Vị bác sĩ “thần đèn” có tài di chuyển các khóa học quốc tế về Việt Nam
Khóa đào tạo thực hành can thiệp thần kinh - đột quỵ trên động vật đầu tiên tại Việt Nam là một phần tâm huyết suốt 10 năm nay của bác sĩ “thần đèn” - TS.BS Trần Chí Cường, người góp công rất lớn trong việc “di chuyển” các chương trình đào tạo quốc tế về Việt Nam.
Mong muốn nâng tầm y tế Việt Nam ở mức cao hơn, khát khao y tế Việt Nam cũng có một chuyên ngành phát triển, bắt kịp, thậm chí là tốt hơn nhiều so với các nước, Việt Nam cũng có những trung tâm đào tạo đạt chuẩn quốc tế, bác sĩ các nước về đây thực hành... chính là động lực để TS.BS Trần Chí Cường bất chấp khó khăn đưa các khóa học quốc tế về Việt Nam.
Xa xôi, lạnh giá của người tiên phong
Để đưa được những khóa học đạt chuẩn quốc tế, tập trung đào tạo chuyên sâu về thực hành trên động vật và thảo luận ca lâm sàng thực tế từ các chuyên gia đầu ngành trên thế giới trong lĩnh vực can thiệp thần kinh, đột quỵ không hề dễ dàng.
Trong khu vực, chưa nước nào làm được điều này. Đây là chương trình đào tạo mà anh và các cộng sự “di chuyển” từ châu Âu về Việt Nam trên nền tảng hợp tác rất tốt với Hội Đột quỵ châu Âu, được công nhận bởi Hội Can thiệp thần kinh thế giới, Hội Đột quỵ châu Âu, Hội Can thiệp mạch máu Thụy Sỹ...
Lớp học mùa đông (Stroke Winter School) đầu năm 2019 chào đón BS Cường với cái lạnh âm 5 độ C tại sân bay Zurich (Thụy Sỹ) - Ảnh tư liệu
Anh bộc bạch: “Khó khăn lớn nhất đối với lớp học này là huy động cơ sở vật chất. Trong nước có rất nhiều trường đại học y nhưng cơ sở vật chất đủ khả năng để tổ chức những lớp học đạt chuẩn thế giới thì thực sự rất khó.
Nói là “thần đèn”, nhưng nếu chứng kiến những gì anh dấn thân mới hiểu được rằng, những chương trình chuẩn quốc tế hiện diện tại Việt Nam hôm nay là kết quả của một quá trình phấn đấu bền bỉ, học hỏi kinh nghiệm và những chuyến đi xa chứ không hề có một phép màu nào.
Đó là những ngày đông lạnh giá ở Thụy Sỹ, xuất hiện một bác sĩ Việt Nam tham dự khóa học Stroke Winter School.
Đó là những ngày hè ở Cần Thơ, vị tiến sĩ cùng ekip tất bật quanh một chú heo để “chạy roda” cho khóa học thực hành trên động vật.
Và đó là ông giám đốc bệnh viện, ban ngày khám bệnh, buổi tối xắn quần xắn áo cùng tốp thợ sắp đặt hội trường trên sân thượng, gấp rút hoàn thành để đưa vào hoạt động.
Gần gặn, ấm áp cho người kế tục
Mỗi bác sĩ thần kinh đột quỵ khi còn là sinh viên y khoa đều được thực hành trên xác. Mặc dù đó là cơ hội làm quen với các thao tác nhưng điều này vẫn chưa đủ để họ khỏi bỡ ngỡ khi đối mặt với tình huống thực tế.
Bởi lẽ, đối với xác khô, không có huyết động và tim ngừng đập hoàn toàn, không thể nào đưa những kỹ thuật điều trị xâm lấn. Bác sĩ không thể đặt được những dụng cụ trong lòng mạch máu vì dòng chảy của máu lúc đó đã không còn, cũng không thể bơm được cục máu đông vào mạch máu của xác để thực hành kéo ra, điều đó là không thể.
Các học viên cùng nhau chăm chút từng chi tiết trong việc chuẩn bị “bệnh nhân giả” là những chú heo, đạo đức nghề y trong việc ứng xử với bệnh nhân cũng được bồi đắp, biết trân quý mạng sống, dù đó chỉ là những chú heo - bệnh nhân im lặng, không thể phản kháng, không hiểu tiếng người.
Đây là ý nghĩa to lớn của khóa đào tạo thực hành can thiệp thần kinh - đột quỵ trên động vật đầu tiên tại Việt Nam, tập trung chuyên sâu về thực hành trên phòng thí nghiệm động vật (Animal Lab).
Đây cũng là lý do trong 10 năm qua anh vận động và xây dựng bệnh viện đột quỵ đầu tiên ở miền Tây - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế S.I.S Cần Thơ để phục vụ cho hơn 15 triệu dân ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Ảnh: Viết Hưởng
Cổng thông tin Tư vấn sức khỏe AloBacsi.vn
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình