Hotline 24/7
08983-08983

Thế giới ngầm của lao động nữ trái phép ở Malaysia

Li Nang, một lao động nhập cư, mặc chiếc quần đùi ngắn cũn và đi đôi giày cao gót cúi đầu trước bức tượng nữ thần ở Kuala Lumpur, cầu làm ăn thuận lợi và bản thân an toàn.

Thế giới ngầm của những nữ lao động không giấy tờ như Li Nang phần nào bị đưa ra ánh sáng khi một người đàn ông được xác định là Kim Jong-nam, anh của lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, bị hai phụ nữ sát hại tại sân bay Kuala Lumpur hôm 13/2. 

Kể từ đó, cảnh sát Malaysia đã tăng cường truy quét những lao động bất hợp pháp, khiến cuộc sống bấp bênh của họ càng trở nên khó khăn hơn, theo AFP.

Cảnh sát Malaysia đang lấy lời khai từ các cô gái Việt Nam trong một cuộc đột kích vào hai tụ điểm ăn chơi hồi năm ngoái. Ảnh: NST

Cảnh sát Malaysia lấy lời khai từ các cô gái Việt Nam trong một cuộc đột kích vào hai tụ điểm giải trí năm 2014. Ảnh: NST

Hai nữ nghi phạm Siti Aisyah, 25 tuổi, người Indonesia, và Đoàn Thị Hương, 28 tuổi, người Việt Nam, đã bị buộc tội giết người và có thể đối mặt với án tử hình nếu bị kết tội. Cả hai cô gái đều khai rằng họ bị lừa tham gia vào một trò chơi khăm trên truyền hình nhưng cảnh sát bác bỏ điều này.

Có rất ít thông tin về họ. Cảnh sát nói rằng Hương làm việc tại một tụ điểm giải trí còn Siti là nhân viên của một tiệm massage. Các chuyên gia về vấn đề nhập cư cho rằng sự bí ẩn quanh cuộc sống của họ là ví dụ điển hình cho thế giới ngầm của hàng nghìn phụ nữ nhập cư Đông Nam Á không giấy tờ ở Malaysia.

Nhiều người đến Malaysia thông qua các hợp đồng lao động chính thức nhưng có hàng nghìn người lợi dụng việc được lưu lại Singapore và Malaysia trong 30 ngày để đi lại giữa các nước, tranh thủ kiếm sống.

Làm những công việc như dọn dẹp vệ sinh, tiếp viên trong nhà hàng, nhân viên massage, mại dâm, họ sống lén lút, dễ bị cảnh sát lợi dụng để đòi hối lộ.

Khi sang Malaysia làm việc, Li Nang, một gái mại dâm 25 tuổi, vẫn giữ liên lạc đều đặn với em gái ở quê nhà để trấn an gia đình, dù chính bản thân cô lo lắng cho sự an toàn của mình.

"Tôi nhắn tin cho nó, nói rằng tôi phải liều. Tôi có lựa chọn nào đâu? Tôi cần tiền", Li Nang nói trong một quán bar ánh sáng lờ mờ.

Nỗi lo sợ thường trực

Việc Hương và Siti bị bắt đã khiến cộng đồng những người lao động như Li bị chú ý ngoài mong muốn.

Tại một quán rượu ở vùng ngoại ô Petaling Jaya, nữ tiếp viên người Philippines Mika kể rằng cảnh sát đang gia tăng truy bắt những lao động trái phép như cô sau vụ giết người trên.

3 trong số những người bạn của cô đang làm việc ở đây đã bị bắt.

"Tôi may mắn nghỉ làm vào hôm đó. Tôi nghĩ ông trời đã cứu mình", người mẹ đơn thân này nói. "Tôi đang sống trong nỗi lo sợ thường trực. Tôi không muốn bị bắt".

Cô gái 35 tuổi trước đó đã trả 3.600 RM (800 USD) cho một nhân viên môi giới việc làm để có được thị thực lao động dài hạn nhưng hắn ta đã cuỗm lấy số tiền này cao chạy xa bay.

"Bây giờ tôi chỉ có visa tháng. Trước khi nó hết hạn, tôi phải sang Thái Lan 3 đêm. Tôi đóng phí 1.000 RM (hơn 220 USD) cho một người môi giới và anh ta lấy visa mới cho tôi thêm một tháng", cô kể. "Cuộc sống tháng nào cũng trôi đi như thế".

Malaysian anti-human trafficking police officer checks the passport of an alleged victim. Photo: Vietnam News Agency/Bernama

Cảnh sát chống buôn người Malaysia kiểm tra hộ chiếu các cô gái trong cuộc truy quét một tụ điểm mại dâm ở Kuala Lumpur. Ảnh: Bernama

Malaysia, nền kinh tế lớn thứ ba Đông Nam Á, phụ thuộc phần lớn vào lao động nước ngoài. Theo một báo cáo của World Bank năm 2015, quốc gia này có 2,1 triệu người nhập cư có giấy tờ hợp pháp và khoảng hơn một triệu người bất hợp pháp.

Phụ nữ là đối tượng lao động đặc biệt đối mặt với nhiều nguy cơ bởi họ bị những kẻ môi giới hoặc ông chủ ép sống chung một nhà để giám sát thường xuyên, bị cô lập và rất ít khi liên lạc với bên ngoài, bà Aegile Fernandez, nhà hoạt động vì quyền của người nhập cư, đồng giám đốc của tổ chức phi lợi nhuận bảo vệ người nhập cư ở Malaysia, nói.

Hộ chiếu thường bị tịch thu nên họ không có cách nào để bỏ trốn, phải chấp nhận tiếp tục bị lạm dụng, bóc lột. 

"Một số người thậm chí bị các ông chủ đe dọa bàn giao cho cơ quan chính quyền hoặc dọa cưỡng hiếp", bà nói. "Nếu ở trong tình cảnh này, các bạn sẽ rất sợ hãi, không có cách nào thoát ra mà chỉ có thể tiếp tục làm việc". 

Theo Anh Ngọc - VnExpress

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X