Hotline 24/7
08983-08983

TS.BS Trần Chí Cường hướng dẫn cặn kẽ cách tầm soát đột quỵ đúng chuẩn

Thời gian gần đây, trường hợp đột quỵ xảy ra ở độ tuổi trung niên, thậm chí là thanh niên gia tăng khiến mọi người vô cùng lo lắng. Thực chất đây có phải căn bệnh "trời kêu ai nấy dạ"? TS.BS Trần Chí Cường - Giám đốc Bệnh viện đa khoa quốc tế S.I.S Cần Thơ đã hướng dẫn và giải thích cặn kẽ về tầm quan trọng của tầm soát đột quỵ. Mời bạn đọc đón xem.

Hiện nay ở Việt Nam, việc tầm soát đột quỵ hoàn toàn có thể thực hiện được. Xin BS cho biết ý nghĩa và tầm quan trọng tầm soát đột quỵ sớm là như thế nào?

Câu hỏi đặt ra hiện nay là liệu với một người bình thường có khả năng bị đột quỵ không? Xin thưa là có. Tất cả mọi người trong cộng đồng, nam, phụ, lão, ấu đều có khả năng bị đột quỵ, chiếm 20% trong dân số.

Nếu cách đây vài năm, việc tầm soát đột quỵ rất khó khăn, thường phải sang nước ngoài hoặc làm nhiều các xét nghiệm cận lâm sàng không cần thiết thì hiện nay, ngay tại Việt Nam chúng ta đã làm được các xét nghiệm chuyên sâu để tầm soát đột quỵ.

Theo BS, những đối tượng nào cần tầm soát sớm với đột quỵ?

Một trong những đối tượng cần quan tâm tầm soát đột quỵ nhất là những người đã từng bị đột quỵ. Trong dân gian thường nghĩ rằng những người đã từng bị đột quỵ thì không cần tầm soát nữa. Đây là quan niệm sai lầm.

Với người đã đột quỵ, nguy cơ bị đột quỵ tái phát rất cao. Thậm chí là cao hơn gấp 10 lần so với những người chưa từng bị đột quỵ. Vì thế, đối tượng cần được tầm soát sớm, ưu tiên nhất vẫn là những người đã từng bị đột quỵ, sẽ mang lại hiệu quả cao nhất cho bệnh nhân.

Đối tượng thứ 2 là những người hút thuốc lá nhiều năm, bị tiểu đường nặng, tăng huyết áp, hoặc những người trong gia đình có tiền căn và quan hệ gia đình trực tiếp có người bị đột quỵ trẻ, đột quỵ ở nhiều thế hệ. Chẳng hạn như có người thân bị đột quỵ ở 40-50 tuổi hoặc dưới 60 tuổi nói chung. Đây là nhóm đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh đột quỵ.

Việc tầm soát đột quỵ sẽ căn cứ trên từng người bệnh cụ thể.

Đầu tiên, bệnh nhân sẽ làm các bước xét nghiệm cơ bản như xét nghiệm máu, lượng đường huyết, chỉ số CRP, mỡ máu.

Xét nghiệm thứ 2 là siêu âm doppler động mạch cảnh. Siêu âm này không tốn quá nhiều chi phí, chỉ vài trăm ngàn nhưng có thể đánh giá 70% lượng máu lên não mà hiện nay trong cộng đồng ít được quan tâm.


Siêu âm động mạch cảnh tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế S.I.S Cần Thơ

Bước tiếp theo là phân tích thêm 1 số xét nghiệm về tim mạch, như siêu âm tim, đo điện tim xem bệnh nhân có nguy cơ đột quỵ tim không.

Trên điện tim đó, nếu chúng ta phát hiện các rối loạn nhịp như tim đập không đều thì bệnh nhân đó rất có khả năng bị đột quỵ do tim đập không đều. Trong quá trình đập của tim, nếu trong nhịp tim nghỉ thì máu sẽ đông trong bồn tim và những nhịp đập sau sẽ bơm lên não. Trên thực tế, rất nhiều bệnh nhân bị đột quỵ do nguyên nhân tim mạch mà điển hình là bệnh rung nhĩ - tức tim đập không đều, tạo ra các cục máu đông và chúng được đẩy lên não.

Đối với trường hợp đã loại trừ những xét nghiệm cơ bản nhưng bệnh nhân có những triệu chứng của cơn thiếu máu não thoáng qua thì bắt buộc phải chụp cộng hưởng từ. Đây là phương tiện ít xâm lấn. Tuy nhiên, không phải cộng hưởng từ nào cũng có thể chụp được mạch máu não.

Cộng hưởng từ để tầm soát đột quỵ là phải có mức từ trường là 3 tesla (T) trở lên mới đảm bảo chụp tầm soát là không xâm lấn. Kỹ thuật này giúp các bác sĩ không cần bơm thuốc cản từ vào bệnh nhân, giúp hạn chế được việc dị ứng thuốc hay sốc thuốc trong quá trình tầm soát bệnh.

Ngoài ra, để chụp lấy được hệ thống mạch máu, đòi hỏi máy cộng hưởng từ có những phần mềm dựng hình mạch máu, tái tạo lại được mạch máu đúng và có chuyên gia về mạch máu, bác sĩ chuyên tầm soát về đột quỵ, bác sĩ chuyên điều trị về chuyên khoa nội thần kinh, ngoại thần kinh hoặc những người chẩn đoán hình ảnh chuyên sâu về mạch máu não thì mới đọc được hình ảnh đó một cách tốt nhất, dự đoán kết quả một cách chính xác nhất.

Từ ngày ra đời, Bệnh viện đa khoa quốc tế S.I.S Cần Thơ đã thực hiện tốt sứ mệnh của mình, giúp người dân điều trị, phát hiện sớm đột quỵ, các bệnh lý thần kinh. Nhiều người kịp thời phát hiện đột quỵ, hồi phục thần kỳ sau điều trị, không mất thời gian vàng khi phải lên TPHCM. Trong ảnh là TS.BS Trần Chí Cường thăm khám cho người bệnh.

Việc tầm soát đột quỵ này sẽ tầm soát được những nguyên nhân cũng như yếu tố nguy cơ cao nào dẫn đến đột quỵ? Nếu đã tìm ra những yếu tố nguy cơ cao thì việc điều trị hiệu quả ra sao?

Trong trường hợp bệnh nhân đã từng bị đột quỵ, việc tầm soát phải nghiêng về tìm nguyên nhân của đột quỵ như nguyên nhân xuất huyết não, nhồi máu não, hẹp mạch máu hay vỡ mạch máu và nguyên nhân do tim mạch như rối loạn nhịp tim (bệnh rung nhĩ), đa hồng cầu,…

Đối với những đối tượng hút thuốc lá lâu năm, cần tìm những yếu tố viêm, hẹp mạch máu để có những xét nghiệm chuyên biệt đánh giá nguy cơ đột quỵ trên bệnh nhân đó.

Hiệu quả của việc điều trị tùy thuộc rất nhiều vào từng trường hợp cụ thể, chẳng hạn như vị trí tắc ở đâu, tổng trạng người bệnh như thế nào?...

Ví dụ như cùng một dạng phình máu não, nếu như bệnh nhân 90 tuổi điều trị sẽ khó hơn so với trường hợp bệnh nhân 43 tuổi được tầm soát sớm. Chúng tôi đã gặp nhiều trường hợp như vậy. Điển hình như một bệnh nhân có triệu chứng đau đầu kéo dài, đã đi rất nhiều bệnh viện nhưng không tìm được nguyên nhân. Khi đến với chúng tôi, tiến hành chụp MRI 3T và đã chẩn đoán ngay bệnh nhân có 1 chỗ phình mạch máu não.

Sau 45 phút can thiệp, bệnh nhân có thể tỉnh táo, đi đứng  bình thường, có thể xuất viện và trở lại công việc thường ngày.

Như vậy có thể thấy việc tầm soát này mang lại hiệu quả rất tốt. Vì chúng ta phần lớn điều trị dự phòng hiệu quả với xác suất tỉ lệ thành công có thể đạt trên 90%. Nếu như không điều trị thì việc đột quỵ có thể xảy ra với tỉ lệ 80-90% bệnh nhân.

Bệnh nhân đã bị đột quỵ rồi thì phần lớn đều để lại những di chứng, 50% bệnh nhân đột quỵ sẽ không trở lại cuộc sống như bình thường và xác suất quay lại trở lại cuộc sống ban đầu chỉ còn 30%. Chưa kể 30% này là con số rất lạc quan trong những điều kiện chuẩn nhất như ở Mỹ, Canada, Đức, Thụy Sĩ. Tuy nhiên, nếu được điều trị sớm thì sẽ khác, xác suất thành công lên đến hơn 90%.

Máy MRI 3T được trang bị tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế S.I.S Cần Thơ

Liệu trình tái tầm soát là bao lâu, thưa bS?

Việc tầm soát phụ thuộc vào dạng bệnh và tình trạng của từng người.

Nếu một người đi tầm soát kết quả hoàn toàn bình thường thì 5 năm sau mới cần tầm soát. Việc tầm soát sau thời gian này là để tìm những bệnh do môi trường tác động như người hút thuốc nhiều, làm việc trong môi trường độc hại, khói bụi, căng thẳng quá mức hoặc người đó bị tiểu đường... Còn đối với các vấn đề dị tật, dị dạng, nếu thời điểm 40 tuổi đi tầm soát không gặp vấn đề gì thì 20 năm sau chắc chắc cũng vẫn vậy.

Đối với những bệnh nhân khi tầm soát có bệnh thực thể như mạch cảnh hẹp vừa phải 50-70% thì chưa tới mức can thiệp, chỉ khi hẹp trên 70-90% mới cần can thiệp. Hiện tại, bệnh nhân chỉ có vài cơn chóng mặt thì 1 năm sau cần phải tầm soát để kiểm tra lại vị trí hẹp mạch cảnh đó. Nếu như mức độ mạch máu năm trước hẹp 50%, năm nay hẹp 70%, năm sau sẽ hẹp 80% thì chúng ta điều trị sớm để phòng ngừa đột quỵ cho bệnh nhân.

Ở các nước phát triển, việc tầm soát sẽ làm thường quy. Chẳng hạn như Nhật Bản, đây là một trong những nước tầm soát đột quỵ đứng hàng đầu ở châu Á, điều này lý giải cho việc tại sao người Nhật có tuổi thọ cao nhất thế giới. Số lượng bệnh nhân được tầm soát đột quỵ hằng năm cao hơn rất nhiều và họ đã làm từ vài chục năm trước chứ không phải mới bắt đầu gần đây. Với công nghệ nào phát triển ra mới nhất, Nhật Bản đều ứng dụng và tầm soát sức khỏe cho người dân.

Hy vọng rằng trong tương lai, Bệnh viện đa khoa quốc tế S.I.S Cần Thơ (bệnh viện chuyên sâu về cấp cứu, can thiệp đột quỵ đầu tiên ở ĐBSCL) sẽ trở thành một trong những tâm điểm, mô hình để có thể phục vụ tốt nhất cho bệnh nhân trong việc tầm soát, cứu chữa đột quỵ.

Tái khởi động chương trình Tư vấn Đột quỵ

Tiếp nối những thành công của chương trình tư vấn đột quỵ năm 2018, bắt đầu từ 1/5 đến hết tháng 12/2019, AloBacsi tiếp tục
phối hợp với nhãn hàng NattoEnzym của Công ty Dược Hậu Giang tái khởi động chuyên đề “Không còn nỗi lo đột quỵ” với tiêu chí: Tư vấn - giải đáp câu hỏi hàng ngày; Tổ chức các chương trình truyền hình trực tuyến, livestreams trò chuyện với bác sĩ về các vấn đề đột quỵ và Tổ chức các sự kiện thực tế tại các TP lớn như TPHCM, Hà Nội, Cần Thơ...

Mời bạn đọc có các thắc mắc về đột quỵ, tai biến mạch máu não... gửi câu hỏi về email: tuvan@alobacsi.vn để được các bác sĩ, chuyên gia trong ngành tư vấn.


Minh Khuê
(ghi) - Ảnh: Viết Hưởng
Cổng thông tin tư vấn sức khỏe AloBacsi.vn

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X