Hotline 24/7
08983-08983

Trung Quốc cho nổ lòng sông MêKong: Hiểm họa môi trường

Việc Trung Quốc khảo sát sông MêKong, dùng mìn đánh sập thác ghềnh có thể hủy hoại nghiêm trọng hệ sinh thái, ảnh hưởng cuộc sống của người dân.

Hậu quả đáng lo ngại

Để phục vụ kế hoạch khơi thông luồng lạch 200 km sông Mê Kong, 7 tàu từ tỉnh miền nam Vân Nam của Trung Quốc đã đến Chiềng Rai (Thái Lan). Cuộc khảo sát kéo dài 55 ngày tại 15 điểm trên dòng Mê Kong, bắt đầu từ Tam Giác Vàng, vùng giao thoa của ba nước Lào, Myanmar và Thái Lan.

Các chuyên gia quốc tế lo ngại, Trung Quốc có thể dùng chất nổ đánh sập thác ghềnh để tạo thuận lợi cho giao thông.

Trao đổi với Đất Việt về vấn đề này, TS Dương Văn Ni, khoa Môi trường và Tài nguyên thiên nhiên (Đại học Cần Thơ) khẳng định hành động trên của Trung Quốc có thể hủy hoại và tác động nghiêm trọng đến hệ thống dòng chảy trên sông Mê Kong.

Trung Quoc cho no long song MeKong: Hiem hoa moi truong
Tàu Trung Quốc di chuyển trên sông Mê Kong

Theo TS Ni, việc dùng mìn đánh sập thác ghềnh sẽ hủy hoại và làm ảnh hưởng không hề nhỏ đến hệ sinh thái. Các ghềnh thác tự nhiên mất đi đồng nghĩa với việc lượng ôxi ở bên dưới dòng nước bị giảm đi.

“Sông Mê Kong có những loài cá rất to với trọng lượng lên tới hàng trăm kg. Những con cá lớn như vậy sống được đòi hỏi lượng ôxi lớn. Nhờ dòng sông có những thác ghềnh mới tạo ra ôxi phong phú cho dòng nước.

Hơn nữa những chỗ xoáy, chỗ trũng là nơi nhiều loài cá đến đẻ, sinh sản trong mùa khô. Giờ Trung Quốc dùng mìn tác động, làm cho đáy sông bằng phẳng thì chắc chắn dòng nước không có đủ ôxi, những loài cá cần nhiều ôxi sẽ chết.

Ngoài ra, việc này cũng tác động trực tiếp đến đời sống sinh hoạt và cuộc sống của các hộ dân đang sống trên dòng sông Mê Kong”, ông Ni lo ngại.

Trong khi đó, theo đánh giá của PGS.TS Lê Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu (Đại học Cần Thơ), bất cứ quốc gia nào khi tiến hành những hoạt động có ảnh hưởng đến dòng chảy của sông Mê Kong đều phải làm các thủ tục thông báo, tham vấn trước và thỏa thuận với Ủy hội sông Mê Kong (MRC).

Hơn nữa Trung Quốc hiện nay cũng đang là đối tác chính thức của MRC nên việc này càng cần phải được chú trọng.

“Tôi không rõ khảo sát của Trung Quốc lần này đã có sự thỏa thuận nào đó với chính quyền Thái Lan hay Lào chưa. Tuy nhiên dưới quan điểm của một người làm khoa học, tôi phản đối việc dùng mìn đánh sập thác ghềnh. Khi điều này xảy ra sẽ mất đi nơi trú ẩn, nơi sinh sản của rất nhiều loài cá, loài thủy sản, làm đảo lộn quy luật tự nhiên tại khu vực này.

Ý đồ của Trung Quốc khi tiến hành kế hoạch trên là tạo ra hành lang giao thông để di chuyển tàu bé, hàng hóa đi lại nhiều trên sông. Tuy nhiên xét về ý đồ về chính trị, quân sự của Trung Quốc tôi nghĩ chúng ta cũng cần phải tìm hiểu thêm”, ông Tuấn nhấn mạnh.

Cần phải lên tiếng mạnh mẽ

Về phía Việt Nam, TS Dương Văn Ni nhận định, người dân khu vực Đồng bằng sông Cửu Long sẽ chịu nhiều ảnh hưởng từ hoạt động thăm dò, dùng mìn tác động vào hệ thống thác ghềnh tự nhiên trên sông Mê Kong.

Vị chuyên gia phân tích: “Tôi đảm bảo khi Trung Quốc phá dỡ những ghềnh đá tự nhiên thì sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng nguồn nước xuống khu vực đồng bằng của Việt Nam. Nước bị xấu đi rất nhiều do thiếu ô xi. Thứ hai là lượng phù sa, lượng nước tái tạo nên đồng bằng cũng bị giảm đi. Mức độ ảnh hưởng ra sao thì cần có những nghiên cứu, đánh giá chi tiết.

Ngoài ra, nguồn cá cũng bị ảnh hưởng trực tiếp. Nhiều loài chọn chỗ ghềnh thác, chỗ trũng làm chỗ đẻ. Giờ mất chỗ đẻ nên số lượng cá giảm xuống dẫn đến số lượng cá, thủy sản về khu vực đồng bằng của Việt Nam nhiều được. Điều này sẽ tác động trực tiếp đến nhóm người sống bằng nghề khai thác, đánh bắt cá trên các sông ngòi của Việt Nam”.

Từ những phân tích trên, TS Dương Văn Ni cho rằng Việt Nam và Ủy ban sông Mê Kong Việt Nam cần phải lên tiếng mạnh mẽ về hoạt động khảo sát lần này của Trung Quốc.

“Chúng ta có Ủy ban sông Mê Kong Việt Nam. Như vậy Ủy ban cần phải là nhóm đầu tiên tư vấn cho Chính phủ để lên tiếng về vấn đề này. Đơn vị này đã được Thủ tướng và nhân dân tin tưởng giao cho nhiệm vụ thương lượng, đàm phán, thỏa thuận với nước bạn về dòng sông Mê Kong. Họ cần phải có tiếng nói.

Ngoài ra, Ủy ban này đang chịu sự quản lý của Bộ TN-MT. Vì thế tôi nghĩ Bộ TN-MT cũng cần phải có tiếng nói trước khi Chính phủ đưa ra ý kiến”, ông Ni nhấn mạnh.

Trong khi đó, PGS.TS Lê Anh Tuấn bày tỏ lo lắng khi thời gian qua, Ủy hội sông Mê Kong chưa có tiếng nói mạnh mẽ đối với các hoạt động xâm hại, tác động đến dòng chảy trên sông Mê Kong.

Đơn cử như việc Lào xây dựng nhiều thủy điện trên sông Mê Kong bất chấp sự phản đối quyết liệt của Việt Nam và Campuchia.

Hay như mới đây nhất, Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha bác bỏ những lo ngại từ việc Trung Quốc thực hiện kế hoạch thăm dò các thác ghềnh dọc sông Mê Kong, cho rằng việc cân bằng lợi ích môi trường và phát triển kinh tế là điều quan trọng. Trong khi đó người dân và các nhà khoa học Thái Lan lên tiếng phản đối quyết liệt.

Vì vậy mong muốn các nước thành viên trong Ủy hội sông Mê Kong cùng lên tiếng để gây áp lực với Trung Quốc trong hoạt động thăm dò, khảo sát lần này sẽ rất khó khăn.

“Nhiều nước cũng vì quyền lợi của quốc gia dân tộc mà đồng ý với các kế hoạch của Trung Quốc. Do đó giờ cần lật lại các hiệp ước, thỏa thuận của Ủy ban sông Mê Kong để bổ sung cho chặt chẽ hơn, làm sao để các nước có quyền phản đối hoặc biểu quyết trong những vấn đề này’, ông Tuấn nhấn mạnh.

Theo Hoàng Nam - Đất Việt

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X