Hotline 24/7
08983-08983

Thực phẩm bẩn 'lọt lưới': Ăn gì cũng sợ

Vấn nạn dùng chất cấm trong chăn nuôi, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật độc hại trong sản xuất rau - củ - quả vẫn ngày càng thêm nhức nhối.

Con số ít ỏi vụ việc vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm do cơ quan chức năng xử lý trong 7 tháng đầu năm chưa hẳn đã là tín hiệu tích cực. Nỗi lo thực phẩm bẩn lọt lưới hệ thống kiểm soát an toàn trong công tác quản lý nhà nước vẫn ám ảnh người tiêu dùng trước mỗi bữa ăn.

Dư luận vẫn không ngớt ám ảnh chuyện thị trường có bán một số loại thuốc bảo vệ thực vật "đặc trị" nguy hiểm, đe dọa đến bữa ăn hàng ngày của mỗi gia đình. Đó là thứ hóa chất không phải ai muốn cũng mua được, mà người bán phải "chọn gương mặt thân quen" chứ không bán đại trà.

Thứ hóa chất theo tiết lộ của người sử dụng, chỉ cần vài giọt thuốc "đặc trị" pha vào bình 8 lít phun cây trồng lập tức cho kết quả khác biệt rõ rệt. Nghĩa là, những trái khổ qua, dưa leo cong queo của chiều ngày hôm trước sẽ thẳng tắp, mỡ màng vào sáng hôm sau.

Tương tự như vậy, chất tạo nạc trong chăn nuôi tạo ra sản phẩm độc hại dễ dàng đánh lừa người tiêu dùng. Nạn bơm thuốc kích thích, tạo nạc tốc hành trở thành nỗi sợ hãi đối với người tiêu dùng thịt lợn. Người tiêu dùng từng hoảng loạn khi có thông tin heo bị tiêm chất tạo nạc, tăng trọng, bơm nước, chất cấm.

Mới đây, cơ quan chức năng còn phát hiện heo bị tiêm thuốc an thần trước khi giết mổ. Trong khi đó theo các chuyên gia, người sử dụng thịt heo chưa đào thải hết thuốc này có nguy cơ hạ huyết áp, suy hô hấp, thậm chí có thể gây ung thư.

Chưa dừng lại ở những mối nguy hại từ chất cấm trong thịt heo, thị trường thực phẩm từng bấn loạn và bức xúc khi phát hiện hàng loạt vụ vi phạm an toàn thực phẩm ở các mặt hàng khác. Cụ thể, bánh phở có chứa chất formaldehyde, bún được tẩy trắng bởi tinopal, cua - hến ốc bị nhiễm asen, nước chấm có melamine, rượu nếp làm từ cồn công nghiệp…

Nhìn vào nguồn thực phẩm lưu thông trên thị trường không thấy được sự yên tâm vì bất kỳ sản phẩm nào cũng có nguy cơ chứa chất kích thích, chất bảo quản vượt quá giới hạn cho phép. Một khi đạo đức kinh doanh xuống cấp là cơ hội để thói ham mê lợi nhuận trỗi dậy, bất chấp sức khỏe của người tiêu dùng, và vấn nạn sử dụng hóa chất không nằm trong danh mục chế biến thực phẩm thành vấn nạn báo động.

Hàng loạt công ty cung cấp dịch vụ bữa ăn không đảm bảo vệ sinh gây ra mất an toàn thực phẩm cho rất nhiều người tiêu dùng, dẫn đến tình trạng ngộ độc thực phẩm tập thể liên tục xảy ra.

Đó chỉ là bề nổi của tảng băng chìm. Thực phẩm bẩn không gây ra những cái chết tức thì mà ngấm ngầm hủy hoại sức khỏe người tiêu dùng. Trước thực trạng mất an toàn vệ sinh thực phẩm hiện nay, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát từng khẳng định: "Mất an toàn thực phẩm diễn ra khá phổ biến và nhức nhối khi rau chứa vi lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt ngưỡng cho phép; thịt có vi sinh, kháng sinh và chất cấm".

Lo ngại về tình trạng hàng ngày đối diện với thực phẩm bẩn song người tiêu dùng không còn cách nào để loại trừ. Lý do, bỏ thực phẩm bẩn này chắc chắn phải ăn thực phẩm bẩn khác. Không chỉ quan ngại với thực phẩm nội địa, thực phẩm ngoại nhập quá hạn sử dụng, không đảm bảo an toàn vệ sinh cũng liên tục tấn công vào sức khỏe người tiêu dùng.

Sự tồn tại các cơ sở kinh doanh cả thực phẩm bẩn cũng đang cản trở hoạt động chân chính của các doanh nghiệp mang ý thức tự giác sản xuất ra những sản phẩm bảo đảm an toàn vệ sinh. Điều nhức nhối là người tiêu dùng vẫn dễ bị nhầm lẫn, không tự nhận ra chất lượng sản phẩm. Người tiêu dùng chỉ còn cách trông chờ vào cơ quan chức năng. Thế nhưng, dường như các giải pháp mạnh về quản lý nhà nước lâu nay lại như "đánh trống bỏ dùi".

Việc xử phạt hành chính vài triệu đồng đối với các cơ sở vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm, rõ ràng không thể là giải pháp đủ sức răn đe. Qua 7 tháng đầu năm, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) vừa công bố phạt 112 công ty vi phạm về thực phẩm. Tuy nhiên, trong số 112 công ty bị phạt hành chính chỉ có một công ty bị xử lý về chất lượng thực phẩm, số còn lại vi phạm về nội dung quảng cáo.

Trên địa bàn TPHCM, năm 2014 Chi cục Bảo vệ chất lượng nguồn lợi thủy sản thành phố cho biết, thành phố cung cấp khoảng 60 - 65 ngàn tấn/năm, nhập khẩu khoảng 300 - 350 ngàn tấn/năm, nhưng chỉ xử lý được 17 vụ vi phạm chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm.

Báo cáo về tình hình vệ sinh an toàn thực phẩm tỉnh - thành nào cũng cho hay số vụ và tỷ lệ người ngộ độc thực phẩm liên tục giảm qua các năm. Liệu người tiêu dùng có yên tâm được hay không với các báo cáo thành tích về vệ sinh an toàn thực phẩm của cơ quan chức năng?

Ít ai tin rằng số vụ việc xử lý vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm càng thấp thì hàng hóa được bảo đảm chất lượng càng cao. Trái lại, sản phẩm độc hại "qua mắt" hệ thống kiểm soát của cơ quan có trách nhiệm diễn ra hàng ngày, hàng giờ đang là nỗi lo chung của toàn xã hội.

Đến bao giờ mới hạn chế hoặc chấm dứt nỗi lo thực phẩm chứa chất độc hại, vẫn đang là câu hỏi cần trả lời bằng các biện pháp quyết liệt và đồng bộ của hệ thống cơ quan quản lý nhà nước.

Theo Thanh Giang - Đại đoàn kết

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X