Hotline 24/7
08983-08983

Tổ chức y tế thế giới cảnh báo dịch sởi đang bùng phát trên toàn thế giới

Dữ liệu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho thấy sự bùng phát trở lại của bệnh sởi ở hầu hết các khu vực trên thế giới. Số ca mắc bệnh năm 2017 đã tăng hơn 30% so với năm trước đó. Chính sự thờ ơ, các hệ thống y tế bị phá vỡ và sự gia tăng các tin tức giả về văcxin là nguyên nhân dẫn đến tình trạng bệnh sởi đang bùng phát trở lại.

Kể từ khi được đưa vào sử dụng lần đầu năm 1963, văcxin sởi đã ngăn ngừa và giảm đáng kể những ca nhiễm bệnh trên toàn thế giới. Sau vài thập kỷ, một số quốc gia tuyên bố đã hoàn toàn loại bỏ được bệnh này khỏi đất nước mình.

Tuy nhiên, số liệu được nghiên cứu trong 17 năm qua của WHO và Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) cho thấy căn bệnh này đang quay lại.

Số ca mắc bệnh năm 2017 đã tăng hơn 30% so với năm 2016 - Ảnh: Getty
Số ca mắc bệnh năm 2017 đã tăng hơn 30% so với năm 2016 - Ảnh: Getty

Chỉ tính trong năm 2017 đã có tới 110.000 ca tử vong liên quan đến bệnh sởi. Tình trạng này vẫn tiếp diễn trong năm 2018 khi số ca nhiễm bệnh ở châu Âu, châu Mỹ và khu vực Địa Trung Hải tăng lên vào mùa hè. Tây Thái Bình Dương là khu vực duy nhất có sự suy giảm ca mắc bệnh.

Các chuyên gia cho rằng có ba nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này sự thờ ơ, các hệ thống y tế bị phá vỡ và sự gia tăng các tin tức giả về văcxin.

Trong số các ca mắc bệnh sởi, một phần lớn là ở Venezuela, quốc gia trước đó từng tuyên bố đã loại bỏ căn bệnh này. Bệnh sởi được cho là quay lại khi các hệ thống y tế bị sụp đổ sau các cuộc khủng hoảng kinh tế và chính trị ở Venezuela trong vài năm trở lại đây.

Tình trạng thiếu lương thực, thiếu nước sinh hoạt, cơ sở hạ tầng và chất lượng phục vụ y tế đi xuống càng khiến tình trạng bệnh sởi trở nên trầm trọng, dễ lây lan hơn.

Tại các quốc gia được cho là phát triển kinh tế, hiện đại, người dân được trang bị kiến thức đầy đủ như Ukraine, Ý, Pháp, Đức, Hi Lạp thì nguyên nhân lại đến từ sự thờ ơ.

Năm 2017, Anh tuyên bố "xóa sổ" bệnh sởi. Nhưng chỉ chưa đầy một năm sau đã xuất hiện một đợt bùng phát nhỏ. Điều này khiến các bác sĩ hàng đầu của Anh phải lên tiếng thúc giục các bậc cha mẹ nên đưa con đi tiêm phòng dịch sởi, không nên thờ ơ rằng bệnh không thể quay lại.

Ngoài ra, người dân di chuyển dễ dàng giữa quốc gia này với quốc gia, vùng này với vùng khác, bỏ ngoài tai những cảnh báo y tế cũng khiến bệnh tiếp tục lây lan.

Một nguyên nhân khác là những "tin tức giả" về văcxin.

Tiến sĩ Martin Friede thuộc WHO chia sẻ sự thật đáng lo ngại rằng ở một số nước châu Âu, cha mẹ không tiêm chủng cho con cái của họ bởi những lo ngại thiếu căn cứ về sự an toàn của văcxin.

Theo tiến sĩ Friede, truyền thông xã hội đóng vai trò quan trọng trong việc chống lại những tin tức giả. Văcxin nằm trong danh mục thuốc thiết yếu, nên được tiêm phòng đúng và đầy đủ, ngay cả khi bạn đang sống ở một quốc gia không có ca mắc bệnh nào.

"Chúng ta cần phải hiểu "hết ca mắc bệnh" không có nghĩa là bệnh không bao giờ quay lại. Sởi dễ lây lan và bùng phát nhanh như một cơn bão. Khi một đứa trẻ bị nhiễm bệnh, đó không chỉ là những nốt phát ban mà còn có thể tiềm ẩn nguy cơ mù lòa và các vấn đề về não" - tiến sĩ Friede cảnh báo.

Việt Nam tập trung "dập" sởi

Theo PGS-TS Phan Trọng Lân, Viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM, bệnh sởi lây lan rất nhanh, chủ yếu lây qua đường hô hấp; một phần qua bắn các hạt nhỏ do hắt hơi, ho ra môi trường. Sởi là bệnh truyền nhiễm phải cách ly tại nhà hoặc tại cơ sở khám, chữa bệnh.

Từ 2008 đến nay, VN ghi nhận có 2 đợt dịch sởi lớn vào cuối năm 2009 đến đầu 2010; cuối 2013 đầu 2014; năm nay dịch tăng từ tháng 8. Phân tích các ca bệnh sởi cho thấy năm nay số bệnh nhân dưới 5 tuổi chiếm 87% (độ tuổi dưới 9 - 18 tháng chiếm số đông). Trong khi năm 2017 sởi chủ yếu mắc trên người lớn.

Bác sĩ Lê Hồng Nga, Trưởng khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm TTYTDP TP.HCM, cho biết từ đầu năm đến nay, TP có 96 ca mắc sởi, trong đó tăng đột biến vào tháng 9. TP đã triển khai chiến dịch tiêm bù vắc xin cho trẻ sinh năm 2016, 2017 và đang tính toán lại thực hiện chỉ đạo của Bộ Y tế là tiêm cho trẻ từ 3 - 5 tuổi.

Theo Tuổi Trẻ

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X