Hotline 24/7
08983-08983

TPHCM tăng 143 ca mắc bệnh sởi: Làm sao phòng tránh?

Mặc dù là căn bệnh thường gặp nhiều ở trẻ em, tuy nhiên, người lớn nếu chưa được tiêm chủng thì vẫn có nguy cơ mắc bệnh rất cao.

Song song với bệnh Tay Chân Miệng thì bệnh Sởi cũng đang có diễn tiến bùng phát mạnh ở khu vực miền Nam. Theo giám sát của Trung tâm Y tế Dự phòng TPHCM cho biết, số ca bệnh Sởi tăng nhanh từ tuần 36 - 38, mỗi tuần có khoảng 15 - 20 ca bệnh trên toàn thành phố. Đến tuần 39, số ca bệnh Sởi đã lên tới 33 ca, tăng 10 ca so với tuần trước đó. Đến tuần 40 có dấu hiệu giảm nhẹ so với tuần 39, nhưng lại cao hơn 4 tuần trước đó. Dù vậy, so với cùng đợt năm 2017 thì bệnh Sởi đã tăng lên 143 ca. Ở TPHCM, các quận có nhiều ca bệnh Sởi nhất hiện nay là quận Tân Phú, Thủ Đức, Bình Tân, quận 7 và quận 9.



Còn tại Hà Nội, tính từ đầu năm đến chiều ngày 14/8, PGĐ Sở Y tế Hà Nội - Hoàng Đức Hạnh cho biết, toàn thành phố ghi nhận có 315 trường hợp mắc bệnh Sởi. Các trường hợp mắc bệnh tản phát chứ không tập trung thành ổ dịch và rải rác từ đầu năm. Ở Hà Nội, các quận, huyện có nhiều ca bệnh Sởi tăng cao là Hoàng Mai (31), Nam Từ Liêm (27), Bắc Từ Liêm (24), Đống Đa (23), Hà Đông (22)...



Trên đây là những diễn biến đáng báo động về dịch Sởi đang hoành hành trong thời gian gần đây. Do vậy, bạn cần chú trọng hơn đến các triệu chứng ban đầu của bệnh Sởi và cách phòng tránh để ngăn ngừa nguy cơ mắc bệnh này cho cả gia đình mình.

Các triệu chứng thường gặp của bệnh Sởi

- Sốt cao (trên 39 độ).

- Nổi phát ban.

- Ho khan nhiều, chảy nước mũi.

- Đau mắt đỏ, chảy nước mắt, sưng mí mắt...

- Nổi hạch ở cổ, sau tai...

- Sưng đau khớp.

Các nốt phát ban Sởi sẽ nổi lên theo thứ tự với ngày đầu tiên là ở vùng đầu, mặt, cổ. Sang ngày thứ 2 là ở vùng ngực, lưng, cánh tay. Và đến ngày 3 sẽ lan sang vùng bụng, mông, đùi, chân.


Đặc biệt, nếu không chủ động điều trị bệnh ngay khi mới phát hiện thì nguy cơ cao có thể gặp phải các biến chứng nguy hiểm như viêm phổi, viêm tai giữa, tiêu chảy cấp, viêm não, viêm thanh quản, suy dinh dưỡng...

Cách đề phòng bệnh sởi

- Đeo khẩu trang khi đến chỗ đông người (nhất là những khu vực được cảnh báo đang có ổ dịch), hoặc khi vào thăm khám người thân trong bệnh viện.

- Thường xuyên rửa tay sạch sẽ bằng các dung dịch sát trùng, đặc biệt là khi vào môi trường bệnh viện.

- Giữ nhà cửa luôn thông thoáng, sạch sẽ.

- Uống đủ nước hàng ngày (2 - 2,5 lít nước mỗi ngày).

- Bổ sung các loại thực phẩm có nhiều vitamin A, các loại rau xanh và các loại quả có màu vàng, màu da cam...

- Chủ động tiêm vắc-xin phòng bệnh Sởi theo chỉ dẫn của bác sĩ, kể cả người lớn nếu chưa tiêm phòng thì vẫn có nguy cơ mắc bệnh như trẻ nhỏ.

- Nếu trong nhà có người mắc bệnh sởi, cần cách ly người bệnh với những người chưa mắc, đồng thời đưa ngay đến cơ sở y tế để được điều trị sớm nhất có thể.

Theo Helino

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X