Hotline 24/7
08983-08983

Thuyên tắc động mạch phổi: Nhận biết và xử lý thế nào?

Thuyên tắc động mạch phổi là tổn thương do có một cục máu đông trong động mạch phổi, gây tắc mạch máu vận chuyển máu từ tim đến phổi, và đe dọa tính mạng bệnh nhân.

Thuyên tắc động mạch phổi do đâu?

Thuyên tắc động mạch phổi xảy ra khi một cục máu đông di chuyển theo dòng máu và bị kẹt trong động mạch phổi. Cục máu đông ban đầu thường được hình thành ở các tĩnh mạch sâu ở chân, khi đó gọi là huyết khối tĩnh mạch sâu. Các nguyên nhân chính gây ra một cục máu đông là: tốc độ máu chảy chậm, mạch máu bị tổn thương, máu đông quá dễ dàng.
 
Cục máu đông gây tắc mạch phổi

Dấu hiệu phát hiện bệnh

Các dấu hiệu để phát hiện thuyên tắc động mạch phổi thường là: đau ngực, khó thở và ho. Đau ngực với tính chất đau nhói như bị đâm, đau tăng khi hít sâu. Khó thở theo 2 cách: khó thở đột ngột hoặc khó thở dần dần, khi khó thở bệnh nhân thường hoảng hốt lo sợ. Ho: thường là ho khan, có thể ho ra máu hoặc chất nhầy lẫn máu.
 
Bệnh nhân thường vã mồ hôi, chóng mặt, hoa mắt. Thuyên tắc động mạch phổi được nghi ngờ nếu bệnh nhân có các triệu chứng trên kết hợp với tiền sử gần đây bệnh nhân hay đau ở cánh tay hoặc chân.
 
Nếu một người ít hoặc không hoạt động, máu có xu hướng dồn xuống ở phần dưới của cơ thể, đặc biệt là ở chân. Khi cơ thể vận động, dòng máu tăng và máu sẽ lưu thông khắp cơ thể, không gây nên cục máu đông. Nhưng khi cơ thể phải bất động một thời gian dài, tốc độ của dòng máu bị chậm lại một cách đáng kể, khi đó nguy cơ sinh ra cục máu đông rất cao. Người ta có thể phải bất động trong các trường hợp: tai biến mạch máu não, sau chấn thương, chẳng hạn gãy chân phải nằm tại giường vài tháng, sau phẫu thuật...
 
Tổn thương mạch máu làm cho thành của mạch máu có thể bị thu hẹp hoặc bị tắc, rất dễ hình thành cục máu đông. Mạch máu có thể bị tổn thương do: chấn thương như gãy xương, vết thương phần mềm... do phẫu thuật, một cục máu đông có thể hình thành, đặc biệt là trong các phẫu thuật ở nửa dưới của cơ thể. Viêm thành mạch máu, tác dụng phụ của một số loại thuốc, chẳng hạn như hóa trị có thể dẫn đến tổn thương mạch máu.

Cục máu đông thường hình thành trong các trường hợp: bị ung thư phải điều trị bằng hóa trị và xạ trị, bệnh suy tim, chứng ưu huyết khối là một bệnh di truyền làm cho máu dễ bị đông, hội chứng Hughes là một tình trạng mà máu trở nên dính, tăng xu hướng đông máu.

Ngoài ra còn có các yếu tố làm tăng nguy cơ thuyên tắc mạch phổi gồm: tuổi từ 40 trở lên, trong gia đình có người bị bệnh máu dễ đông, thừa cân hoặc béo phì, phụ nữ mang thai, người nghiện thuốc lá thuốc lào, người uống thuốc tránh thai kết hợp hoặc thay thế hormon...

Tập thể dục thường xuyên để phòng thuyên tắc mạch phổi

Lưu ý trong điều trị và phòng bệnh

Thuốc chống đông máu heparin và warfarin là hai thuốc chống đông máu thường được dùng để điều trị thuyên tắc động mạch phổi. Heparin thường được sử dụng đầu tiên bởi vì nó ngăn chặn cục máu đông hình thành ngay lập tức. Warfarin có thể mất nhiều thời gian để có tác dụng nhưng nó có hiệu quả hơn trong việc ngăn ngừa cục máu đông. Thuốc heparin có thể gây ra các tác dụng phụ như: phát ban da, đau đầu, đau dạ dày, mệt mỏi, suy tủy nếu dùng dài ngày. Warfarin thường phải dùng lâu dài để ngăn ngừa hình thành các cục máu đông.
 
Có một số yếu tố có ảnh hưởng đến hiệu quả của warfarin như: chế độ ăn uống, chức năng gan, các thuốc khác mà bệnh nhân đang dùng. Vì vậy, trong khi dùng warfarin bệnh nhân cần lưu ý: có chế độ ăn uống phù hợp theo hướng dẫn của bác sĩ, hạn chế rượu bia, uống thuốc cùng một thời điểm hằng ngày, không dùng bất kỳ thuốc nào khác mà không có chỉ định của bác sĩ và tránh dùng các loại thảo dược.
 
Phòng bệnh thuyên tắc động mạch phổi: nếu bệnh nhân có các yếu tố trên 40 tuổi, có phẫu thuật bụng, hông, chân và có gây mê toàn thân, tiền căn có cục máu đông, có thành viên trong gia đình đã có cục máu đông, thừa cân hoặc béo phì, đã và đang có ung thư, có vấn đề bệnh lý về tim, phổi, ruột hoặc khớp thì cần phải dùng thuốc để ngăn ngừa sự hình thành các cục máu đông. Thuốc ngăn chặn các cục máu đông, thuốc chống đông máu như warfarin cần dùng khi bệnh nhân đang ở trong bệnh viện và cả khi về nhà.
 
Dùng vớ y khoa ép chặt xung quanh chân của bệnh nhân làm cho máu chảy nhanh hơn. Tăng cường vận động bằng cách đi lại hoặc tập thể dục chân. Bỏ hẳn thuốc lá thuốc lào. Thực hiện chế độ ăn uống lành mạnh ít chất béo với nhiều trái cây và rau quả. Tập thể dục thường xuyên hằng ngày hoặc ít nhất là 2 giờ 30 phút một tuần. Duy trì một trọng lượng hợp lý, giảm cân nếu đang thừa cân hoặc béo phì.
 
AloBacsi.vn
 Theo ThS.Nguyễn Mạnh Hà - Sức khỏe & Đời sống

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X