Hotline 24/7
08983-08983

Từ vụ dịch bạch hầu ở Bình Phước: Thách thức với công tác tiêm chủng tại Việt Nam

Từ ngày 22/6/2016, tại tỉnh Bình Phước đã ghi nhận ổ dịch bạch hầu tại huyện Đồng Phú khiến 3 người tử vong và hàng chục người đang có triệu chứng của bệnh.

Điều đáng nói là có những người đã tiêm vắc xin phòng bạch hầu nhưng vẫn tử vong.

Đã tiêm phòng nhưng vẫn mắc bệnh

Trung tâm Y tế dự phòng Bình Phước cho biết, 2 trong số 3 bệnh nhân tử vong đã tiêm phòng bệnh bạch hầu. Trường hợp còn lại theo người nhà bệnh nhân tuy không còn lưu sổ tiêm chủng nhưng đã tiêm chủng đầy đủ phòng ngừa các loại bệnh. Vì sao tiêm chủng rồi vẫn mắc bệnh và tử vong?

Trả lời câu hỏi này, ThS.BS Nguyễn Trung Cấp, Phó Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nhiệt đới TW, chuyên gia về các bệnh truyền nhiễm cho biết “Sau khi tiêm vắc xin, đa số người được tiêm sẽ có miễn dịch. Tuy nhiên, thực tế vẫn có có một tỷ lệ người do khả năng miễn dịch thấp nên chưa đạt được ngưỡng miễn dịch bảo vệ”.

(Tuỳ vào khả năng miễn dịch của từng người mà vắc xin sẽ có tác dụng khác nhau.)

Còn TS Trần Tuấn – Giám đốc Trung tâm đào tạo và phát triển cộng đồng thì khẳng định: “Với vắc xin bạch hầu thì sau 5 năm sẽ suy giảm khả năng đáp ứng phòng bệnh, nên cần phải tiêm nhắc lại mới có hiệu quả. Còn khi đã mắc bệnh, thì nếu không phát hiện và điều trị theo phác đồ, thì nguy cơ tử vong nhanh chóng cũng rất cao”.

Trong trường hợp này, nếu không có sự lý giải tường tận đến người dân về nguyên nhân của sự việc thì rất có thể những hoài nghi về vắc xin lại tiếp diễn, giống như câu chuyện về vắc xin Quinvaxem trong chương trình tiêm chủng mở rộng Quốc gia trong suốt vài năm qua.

Khan hiếm vắc xin hay khủng hoảng lòng tin?

Mặc dù, ngành Y tế đã đẩy mạnh tuyên truyền về an toàn tiêm chủng, quy trình tiêm chủng cũng đã được siết chặt hơn sau hàng loạt các vụ việc tai biến liên quan đến vắc xin, thế nhưng, người dân vẫn thấp thỏm đưa con đi tiêm vắc xin.

Chị Đào Mỹ Nhật, ở Hoài Đức, Hà Nội cho biết: “Thực sự mỗi khi y tá đặt mũi tiên lên da thịt con mình là mình lo lắng khủng khiếp. Mình luôn hy vọng, tiêm phòng là để giúp con chống lại được bệnh tật. Mình muốn con được dùng loại vắc xin tốt nhất”.

Với tâm lý vắc xin dịch vụ tốt hơn vắc xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng, nhiều phụ huynh đổ xô đăng kí. Và cơn sốt vắc xin dịch vụ mang tên Pentaxim đến tận giờ vẫn âm ỉ, dù không còn cảnh chen lấn xếp hàng cả đêm nhưng mỗi lần đăng kí trực tuyến, vài ngàn mũi tiêm cũng hết veo trong vòng 1, 2 phút.

Dẫu cả Bộ Y tế và Tổ chức y tế thế giới WHO đều lên tiếng khẳng định tính an toàn của vắc xin Quinvaxem nhưng cũng không thể thuyết phục được nhiều ông bố bà mẹ đang từng ngày đợi chờ vắc xin dịch vụ, dù biết, ngắt quãng các mũi tiêm có thể khiến trẻ có nguy cơ bệnh tật cao hơn. Vậy khan hiếm vắc xin hay khủng hoảng niềm tin?

Theo TS Trần Tuấn: “Vấn đề chính ở đây, là người dân cần sự minh bạch thông tin. Bộ Y tế mới giải quyết những vấn đề liên quan đến vắc xin theo kiểu sự vụ.

Trong khi đó, thực cần có những cuộc điều tra trên diện rộng, về tỷ lệ tai biến, phản ứng nặng nhẹ, tử vong sau tiêm Quinvaxem hay hiệu quả phòng bệnh của các loại vắc xin khác trong chương trình tiêm chủng mở rộng Quốc và so sánh với các nước trên thế giới.

Nghiên cứu này phải được một tổ chức độc lập thực hiện thì kết quả đưa ra mới khiến người dân cảm thấy thuyết phục”.

TS Trần Tuấn – Giám đốc Trung tâm đào tạo và phát triển cộng đồng

Thách thức với vấn đề tiêm chủng tại Việt Nam

Dù có những “khủng hoảng” liên quan đến việc cung ứng vắc xin dịch vụ, nhưng năm 2015 là năm ghi nhận những thành tựu lớn lao trong công tác tiêm chủng tại Việt Nam với lịch sử 25 năm - một chương trình liên quan đến hàng chục triệu trẻ em và phụ nữ.

Nhưng cũng cần nhìn lại một thức tế, đó là, năm 2015 cũng đã ghi nhận sự gia tăng số mắc bạch hầu, ho gà ở một số địa phương trên cả nước. Khoảng 50% số trẻ mắc ho gà từ 2-4 tháng tuổi, là những đối tượng trẻ trong độ tuổi tiêm chủng nhưng chưa tiêm chủng hoặc chưa tiêm chủng đủ mũi vắc xin phòng bệnh.

Ngoài ra, cũng ghi nhận ổ dịch bạch hầu tại một số xã miền núi, vùng sâu, vùng xa của tỉnh Quảng Nam và tỉnh Gia Lai, mới đây nhất là ổ dịch bạch hâu ở Bình Phước. Đây đều là những vùng có tỷ lệ tiêm chủng thấp. Dịch bạch hầu tái xuất cho thấy những khó khăn trong việc nâng cao tỷ lệ tiêm chủng tại các địa bàn này.

Sự chờ đợi vắc xin dịch vụ của một bộ phận các bậc phụ huynh tại một số tỉnh, thành phố lớn khiến cho nhiều trẻ tiêm chủng muộn hoặc bỏ lỡ mũi tiêm là một trong những thách thức đòi hỏi công tác truyền thông, vận động cộng đồng phải có những bước đi mới trong năm 2016 và những năm tiếp theo. Và điều quan trọng nhất, vẫn là giữ được niềm tin cho người dân vào chương trình Tiêm chủng mở rộng Quốc gia.

Theo P.V - Infonet

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X