Hotline 24/7
08983-08983

Viêm gan C: biết thường đã muộn

Không được biết nhiều như viêm gan siêu vi B, nhưng viêm gan siêu vi C lại đáng sợ hơn vì phần lớn bệnh diễn ra âm thầm.

Sau khi nhiễm siêu vi C, 55 - 85% người bệnh chuyển sang viêm gan mạn, trong số này 15 - 20% bị xơ gan, 5% bị ung thư gan trong 20 năm sau đó.

Không tin mắc bệnh

Chiều 10/7, tại khoa khám bệnh theo yêu cầu BV Bệnh nhiệt đới TPHCM, BS.CKII Lê Thanh Phuông thoáng buồn khi nhìn kết quả siêu âm gan của bà N.T.X, 62 tuổi, đến từ Tiền Giang.

"Bác có biết mình bị viêm gan C giờ chuyển sang u gan không?", BS Phuông hỏi. Bà X. trả lời: "Cách đây năm năm, tôi chữa viêm gan vài tháng rồi bỏ, không ngờ giờ đây bị lại. Liệu đây có phải là u ác tính không, thưa bác sĩ?" "Tôi gửi bác sang BV Chợ Rẫy, ở đó bác sĩ làm thêm xét nghiệm và trả lời. Nhưng tôi linh tính đây là chuyện không lành", BS Phuông nhận định. Ông nói với tôi: "Nguy hiểm nhất của viêm gan C là phần lớn bệnh nhân khi biết thì đã muộn".

Bà X. không phải cá biệt. Ngồi chờ trước phòng khám số 4, T.T.B, 54 tuổi, từ huyện Chợ Mới (An Giang), nói: "Tôi không biết viêm gan C là gì. Năm trước xét nghiệm máu, bác sĩ nói tôi mắc bệnh, tôi ngạc nhiên vì trong người chẳng có triệu chứng gì. Nhưng còn may, vì gan mới bị xơ nhẹ".

Là một căn bệnh mới được y học nhận diện từ thập niên 1990, nên cũng dễ hiểu khi viêm gan C không được người dân biết nhiều. So với viêm gan B, viêm gan C không "đình đám" vì chưa có vắcxin phòng ngừa.

Theo ước tính của tổ chức Y tế thế giới (WHO), cả thế giới có 150 - 200 triệu người mang siêu vi C mạn tính và mỗi năm cứ 100.000 người có 1 - 3 người mới mắc bệnh.

PGS.TS.BS Cao Minh Nga, trưởng bộ môn vi sinh, ĐH Y dược TPHCM, cho tôi một so sánh giữa viêm gan B và C: "Ở nước ta tỷ lệ mắc trong cộng đồng (5 - 9%) thấp hơn viêm gan B (10 - 15%), tưởng chừng viêm gan C không nguy hiểm, nhưng thực tế nó có một số khía cạnh đáng lo hơn vì không có vắcxin phòng ngừa, tỷ lệ diễn tiến xa nhiều hơn, triệu chứng thường âm thầm hơn. Hiếm khi người ta nói đến viêm gan C cấp, nghĩa là bệnh phát ra "ồn ào", ai cũng thấy được"

Cảnh giác đường lây truyền

Theo BS Nga, cả ba bệnh HIV/AIDS, viêm gan B và C đều có những đường lây giống nhau là truyền máu, tiêm chích ma tuý, tình dục, mẹ sang con… nhưng mỗi bệnh có một đường lây ưu thế.

Với HIV/AIDS là đường tình dục và tiêm chích ma tuý, viêm gan B là từ mẹ sang con, còn viêm gan C là qua đường máu. Nhưng trong viêm gan C, người ta còn lưu ý một số cách lây nhiễm là do châm cứu, xăm mình, xỏ lỗ tai, dùng chung bàn chải đánh răng hay dao cạo râu với bệnh nhân.

Đường lây nhiễm viêm gan C trong bệnh viện cũng đáng quan tâm như phẫu thuật hoặc thực hiện các thủ thuật nội soi, sinh thiết, chữa răng khi nhân viên y tế sử dụng dụng cụ không tiệt trùng đầy đủ.

Cũng chiều 10/7, tại BV Bệnh nhiệt đới TPHCM, tôi có dịp nghe anh N.T.H, 38 tuổi, đến từ Khánh Hoà, chia sẻ: "Năm trước đi khám sức khoẻ định kỳ tôi mới biết mình bị viêm gan C. Sử dụng phác đồ điều trị tốt nhất, lần này tôi vào khám lần cuối vì bác sĩ nói tôi đã hết bệnh". "Anh biết mình lây qua đường nào không?", tôi hỏi. H. trả lời: "Tôi sống lành mạnh và chưa truyền máu lần nào. Tôi nghĩ mình lây bệnh sau lần nội soi bao tử hồi năm 2012. Nhưng xem như xui xẻo, giờ trách ai được".

"Khoảng 20 - 40% bệnh nhân viêm gan C không ghi nhận đường lây rõ ràng", BS Phuông nói sau khi khám xong một trường hợp bé gái 12 tuổi mắc viêm gan C. "Trường hợp này tôi hỏi kỹ, bé không lây qua đường mẹ con".

Do phần lớn người nhiễm siêu vi C không hay biết mình bị bệnh vì không có triệu chứng gì, nên để biết có bị hay không, nhà chuyên môn khuyên người dân nên tầm soát bệnh định kỳ hàng năm.

Còn khi mắc bệnh, bệnh nhân cũng nên đến bác sĩ chuyên khoa để được theo dõi định kỳ tình trạng sức khoẻ của gan bằng cách làm một số xét nghiệm về gan như men gan.

Đáng lưu ý là trong viêm gan C mạn tính, men gan có thể thay đổi bất thường khi tăng cao, khi giảm về mức bình thường, nên nếu thấy men gan bình thường không có nghĩa là bệnh đã khỏi mà phải theo dõi mỗi tháng, ít nhất ba lần liên tục mới có thể đánh giá chính xác.

Bệnh nhân viêm gan C không nên uống rượu

Nhiều nghiên cứu cho thấy uống rượu khi bị viêm gan C sẽ dẫn đến nhiều nguy cơ cho sức khoẻ. Nghiên cứu năm 1997 đăng trên Lancet cho thấy dùng 50g rượu/ngày sẽ làm tăng nguy cơ xơ gan cổ chướng.

Nghiên cứu năm 2000 công bố trên JAMA cũng cho thấy uống ba ly rượu hay nhiều hơn mỗi ngày sẽ khiến gan dễ xơ. Ngoài ra rượu cũng làm giảm hiệu quả điều trị của Interferon, khiến bệnh khó chữa hơn.

Theo Bình Yên - Thế giới tiếp thị

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X