Hotline 24/7
08983-08983

Tràn lan ăn xin ở Sài Gòn

Ôm đứa trẻ ngặt nghẹo, vai đeo túi cáu bẩn, người phụ nữ đen nhẻm liên tục qua lại trước cổng BV Từ Dũ (quận 1, TP HCM) xin tiền.

 Ở cửa sau và khu vực xung quanh viện cũng có ít nhất 3 người tương tự.

"Chị ơi em ở quê mới lên, con em bị bệnh không có tiền mua thuốc, nó khóc suốt, chị thương giùm", thiếu phụ trẻ trong bộ quần áo luộm thuộm dứ dứ đứa trẻ khoảng một tuổi về phía người phụ nữ vừa bước ra từ BV Từ Dũ (phường Phạm Ngũ Lão, quận 1, TP HCM) sáng 25/12. Không được cho tiền, cô ta ôm đứa trẻ sang níu tay người khác, dưới cái nắng gắt cuối năm của Sài Gòn.

Chỉ trong khoảng một giờ có hơn chục người dúi những đồng lẻ vào tay người phụ nữ, trong đó có cả những tờ 10.000 và 20.000 đồng.

xin-tien-Tu-Du.jpg

Xin tiền trước cổng BV Từ Dũ. Ảnh: Duy Trần

Bán nước đầu đường Phạm Viết Chánh (đối diện BV Từ Dũ), bà Kiều cho biết, người phụ nữ ẵm con "hành nghề" ăn mày đã 3-4 tháng nay, người dân quanh khu vực đã nhẵn mặt. "Sáng thấy nó đi xe buýt cùng vài phụ nữ ẵm con từ hướng quận 8 qua rồi xế chiều đón xe đi. Tụi nó chia khu vực hết đó, đứa cổng chính, đứa cổng phụ, thỉnh thoảng đổi địa điểm cho nhau để xin tiếp", bà Kiều nói.

Không chỉ khu vực BV Từ Dũ mà quanh BV Chợ Rẫy, Phạm Ngọc Thạch (quận 5) cũng có 4-5 người lảng vảng xin tiền. Ngoài cách ẵm con nhỏ, họ còn đẩy xe có người khuyết tật, trẻ bị bệnh não úng thủy đi xin. "Có hôm tui thấy một bà ăn xin móc trong túi xách ra cả triệu đồng, ngồi đếm. Bằng 5 ngày tui chạy xe đấy", ông Bảy xe ôm ở cổng phụ BV Chợ Rẫy cho biết.

Tại công viên 23/9 (quận 1) thì có hẳn đội quân phụ nữ đội nón lá dẫn 1-2 đứa bé nhếch nhác đến các hàng ghế xin tiền. Nhiều người trong công viên từ chối thì bị họ đeo bám, nài nỉ đến khi "khổ chủ" chịu móc tiền ra mới thôi. Khách du lịch ở trung tâm quận 1 thường qua lại công viên trở thành "miếng mồi" béo bở nên khi kế hoạch "bà mẹ ẵm con" thất bại, sẽ có "đội quân" gồm chục đứa trẻ lem luốc, rách rưới đeo bám xin tiền.

Ông Fabien, quốc tịch Pháp, người đã sinh sống và làm việc hơn 10 năm nay ở TP HCM cho biết, tụi nhỏ được dạy nói những từ tiếng Anh để xin tiền người nước ngoài. "Họ nói 'money, please', 'I am hungry'... Mới đầu tôi còn cho nhưng sau này phải dứt khoát bởi cho một đứa sẽ có nhiều cô cậu khác chạy đến xin...", ông Fabien nhún vai, nói.

Hay như tại đường như Mai Chí Thọ (quận 2), Xa lộ Hà Nội (quận Thủ Đức) mấy tháng nay xuất hiện nam thanh niên mặc áo rách rưới, trông như cụt một chân và chân còn lại bị tật, bò lết trên đường. Vẻ mặt nhăn nhó tỏ ý đau đớn của anh ta khiến không ít người dừng lại cho tiền.

Tuy nhiên, chỉ hai giờ sau đó nam thanh niên này được phát hiện đang bò trên Xa lộ Hà Nội đoạn gần ngã ba 621, cách chỗ cũ hơn 10 km và tiếp tục cầu mong sự thương hại của người đi đường. Khi phát hiện có người chụp ảnh mình, anh ta đứng dậy đuổi theo bằng cả hai chân, miệng không ngừng văng tục.

xin-an.jpg

Nam thanh niên giả dạng khuyết tật lết đi xin tiền trên đường Mai Chí Thọ. Ảnh: Duy Trần

Một hình thức ăn xin phổ biến khác đang tràn lan ở TP HCM là nhóm người hay chở các cụ già đến thả tại các ngã ba, tư đông đúc. Các cụ mặc áo trùm kín người, vẻ mặt khổ sở, tay cầm nón đưa ra phía trước cầu mong sự bố thí của mọi người.

Tại ngã tư Bình Thái, ngã tư MK (Thủ Đức), mũi tàu Cộng Hòa (Tân Bình) hay dưới cầu vượt Cát Lái (quận 2)... cứ 6h hàng ngày sẽ có hai xe máy chở các cụ đến. Người cầm lái chạy vào quán cà phê gần đó ngồi quan sát, nếu có người đi đường dừng lại hơi lâu hay nhóm cán bộ phường xuất hiện là họ lao ra chở các cụ đi ngay.

Còn tại quốc lộ 22 (huyện Hóc Môn), quốc lộ 1 đoạn qua quận Bình Tân, Bình Chánh... người ăn xin tập trung theo từng nhóm hoặc để trẻ 4-10 tuổi đi xin tiền. Có nhiều trẻ em cởi trần, da đen nhẻm, nói tiếng Khơme đứng tại các trục đèn đỏ chờ xe dừng là túa ra chặn đầu, ngả mũ. Cách đó khoảng 200 mét luôn có những người đàn bà ngồi túm tụm chờ bọn nhỏ mang tiền sang đưa.

Nhận định tình trạng người ăn xin đang tràn lan ngoài đường, mới đây UBND TP HCM đã gửi công văn khẩn tới UBMTTQ thành phố, sở, ngành, đoàn thể và các địa phương đề nghị tăng cường quản lý người lang thang xin ăn, không nơi cư trú trên địa bàn từ nay đến Tết Nguyên đán Ất Mùi và những ngày lễ trọng đại trong năm 2015.

Theo UBND thành phố, việc xuất hiện những kẻ xin ăn giả dạng người cao tuổi bán tăm bông, tu sĩ khất thực, người mắc bệnh hiểm nghèo, người khuyết tật lê lết trên đường phố... đã làm ảnh hưởng đến hình ảnh thành phố. Vì vậy, việc giải quyết tình trạng người lang thang xin ăn, không nơi cư trú được xác định là một trong những nhiệm vụ thường xuyên trong công tác quản lý xã hội trên địa bàn.

"Đây là việc làm hết sức nhân văn. Trước mắt, không để người ăn xin ở ngoài đường sống lây lất mà đưa họ vào trung tâm hỗ trợ xã hội có chỗ ăn, chỗ ở ổn định. Lâu dài, thành phố quyết tâm dọn dẹp những hình ảnh xấu nhằm giữ hình ảnh TP HCM văn minh, hiện đại trong mắt bạn bè quốc tế và để người dân đón Tết an vui", Phó Chủ tịch UBND TP HCM Hứa Ngọc Thuận, nói.

Giám đốc Sở Lao động - Thương binh - Xã hội TP HCM Trần Trung Dũng cho biết, việc đưa người lang thang, xin ăn vào cơ sở xã hội thành phố đã làm nhiều năm nay. Theo kế hoạch, ngày 28/12, TP HCM sẽ ra quân đưa người ăn xin, lang thang vào trung tâm hỗ trợ xã hội. "Sau khi đưa vào cơ sở xã hội, người lang thang, xin ăn sẽ được phân loại. Ai có thân nhân, gia đình, hộ khẩu sẽ chuyển về gia đình; ai không có nơi cư trú sẽ làm hồ sơ đưa lên các cơ sở xã hội", ông Dũng nói.

Theo vị giám đốc Sở, toàn bộ chế độ, kinh phí nuôi dưỡng người ăn xin, lang thang lấy từ nguồn ngân sách của thành phố. "Mục tiêu của thành phố là trước Tết Nguyên đán 2015 cơ bản không còn người ăn xin, lang thang ngoài đường", ông Dũng khẳng định.

Theo Duy Trần - Trung Sơn - VnExpress

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X