Hotline 24/7
08983-08983

Vì sao tỉnh Bắc Ninh nói không nhưng Cục Đường thủy nội địa nói có?

Những ngày qua, thông tin về việc Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh và lãnh đạo một số sở, ngành hữu quan của tỉnh bị các đối tượng giấu mặt đe dọa đang khiến dư luận đặc biệt quan tâm.

Vì sao tỉnh Bắc Ninh nói không nhưng Cục Đường thủy nội địa nói có?
Ông Ngô Thành Sơn, một chủ doanh nghiệp rất được Cục ĐTNĐ Việt Nam ưu ái. Ảnh: ND

Vì sao tỉnh Bắc Ninh kiên quyết phản đối?

Sự việc trở nên “nóng” vào ngày 9/3/2017, khi UBND tỉnh Bắc Ninh có Văn bản số 55/UBND-NN.TN do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hữu Thành (ký thay Chủ tịch UBND tỉnh) ký gửi Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) phản ánh: Văn bản số 1689 do Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật ký và Văn bản số 266 của Cục Đường thủy nội địa (ĐTNĐ) là không đúng tinh thần buổi làm việc giữa Bộ trưởng Bộ GTVT với Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bắc Ninh về việc thực hiện dự án (D.A) nạo vét luồng đường thủy nội địa kết hợp tận thu sản phẩm các đoạn từ km1+000 đến km30+000 trên sông Cầu.

Đề cập đến vấn đề trên, ông Nguyễn Hữu Thành, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh cũng khẳng định, tình trạng khai thác cát trái phép thời gian qua trên địa bàn Bắc Ninh khiến người dân rất bức xúc. Trước nạn khai thác cát trái phép diễn biến phức tạp, UBND tỉnh đã chỉ đạo lực lượng chức năng tăng cường công tác kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm.

Mới đây, trong hai ngày 10 và 13/3, lực lượng Công an đã bắt giữ được 6 tàu khai thác cát trái phép. “Đối với các vụ khai thác cát trái phép, quan điểm của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bắc Ninh là phải xử lý thật nghiêm”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh.

Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Thanh tra, ngày 20/1/2015, UBND tỉnh Bắc Ninh đã có Quyết định số 1205/QĐ-UBND phê duyệt D.A đầu tư xây dựng công trình “Xử lý ngay sạt lở bờ, bãi sông kè Rền đoạn từ K24+700 đến K25+500 đê Tả Đuống huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh”. Giá trị tổng mức đầu tư xây dựng là 18 tỷ 541 triệu đồng và yêu cầu hoàn thành xong trước 31/12/2016.

Ngày 29/4/2016, UBND tỉnh Bắc Ninh có Quyết định số 495/QĐ-UBND về việc phê duyệt chủ trương đầu tư D.A “Xử lý khẩn cấp ngay sự cố sạt lở bờ hữu sông Đuống đoạn từ K4+460 đến K5+020 đê bối Giang Sơn - Song Giang, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh”, với tổng mức đầu tư là 25 tỷ đồng và yêu cầu hoàn thành trước 30/7/2016.

Tiếp đó, ngày 2/12/2016, UBND tỉnh Bắc Ninh có Quyết định số 1646/QĐ-UBND quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư D.A "Xử lý khẩn cấp ngay sự cố sạt lở kè Hoài Thượng đoạn từ K34+700 đến K36+300 đê hữu Đuống, huyện Thuận Thành". Tổng mức đầu tư dự kiến 90 tỷ đồng, nguồn vốn đầu tư từ ngân sách tỉnh và các nguồn vốn khác, yêu cầu hoàn thành trước 30/4/2017.

Đoạn đê Hữu Cầu tại xã Quế Tân, huyện Quế Võ bị sạt lở. Ảnh: Phapluatplus 

Chưa dừng lại, ngày 1/3/2016, tỉnh Bắc Ninh đã phát hiện tại vị trí Km74+400 và Km74+500 đê Hữu Cầu, bờ bãi sông thuộc địa phận xã Quế Tân, huyện Quế Võ đã bị sạt lở đứng thành với chiều dài khoảng 50m ăn sâu vào bãi từ 5 - 10m, vị trí sạt lở gần nhất cách chân đê 25m. Một trong những nguyên nhân của sự việc trên là do Công ty trục vớt luồng hạ lưu triển khai thi công D.A nạo vét, duy tu luồng đường thủy nội địa kết hợp tận thu sản phẩm. 

Để khắc phục sự cố, tỉnh Bắc Ninh phải chi 30 tỷ đồng từ nguồn kinh phí của tỉnh. Trước khi việc sạt lở nghiêm trọng xảy ra, từ năm 2015 đến nay, tỉnh Bắc Ninh đã không cấp phép cho đơn vị nào thực hiện D.A trên.

Như vậy, chỉ tính sơ bộ cho các D.A nâng cấp và kè gia cố đê trong 2 năm (2015 - 2016) thì UBND tỉnh Bắc Ninh đã phải chi tới gần 200 tỷ đồng trong khi các D.A nạo vét, khơi thông luồng lạch mà chưa thấy hiệu quả cụ thể đến đâu.

Doanh nghiệp nạo vét trên sông Cầu là ai?

Theo giấy phép mà Cục ĐTNĐ cấp thì trên dòng sông Cầu có 2 đơn vị được thực hiện D.A nạo vét, duy tu luồng đường thủy nội địa kết hợp tận thu sản phẩm đó là Công ty Cổ phần Đầu tư và Thương mại Việt và Sơn thực hiện tại từ Km69+925 đến Km84+810 và Công ty Cổ phần Trục vớt luồng hạ lưu. 

Tuy nhiên, 2 công ty thực chất là của một mình ông Ngô Thành Sơn (SN 1980, hộ khẩu thường trú tại đường 36, Mao Trung, xã Phượng Mao, huyện Quế Võ, Bắc Ninh). Tổng số km được các công ty này này thực hiện là 45km.

Trước đó, ngày 28/5/2004, TAND TP Hà Nội đã tuyên phạt Ngô Thành Sơn mức án 4 năm tù về tội làm giả con dấu tài liệu của cơ quan, tổ chức do ông Sơn cùng 9 bị cáo khác bị bắt trong đường dây thi thuê, thi kèm vào đại học đã xâm phạm nghiêm trọng việc thi cử.

Đến ngày ngày 12/2/2009, ông Ngô Thành Sơn thành lập Công ty Cổ phần Đầu tư và Thương mại Việt Sơn (Công ty Việt Sơn) theo Giấy Chứng nhận đăng ký kinh doanh số 2300372813 do Phòng Đăng ký Kinh doanh - Sở Kế hoạch và Đầu tư Bắc Ninh cấp có địa chỉ tại số 02, khu 5,thị trấn Phố Mới, huyện Quế Võ, Bắc Ninh với vốn điều lệ là 99 tỷ đồng. Và thay đổi lần thứ 14 ngày 27/9/2016. Vào ngày thay đổi lần thứ 14 này thì công ty đã chuyển trụ sở từ Bắc Ninh về Hà Nội với địa chỉ mới là số 01, tầng 2 T11, Khu đô thị TimeCity, số 458, phố Minh Khai, phường Vĩnh Tuy, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội.

Phóng viên đã đi tìm trụ sở Công ty Cổ phần Trục vớt luồng hạ lưu nhưng không thể thấy mà chỉ thấy trụ sở Công ty Việt Sơn tại thị trấn phố Mới huyện Quế Võ. Ảnh: ND

Ngoài 2 D.A được Cục ĐTNĐ cấp phép trên sông Cầu thì Công ty Việt Sơn còn được cấp các D.A nạo vét cụ thể:

Ngày 27/8/2014, Công ty Việt Sơn được Bộ GTVT chấp thuận chủ trương nạo vét luồng đường thủy quốc gia, tận thu sản phẩm trên sông Kinh Thầy, đoạn từ km13+000 đến km21+500. Đây là D.A duy nhất trong tổng số 71 D.A đã hoàn thành và đưa vào sử dụng theo báo cáo mới nhất của Cục ĐTNĐ.

Đến ngày 17/10/2014, công ty tiếp tục được Bộ GTVT chấp thuận chủ trương nạo vét luồng đường thủy quốc gia, tận thu sản phẩm các đoạn cạn từ km387+200 đến km390+200, km418+000 đến km427+000, km441+000 đến km441+500 và km465+000 đến km466 trên sông Hồng, tỉnh Yên Bái.

Ngoài ra, Công ty Việt Sơn được Bộ GTVT và Cục ĐTNĐ chấp thuận cho thực hiện D.A nạo vét các đoạn cạn từ km258+000 đến km262+000; km262+000 đến km351+000 và km468+000 đến km536+000 trên sông Hồng.

Có thể thấy, riêng trên sông Hồng, Công ty Việt Sơn đã được Cục ĐTNĐ cho phép nạo vét từ km258 đến km536 tức là phạm khi kéo dài từ Phú Thọ lên tới Lào Cai hàng trăm km.

Chiếc xe mà doanh nhân Ngô Thành Sơn hay sử dụng. Ảnh: ND
 
Ngoài ra, công ty này còn được Cục ĐTNĐ tiếp tục cho thực hiện và đang hoàn thiện hồ sơ D.A nạo vét duy tu luồng ĐTNĐ quốc gia, kết hợp tận thu sản phẩm các đoạn cạn từ km93+500 - km96+000; km96+500 - km97+500 trên sông Thái Bình.

Trở lại D.A nạo vét trên sông Cầu của Công ty Cổ phần Trục vớt luồng hạ lưu (do bà Nông Thị Yến làm Giám đốc, bà Yến là người thân của ông Ngô Thành Sơn), thực hiện từ km1+000 đến km30+000, theo Văn bản số 455/CV-SGTVT của Sở GTVT Bắc Ninh ngày 21/4/2015 về việc chấp thuận đăng ký cho những phương tiện tham gia thực hiện D.A thì chỉ có 9 phương tiện được phép đủ điều kiện hoạt động. Trong đó, phương lớn nhất có sức chở là 188 tấn và nhỏ nhất là 138 tấn.

Nhưng tại Văn bản số 15/BC-UBND của huyện Quế Võ ngày 15/3/2017, do Phó Chủ tịch UBND huyện Đặng Văn Tuấn ký thể hiện, trong các ngày Công ty Cổ phần Trục vớt luồng hạ lưu đảm nhận việc thực hiện D.A thi công nạo vét luồng ĐTNĐ quốc gia kết hợp tận thu sản phẩm trên sông Cầu, đoạn từ km1+000 đến km30+000 phía luồng tỉnh Bắc Giang hoạt động đã có rất nhiều phương tiện tập trung nạo vét hút cát trên địa phận tỉnh Bắc Giang (giáp ranh 3 xã của huyện Quế Võ).

Cụ thể tại xã Việt Thống, (km65 - km66+500 đê Hữu Cầu, có số lượng từ 20 - 25 tàu/ngày); tại xã Quế Tân (km73-km73+500, có số lượng từ 13 - 15 tàu/ngày) và tại xã Phù Lãng (km1 - km2+500, có số lượng từ 20 đến 25 tàu/ngày).

Vậy, câu hỏi tại sao số lượng phương tiện vượt rất nhiều so với đăng ký với cơ quan chức năng lại không được xử lý?Theo ông Hoàng Hồng Giang, Cục trưởng Cục ĐTNĐ Việt Nam cho biết như vậy là tàu "cát tặc".

Ngày 17/3, lãnh đạo Chi cục ĐTNĐ phía Bắc cho biết, đã tạm đình chỉ công tác với Đội trưởng, Đội phó và một Thanh tra viên thuộc Đội Thanh tra an toàn số 2. Các cán bộ này chịu trách nhiệm quản lý tuyến sông xảy ra tình trạng khai thác cát trái phép ở Bắc Ninh. Mục đích tạm đình chỉ công tác là để làm rõ trách nhiệm cá nhân và tập thể.

Một điều nữa là trong quá trình thực hiện D.A tại một số địa phương, Công ty Việt Sơn đã nhiều lần bị lập biên bản về những sai phạm trong quá trình thi công nạo vét nhưng không hiểu sao Cục ĐTNĐ vẫn ưu ái chấp thuận cho công ty này rất nhiều D.A nạo vét (là công ty có số D.A và số km lớn nhất trong các công ty được Cục cấp phép).

Để trả lời cho câu hỏi này chỉ có Cục ĐTNĐ Việt Nam mới là người rõ nhất.

Báo Thanh tra sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc.

Theo Nam Dũng - Thanh tra

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X