Hotline 24/7
08983-08983

Ung thư: Nỗi ám ảnh trên chính trường Mỹ

Văn phòng thượng nghị sĩ Mỹ John McCain vừa thông báo ông được chẩn đoán có khối u trong não và đang xem xét các phương án điều trị.

Căn bệnh ung thư quái ác vẫn đang tiếp tục là nỗi ám ảnh trên chính trường Mỹ, khi trong lịch sử đã có nhiều thượng nghị sĩ nổi tiếng qua đời vì căn bệnh này.

Thượng nghị sĩ John McCain phát bệnh

Khối u của ông McCain được chẩn đoán là u glioblastoma (u nguyên bào thần kinh đệm) và được phát hiện trong một ca phẫu thuật loại bỏ cục máu đông phía trên mắt trái của ông.

Theo hãng tin Reuters, ông McCain đang dưỡng bệnh tại nhà riêng ở Arizona. Các bác sĩ cho biết sắp tới ông có thể trải qua quá trình điều trị kết hợp giữa hóa trị và xạ trị.

BV Mayo Clinic ở Phoenix, nơi ông John McCain được điều trị, cũng đã lên tiếng xác nhận thông tin này. Theo hãng tin AFP, u glioblastoma là một trong những loại u ác tính phát triển rất nhanh và hay xuất hiện ở người cao tuổi.

Đây không phải là lần đầu tiên ông McCain được chẩn đoán mắc bệnh ung thư. Vào các năm 1990 và 2000, ông cũng từng phải phẫu thuật cắt bỏ các mảng u tế bào hắc tố trên da.

Cô Meghan McCain, con gái của ông McCain, cho biết gia đình đã rất sốc khi biết tin này trong khi ông McCain lại là người bình tĩnh nhất. “Cha tôi đang đối mặt với thách thức như bao người khác. Ung thư có thể làm ông đau đớn nhưng không thể khiến ông đầu hàng. Không gì có thể” - cô Meghan nói.

Trong một thông báo, văn phòng của ông McCain cũng cho biết “tinh thần của thượng nghị sĩ rất tốt, ông vẫn sống cùng gia đình ở Arizona và sẽ tham khảo ý kiến của các bác sĩ về việc có thể trở lại Washington làm việc hay không”.

Ông John McCain sinh năm 1936, là thượng nghị sĩ có thâm niên và hiện là chủ tịch Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ. Ông từng là lính tham chiến tại Việt Nam và sau đó trở thành một trong những người đi đầu vận động bình thường hóa quan hệ Việt-Mỹ.

Ngay sau thông tin ông McCain bị chẩn đoán ung thư, các thành viên của Quốc hội Mỹ và nhiều chính trị gia đã gửi lời cầu nguyện và chúc sức khỏe cho ông thông qua mạng xã hội Twitter.

Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ca ngợi ông McCain “luôn luôn là một chiến binh” và “chúc ông sớm bình phục”, trong khi cựu Tổng thống Barack Obama thì gọi ông McCain là “anh hùng của nước Mỹ và một trong những chiến binh dũng cảm nhất”.

Ung thư: Nỗi ám ảnh trên chính trường Mỹ - ảnh 1Thượng nghị sĩ John McCain vừa được chẩn đoán có khối u trong não. Ảnh: AP

Ông Biden mất con trai cưng

Năm 2015, chính trường Mỹ cũng từng chứng kiến sự ra đi của một chính khách trẻ tuổi vì căn bệnh ung thư não. Đó là ông Beau Biden, con trai cựu Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden.

Ông Beau Biden từng là luật sư, thành viên lực lượng Vệ binh Quốc gia bang Delaware trước khi trở thành tổng chưởng lý của bang này. Theo The Washington Post, tình trạng sức khỏe của ông Beau xấu đi từ năm 2010 sau khi bị đột quỵ. Đến năm 2013, ông Beau được điều trị tại một trung tâm ung thư ở Houston (bang Texas) vì cảm thấy “sức khỏe suy yếu và mất phương hướng”.

Sau đó ông được chẩn đoán mắc bệnh ung thư não. Con trai cựu Phó Tổng thống Joe Biden đã trải qua cuộc phẫu thuật cắt bỏ một tổn thương nhỏ ở não. Tuy nhiên, căn bệnh ung thư tái phát và cướp đi mạng sống của ông vào tháng 5/2015, ở tuổi 46.

“Toàn thể gia đình Biden đau buồn khôn tả. Chúng tôi tin rằng tinh thần của Beau sẽ tiếp tục sống mãi trong chúng tôi, đặc biệt là thông qua người vợ dũng cảm Hallie và hai đứa con xuất chúng, Natalie và Hunter. Đối với gia đình, Beau đơn giản là người đàn ông tuyệt vời nhất mà chúng tôi từng biết” - ông Joe Biden nói về sự qua đời của con trai.

Trước cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016, ông Joe Biden cũng đã có kế hoạch ra tranh cử, tuy nhiên ông đã rút lại ý định này sau khi con trai qua đời.

“Không ai có thể ra tranh cử tổng thống nếu họ không thể dành toàn bộ trái tim, tâm hồn và sự đam mê để làm việc đó. Và Beau là linh hồn của tôi. Tôi đơn giản là không thể” - ông Biden chia sẻ khi quyết định dừng cuộc đua vào Nhà Trắng năm 2016.

Sự ra đi của con trai đã một lần nữa làm dày thêm những mất mát trong cuộc đời của phó tổng thống Mỹ. Giáng sinh năm 1972, ông Biden, lúc đang chuẩn bị bước chân vào Thượng viện, cũng từng phải chứng kiến sự ra đi đột ngột của người vợ đầu tiên và đứa con gái mới sinh trong một vụ tai nạn xe hơi thảm khốc.

Ung thư: Nỗi ám ảnh trên chính trường Mỹ - ảnh 2Cựu Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden (trái) và con trai Beau Biden. Ảnh: NBC NEWS


Ung thư: Nỗi ám ảnh trên chính trường Mỹ - ảnh 3Thượng nghị sĩ Edward Kennedy (phải) là một trong những người ủng hộ mạnh mẽ cho ông Obama năm 2008. Ảnh: AP

Bi kịch dòng họ Kennedy

U não cũng là căn bệnh cướp đi mạng sống của thượng nghị sĩ kỳ cựu Mỹ Edward Kennedy, em trai cố Tổng thống John F. Kennedy.

Ông Edward Kennedy được chẩn đoán mắc bệnh u não vào tháng 5/2008 và đã không ít lần phải nhập viện để xạ trị và hóa trị. Thậm chí tại lễ nhậm chức của Tổng thống Barack Obama hồi tháng 1/2009, ông từng bị choáng và phải đi cấp cứu. Ông Edward sau đó qua đời ở tuổi 77 vào tháng 8/2009.

Ông Edward sinh năm 1932. Ông là người duy nhất trong bốn anh em trai nhà Kennedy chết do bệnh tật. Ba người còn lại, anh cả Joseph P. Kennedy chết vì tai nạn máy bay năm 1944, người anh kế là Tổng thống John F. Kennedy bị ám sát vào năm 1963 và thượng nghị sĩ Robert F. Kennedy bị ám sát năm 1968.

Thượng nghị sĩ Edward Kennedy là nhân vật có nhiều ảnh hưởng trên chính trường Mỹ suốt gần nửa thế kỷ, đặc biệt là trong các lĩnh vực như y tế và giáo dục. Ông được mệnh danh là “con sư tử của Thượng viện” và được mong đợi sẽ trở thành người tiếp theo của gia tộc Kennedy bước chân vào Nhà Trắng.

Tuy nhiên, vụ bê bối tai nạn giao thông vào năm 1969 đã khiến ông mất đi cơ hội tranh cử. Tuy vậy, ông vẫn hoạt động rất tích cực trong chính trường Mỹ khi thay anh trai làm thượng nghị sĩ bang Massachusetts của phe Dân chủ năm 1962 và được tái cử bảy lần.

Năm 2006, tạp chí Time vinh danh ông là một trong 10 thượng nghị sĩ tuyệt vời nhất của nước Mỹ, đồng thời khẳng định ông đã có công “xây dựng nhiều đạo luật tác động tới cuộc sống của mọi đàn ông, phụ nữ và trẻ em trên đất nước này”.

“Chúng tôi đã mất đi một trụ cột không thể thay thế của cả gia đình nhưng niềm tin, tinh thần lạc quan và tính kiên trì của ông vẫn sẽ sống mãi trong trái tim chúng tôi. Ông ấy yêu đất nước này và đã cống hiến cả cuộc đời cho đất nước. Ông vẫn luôn tin rằng những tháng ngày tốt đẹp nhất của chúng ta đang ở phía trước” - gia đình Kennedy viết trong thông báo từ trần của ông Edward.

Thượng nghị sĩ Edward qua đời chỉ vài tuần sau khi người chị Eunice Kennedy Shriver mất vào tháng 8/2009 ở tuổi 88 vì đột quỵ.

44 năm đi làm bằng xe lửa

Ông Joe Biden được xem là một vị phó tổng thống đặc biệt bởi trong 44 năm làm việc trong chính phủ Mỹ, ông chỉ đi làm bằng xe lửa. Theo ước tính của truyền thông Mỹ, ông Biden đã thực hiện hơn 8.000 chuyến đi khứ hồi bằng xe lửa giữa Delaware tới Washington, mỗi lần quãng đường dài hơn 131 km.

Nếu tính tổng cộng, ông đã di chuyển hơn 4,2 triệu km trong suốt 44 năm. Và với việc mỗi ngày mất hơn ba tiếng để di chuyển đi về, thời gian ngồi trên xe lửa đã chiếm mất bốn năm cuộc đời ông.

Hành trình bằng xe lửa của cựu phó tổng thống bắt đầu sau bi kịch gia đình vào năm 1972. Ông Biden chia sẻ lý do ông vẫn đi đi về về là để chăm sóc các con, để được “chúc các con ngủ ngon mỗi đêm và hôn chúng vào buổi sáng hôm sau”.

Thậm chí trong suốt tám năm đảm trách cương vị phó tổng thống Mỹ, lẽ ra đã có thể di chuyển bằng xe công vụ nhưng ông vẫn tiếp tục giữ thói quen này như suốt 36 năm trước.

Ngày 20/1 năm nay, sau buổi lễ nhậm chức tổng thống Mỹ của tỉ phú Donald Trump, ông Biden đã cùng vợ mua tấm vé một chiều, rời Washington trở về quê nhà. Đó cũng là lần đầu tiên ông sử dụng tên thật để lên tàu vì kể từ khi lên nắm chức phó tổng thống, ông luôn phải dùng “thẻ trắng” để đảm bảo an ninh.

Theo An Miên - Pháp luật TPHCM

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X