Hotline 24/7
08983-08983

Vì sao không khởi tố vụ xe khách tông chết hai đứa trẻ?

Tài xế có bằng lái xe dưới 9 chỗ mà lại chạy xe khách chở 29 người. Xe mất thắng, gây tai nạn liên hoàn làm 2 trẻ tử vong nhưng cơ quan điều tra không khởi tố vụ án.

Chị Lê Thị Kim Chung bên di ảnh của hai con - Ảnh: B.SƠN

Trước dư luận về việc Công an thị xã Dĩ An không khởi tố để điều tra vụ tai nạn làm 2 chị em bé gái (10 tuổi và 2 tuổi) trong một gia đình tử vong và một số người bị thương, trao đổi với Tuổi Trẻ, đại tá Trần Văn Chính - phó giám đốc Công an tỉnh Bình Dương cho biết ngay trong ngày 23/11 công an tỉnh đã yêu cầu công an thị xã chuyển hồ sơ lên tỉnh xem xét.

"Đây là vụ việc dư luận quan tâm, lãnh đạo tỉnh có chỉ đạo nên chúng tôi sẽ xem xét kỹ, khách quan, đảm bảo thấu tình đạt lý"- đại tá Chính nói.

Nạn nhân không có lỗi

“Không chỉ tôi bị mang thương tật mà còn mất đi cả hai đứa con rứt ruột đẻ ra. Tôi mong vụ tai nạn được làm sáng tỏ để mang lại công bằng cho gia đình chúng tôi" - Chị Lê Thị Kim Chung (mẹ của 2 nạn nhân).

Những ngày này, chị Lê Thị Kim Chung (30 tuổi, mẹ của hai bé tử vong Nguyễn Thị Ngọc Lan 10 tuổi và Nguyễn Thị Thanh Nga 2 tuổi) chưa hết bần thần và phiền muộn. Chị Chung không chỉ mất 2 con, bản thân chị cũng bị gãy xương sườn, giập phổi, gãy xương cánh chậu...

Vụ tai nạn xảy ra chiều 13/2, chị Chung đi xe máy chở hai con đi trên đường Mỹ Phước Tân Vạn, đoạn qua phường Tân Bình, thị xã Dĩ An.

Khi xe của chị Chung dừng đèn đỏ tại ngã tư thì bất ngờ xe khách 29 chỗ do tài xế Nguyễn Thái Dương (37 tuổi, quê Hậu Giang) điều khiển lao lên từ phía sau, tông vào xe của mẹ con chị và 3 xe máy khác, xe chỉ dừng lại khi tông vào một trụ đèn và bị kẹt vào rãnh cống thoát nước bên đường. Trước đó, chiếc xe này đã tông vào 1 xe bán tải và 1 xe tải.

Hậu quả của vụ tai nạn làm 2 con của chị Chung chết tại chỗ, chị Chung bị thương tật 53%, một phụ nữ khác bị thương tật 50%...

Nhận được tin báo, Công an thị xã Dĩ An lập tức đến khám nghiệm hiện trường, điều tra vụ tai nạn nhưng 6 tháng sau thì ra quyết định không khởi tố vụ án.

Hiện trường vụ tai nạn ngày 13/2 - Ảnh: XUÂN AN

Nhiều vấn đề cần làm rõ

Căn cứ để cơ quan điều tra không khởi tố vụ án đối với tài xế xe 29 chỗ xuất phát kết luận giám định của Sở GTVT tỉnh Bình Dương.

Bản kết luận nêu: "Hệ thống phanh chính của xe trước và sau tai nạn không đảm bảo an toàn kỹ thuật theo quy định" (kết luận số 01/2017 ngày 22/2/2017 của Sở GTVTtỉnh Bình Dương).

Từ đó, Công an thị xã Dĩ An cho rằng tai nạn xảy ra do "mất phanh" dẫn tới việc tài xế không giảm được tốc độ xe, đây là nguyên nhân khách quan.

Việc tài xế chưa có bằng lái xe 29 chỗ mà vẫn điều khiển xe không phải là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến tai nạn nên không đủ yếu tố cấu thành tội phạm. Viện KSND thị xã Dĩ An cũng đồng tình với quan điểm này.

Theo tìm hiểu, lúc đầu tài xế khai nhận có bằng lái xe hạng D (đủ điều kiện lái xe 29 chỗ), khi công an xác minh thì tài xế chỉ có bằng lái xe B2 (chỉ được lái xe 9 chỗ ngồi trở xuống).

Trong văn bản trả lời khiếu nại tố cáo, Công an thị xã Dĩ An cho rằng tài xế "biết điều khiển xe khách loại 29 chỗ ngồi nhưng chỉ có giấy phép lái ôtô hạng B2" là rất mập mờ.

Việc tài xế có điều khiển được xe 29 chỗ hay không phải thông qua sát hạch và phải được Sở GTVT cấp phép, còn việc công an nói tài xế "biết điều khiển xe 29 chỗ ngồi" là mơ hồ, không rõ dựa vào quy định nào của pháp luật.

Đối với chủ xe khách là ông Trần Thanh Giống (32 tuổi, quê Hậu Giang), xác minh của công an cho thấy ông Giống mua ôtô 29 chỗ của một người khác nhưng chưa sang tên.

Ông Giống kinh doanh chở hành khách từ Bạc Liêu đến Bình Dương và ngược lại. Chặng Bạc Liêu - Hậu Giang, ông Giống thuê một tài xế khác, chặng Hậu Giang - Bình Dương thuê tài xế Nguyễn Thái Dương.

Công an thị xã Dĩ An cho rằng mới chỉ xác định chủ xe có vi phạm hành chính là mua xe chưa sang tên, kinh doanh vận tải hành khách khi chưa đăng ký.

Theo luật sư Nguyễn Văn Đức (Đoàn luật sư TPHCM), điều quan trọng là cần xem xét trách nhiệm của chủ xe khi giao xe cho một người không đủ điều kiện lái xe khách 29 chỗ.

Về vấn đề này, thượng tá Võ Văn Hồng - trưởng Công an thị xã Dĩ An - cho biết "cơ quan điều tra vẫn đang tiếp tục xác minh, thu thập tài liệu, chứng cứ để xử lý chủ xe theo quy định pháp luật".

Cả tài xế lẫn chủ phương tiện đều có lỗi

Đó là ý kiến của bà Nguyễn Thị Thu Thủy - nguyên phó chánh tòa hình sự TAND TPHCM.

Bà Thủy cho rằng lỗi của tài xế là không có giấy phép lái xe khi tham gia giao thông. Các tình huống không có giấy phép lái xe phù hợp, có giấy phép lái xe phù hợp nhưng giấy phép đang bị cơ quan chức năng tạm giữ thì vẫn phải xác định là không có giấy phép lái xe.

Người được cấp giấy phép lái xe phải được học Luật giao thông đường bộ. Người lái xe phải biết trước khi cho xe lưu thông là phải kiểm tra kỹ thuật xe: kèn, đèn, thắng cũng như các điều kiện an toàn khác.

Bà Thủy nhấn mạnh trong vụ này 2 nạn nhân không có lỗi, chị Chung không có lỗi bởi đang dừng đèn đỏ và đậu đúng phần đường.

Các nạn nhân bị tước đoạt sinh mạng là do tài xế ôtô, chủ phương tiện để người không đủ điều kiện lái xe. Cho nên cần xem lại việc không khởi tố, không thể cho rằng chỉ là lỗi khách quan.

Luật sư Trần Bá Học (Đoàn luật sư TPHCM) thì nói kết luận mất thắng là hệ quả của nhiều nguyên nhân khác nhau. Trong đó có thể là do tài xế chạy nhanh không giữ khoảng cách an toàn nên phải thắng gấp làm mất phanh, phanh lâu ngày không được kiểm tra, bảo dưỡng...

Cá nhân luật sư Học nhận định lỗi cơ bản trong vụ án này là do tài xế không có giấy phép lái xe. Bởi lẽ khi không có giấy phép lái xe đủ điều kiện thì người điều khiển sẽ không hiểu biết đầy đủ phương tiện mình sử dụng.

Ngoài ra, chủ phương tiện biết tài xế không có giấy phép lái xe phù hợp mà vẫn giao xe cho người này điều khiển là có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự, không thể không chịu trách nhiệm.

Hoàng Điệp


Không khởi tố là trái luật!

Luật sư Nguyễn Kiều Hưng - Ảnh: H.Đ
Dấu hiệu hình sự và căn cứ khởi tố vụ án vụ tai nạn giao thông làm chết hai chị em ở Bình Dương, theo tôi là khá rõ, cơ quan chức năng không khởi tố vụ án là không khách quan và trái luật.

Đó là chưa kể vụ tai nạn xảy ra từ tháng 2, nhưng đến tháng 11 cơ quan điều tra mới kết luận là quá chậm so với quy định của Bộ luật tố tụng hình sự.

Về nội dung kết luận, lý do mà cơ quan điều tra cho rằng hành vi gây tai nạn của tài xế do "mất phanh" là yếu tố khách quan nên không cấu thành tội phạm. Đó là một lập luận không có cơ sở pháp lý, trái với khoa học luật hình sự.

Trong vụ án này, với hệ thống lỗi như ôtô không có giấy phép kinh doanh vận tải hành khách, hệ thống phanh chính không đảm bảo an toàn, tài xế không có giấy phép lái xe phù hợp thì có thể coi trở thành nguy cơ gây hậu quả nguy hại cho xã hội.

Đây là nguy cơ buộc chủ xe và tài xế phải nhận thức được, cho dù nhìn thấy (lỗi vô ý vì quá tự tin) hay không nhìn thấy (lỗi vô ý do cẩu thả) cũng phải chịu trách nhiệm hình sự về hậu quả.

Theo tôi, nguyên nhân "mất phanh" không phải là "yếu tố khách quan" như cơ quan điều tra kết luận, mà là hệ quả của nhiều yếu tố khác.

Để bộ phận phanh không đảm bảo (như kết luận), tức là tài xế không đủ kiến thức, kỹ năng, kỹ thuật nhằm xác định độ an toàn của loại xe mà mình không có giấy phép điều khiển. Như vậy là hoàn toàn có mối quan hệ nhân quả với một hệ thống lỗi của tài xế và chủ xe.

Từ đó có thể nhận định hành vi của tài xế cấu thành tội "vi phạm quy định về điều khiển giao thông đường bộ" quy định tại điều 202 BLHS.

Hành vi của chủ xe có dấu hiệu của tội "đưa vào sử dụng các phương tiện giao thông đường bộ không bảo đảm an toàn" (điều 204 BLHS) và tội "điều động hoặc giao cho người không đủ điều kiện điều khiển các phương tiện giao thông đường bộ".

Trong các vụ tai nạn giao thông, lỗi hay không lỗi, lỗi thuộc về ai hay lỗi hỗn hợp thì hoàn toàn phụ thuộc vào nhận xét, đánh giá của cơ quan điều tra trên cơ sở chứng cứ mà cảnh sát giao thông cung cấp.

Quy trình này thiếu sự giám sát của luật sư nên rất khó để xác định kết luận có khách quan hay không.

Khi xảy ra vụ việc thì các luật sư chưa thể tiếp cận vụ tai nạn ngay, bởi chưa có khởi tố vụ án. Ngay cả khi có kết luận không khởi tố vụ án, gia đình nạn nhân muốn mời luật sư hay tự mình khiếu nại thì cũng không thể tiếp cận hồ sơ vụ tai nạn để làm căn cứ khiếu nại, tố cáo. Những vụ như vậy thường rơi vào bế tắc, nạn nhân thấy oan ức mà không biết kêu ai.

Nhằm khắc phục tình trạng đó, Bộ luật hình sự 2015 "mở cửa" cho phép luật sư tham gia từ giai đoạn tiền tố tụng, tức ngay cả khi vụ án chưa được khởi tố.

Với quy định này, hi vọng luật sư sẽ được tiếp cận ngay các vụ việc có dấu hiệu hình sự như là một kênh để giám sát sự khách quan của các hoạt động tố tụng.

Luật sư Nguyễn Kiều Hưng (Đoàn luật sư TPHCM)


Theo Bá Sơn - Tuổi trẻ

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X