trong du lịch và thương mại với Trung Quốc dựa trên các thông tin hiện có.

BBộ y tế Singapore cho hay, kết quả điều tra dịch tễ học, lâm sàng và xét nghiệm khẳng định bé gái 3 tuổi bị viêm phổi sau khi đi du lịch ở Vũ Hán cho thấy không có liên quan với chùm ca bệnh viêm phổi ở Vũ Hán. Kết quả cũng khẳng định âm tính với virus SARS và virus cúm Trung Đông MERS-CoV. Căn nguyên được khẳng định là virus hợp bào đường hô hấp (Respiratory Syncytial Virus), là một căn nguyên phổ biến gây viêm đường hô hấp trẻ em.

Liên quan đến bệnh cúm mùa tại Việt Nam, theo số liệu của Cục Y tế dự phòng trung bình hàng năm số ca mắc mới khoảng 800.000, riêng năm 2019 số ca mắc cúm khoảng 400.000, thấp hơn nhiều so với trung bình hàng năm và thấp hơn 15% so với năm 2018 và chưa ghi nhận chủng virus cúm mới.

Hiện nay, thời tiết đang là mùa đông, nhất là đối với miền Bắc, khí hậu lạnh ẩm, nhiệt độ thay đổi thất thường tạo điều kiện thuận lợi cho vi rút cúm dễ dàng phát triển và lan truyền; cùng với ô nhiễm môi trường tăng cao điều kiện đi lại, giao thương ngày càng gia tăng giữa các khu vực, vùng miền và trên thế giới, vì vậy làm tăng nguy cơ mắc bệnh cúm. Dự báo trong thời gian tới, số mắc bệnh cúm có thể ghi nhận gia tăng trên toàn quốc, nhất là trong mùa đông xuân và dịp Tết nguyên đán, lễ hội tập trung đông người.

Để chủ động phòng chống bệnh cúm, Bộ Y tế khuyến cáo người dân thực hiện tốt các biện pháp phòng ngừa sau đây:

1. Đảm bảo vệ sinh cá nhân, che miệng khi hắt hơi; thường xuyên rửa tay với xà phòng với nước sạch; vệ sinh mũi, họng hàng ngày bằng nước muối.

2. Giữ ấm cơ thể, ăn uống đủ chất dinh dưỡng để nâng cao thể trạng.

3. Tiêm vắc xin cúm mùa để tăng cường miễn dịch phòng chống cúm.

4. Hạn chế tiếp xúc với bệnh nhân cúm hoặc các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh khi không cần thiết; Sử dụng khẩu trang y tế khi cần thiết.

5. Người dân không nên tự ý mua thuốc và sử dụng thuốc kháng vi rút (như thuốc Tamiflu) mà cần phải theo hướng dẫn và có chỉ định của thầy thuốc.

6. Khi có triệu chứng ho, sốt, sổ mũi, đau đầu, mệt mỏi cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, xử trí kịp thời.

(Thông tin bài viết được khai thác từ báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới, Bộ Y tế Singapore và Cục Y tế dự phòng Việt Nam)

TS.BS Bùi Tiến Sỹ - Khoa Vi sinh vật

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X