Hotline 24/7
08983-08983

Trẻ bị bạo hành: Chớ coi thường sang chấn tâm lý

Trẻ bị bạo hành ở trường học không chỉ bị bị tổn thương về mặt thể chất mà còn có thể chịu nhiều di chứng bất lợi về mặt tâm lý, nhân cách nếu bố mẹ không xử lý khéo.

Dễ stress

Trao đổi với chúng tôi về hành động bạo hành ảnh hưởng tới tâm lý phát triển của trẻ, PGS.TS cao cấp Cao Tiến Đức (Chủ nhiệm bộ môn Tâm thần và Tâm lý y học, Bệnh viện 103) cho biết, bạo lực với trẻ nhỏ đặc biệt nguy hại.

Trước hết, nó sẽ gây ra những tổn hại về mặt thể chất cho các bé, nhất là trong độ tuổi này, các bộ phận cơ thể còn chưa hoàn thiện nên dễ bị tổn thương do ngoại lực. Những tổn thương này nếu không được phát hiện và cấp cứu kịp thời có thể khiến trẻ bị tử vong.

Ở mức độ nhẹ hơn, việc tác động mạnh vào cơ thể có thể khiến xương khớp, tay chân trẻ cong vẹo hoặc phát triển không bình thường. Những tổn thương này không phải lúc nào cũng có thể nhìn thấy ngay để sớm can thiệp.

PGS Đức cho hay, hậu quả dễ nhận thấy nhất chính là những tổn thương về mặt cơ thể, song, tổn thương về mặt tâm lý ở trẻ bị bạo hành mới đáng lo hơn cả.

Cũng như người lớn, trẻ khi bị bạo hành sẽ có những rối loạn stress với các cấp độ khác nhau như phản ứng stress cấp, rối loạn stress sau sang chấn và rối loạn sự thích ứng.

“Những đứa trẻ bị đánh đập nhiều lớn lên đa phần sẽ có vấn đề. Trẻ càng nhỏ càng dễ bị tác động hơn, về lâu dài sẽ có những mức độ trầm trọng hơn người lớn”, PGS Đức khuyến cáo.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Đồng quan điểm, nhà nghiên cứu tâm lý học Nguyễn An Chất, Giám đốc Công ty tư vấn An Việt Sơn cũng cho rằng việc bạo hành với trẻ chắc chắn sẽ để lại di chứng suốt đời, càng lớn lên ký ức càng khó phai mờ. Trẻ sẽ có biểu hiện sợ người lạ, thiếu tự tin về chính bản thân mình và những người xung quanh.

Theo thống kê 70-80% những ám ảnh tâm lý của trẻ xuất phát từ người lớn. Việc người lớn bạo hành với nhau hoặc tận mắt chứng kiến người lớn bạo hành với một đứa trẻ khác đều có thể để lại những ám ảnh bất lợi. Trong trường hợp, chính đứa trẻ là nạn nhân, chấn động tâm lý rất lớn.

Đi khám nếu trẻ hoảng sợ kéo dài

Vẫn theo chuyên gia Nguyễn An Chất, cách duy nhất để giúp trẻ thoát khỏi sợ hãi, ổn định tinh thần là sự quan tâm, chăm sóc của bố mẹ. Ông khuyến cáo, lúc này, nếu trẻ có những thiếu sót như không chịu ăn, nghịch ngợm,… bố mẹ tuyệt đối không được trấn áp, mắng, đặc biệt đánh đập trẻ. Điều đầu tiên cần làm khi thấy trẻ không ngoan, cần ôm con nói rằng “bố/mẹ rất yêu con”, sau đó mới từ từ phân tích để trẻ nhận ra cái sai của mình. Quá trình này cần nhẹ nhàng, không được nóng vội.

Hơn bất cứ lúc nào, khi trẻ gặp tổn thương, bố mẹ cần phải thể hiện tình yêu thương nhiều nhất có thể để giúp con lấy lại lòng tin, dần đẩy lùi sự tự ti. Nếu không cố gắng, trẻ sẽ mắc rất nhiều di chứng tâm lý về sau.

Đặc biệt, những thay đổi trong tâm lý của trẻ là điều không phải dễ dàng trông thấy. Do đó, bố mẹ cần kiên trì.

PGS Cao Tiến Đức cũng cho rằng khi biết trẻ bị bạo hành, cha mẹ cần tách trẻ khỏi môi trường bị bạo hành càng sớm càng tốt và tránh không để tái diễn tình trạng trẻ bị bạo hành. Thường những trẻ bị bạo hành về sau sẽ rất sợ đi học. Trẻ có thể trở nên nhút nhát, đôi khi biểu hiện sợ ăn, có thể giảm sự thích nghi (khi đến một nơi lạ, gặp người lạ trẻ sẽ sợ sệt).

Trong trường hợp này, sự động viên chăm sóc của người lớn rất quan trọng. Ở mức độ tổn thương nặng, trẻ cần phải khám và dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ.

“Về nguyên tắc, có thể sử dụng thuốc an thần, thuốc chống trầm cảm, các vitamin, các thuốc bổ não. Tuy nhiên, trẻ 14 tháng sẽ rất khó trong cách điều trị”, PGS Đức cho hay.

Theo Thanh Thanh - Sức khỏe gia đình

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X