Hotline 24/7
08983-08983

“Thấy hoa đẹp muốn bẻ làm của riêng là bệnh tiểu nông, ích kỷ”

“Câu chuyện văn hóa ứng xử của người Việt đang có xu hướng xô bồ, ăn xổi xuất phát từ cái tôi ích kỷ”, PGS.TS Trịnh Hòa Bình cho biết.

Ngày 6/3, UBND tỉnh Bình Thuận có văn bản chỉ đạo Giám đốc Sở Tư pháp Bình Thuận xác minh vụ việc bà Phạm Thị Minh Hiếu - Phó Giám đốc Sở Tư pháp Bình Thuận - bị “tố” bẻ hoa mai anh đào - loài hoa vốn là niềm tự hào của người dân Đà Lạt.

Cũng ngày 6/3, mạng xã hội xuất hiện hình ảnh nhóm nam nữ tự xưng phượt thủ vô tư hái hoa mai anh đào để… trang trí xe. Còn tại lễ hội hoa hồng Bulgaria tại Hà Nội, mặc dù đã có biển cấm nhưng nhiều người vẫn vô tư chạm, hái hoa.

thay hoa dep muon be lam cua rieng la benh tieu nong ich ky hinh 1
Hình ảnh bà Phạm Thị Minh Hiếu cầm nhành hoa anh đào được đăng tải trên Facebook N.A.T.

Người Việt vốn yêu hoa, thích “thưởng” hoa nhưng việc gìn giữ, bảo vệ hoa ở chỗ công cộng là một câu chuyện khác. Dưới góc nhìn văn hóa, PGS.TS Trịnh Hòa Bình, Phó Tổng Thư ký Hội Xã hội học Việt Nam lý giải trong cuộc trò chuyện với PV.

PGS.TS Trịnh Hòa Bình: Nhìn những hình ảnh xấu xí đó, tôi cho rằng hoàn toàn không thể bào chữa, biện minh rằng đó là tình yêu cái đẹp, tôn thời cái đẹp, muốn sở hữu cái đẹp. Những hình ảnh đó cho thấy không gì khác hơn là thói vị kỷ, chỉ biết mình khi thưởng thức cái đẹp. Đừng nhầm tưởng rằng thưởng thức cái đẹp là dễ dàng, vì nó còn đòi hỏi văn hóa, sự tinh tế và gu thẩm mỹ.

Có những người được xem như là nhóm trên của xã hội nhưng vẫn chọn hành xử “hoang sơ”, phản cảm, phản văn hóa khi tiếp nhận văn hóa. Nó liên quan đến câu chuyện văn hóa ứng xử của người Việt đang có xu hướng xô bồ, ăn xổi xuất phát từ cái tôi ích kỷ. Nhìn kỹ đó là hiện tượng cái giả, cái ảo đang chiếm lĩnh, chi phối.

PV: Người Việt rất yêu hoa song lại rất thích hái hoa, thậm chí tranh cướp, tàn phá hoa. Điều này có mâu thuẫn gì không, thưa ông?

PGS.TS Trịnh Hòa Bình: Người Việt tham gia các lễ hội hoa, đi ngắm hoa, nhưng việc hành xử rất mâu thuẫn. Trong một đám đông người ta thường đổ thừa đó là sự quá tải, người ta làm thế thì mình cũng làm thế được.

Mâu thuẫn là đi đến với cái đẹp, không làm giàu cho cái đẹp nhưng lại muốn chiếm dụng, sở hữu nó. Lúc này, mỗi cá nhân dường như không còn cái tên cụ thể nữa, họ đã mờ đi trong đám đông và trong đầu họ chỉ còn suy nghĩ hãy sở hữu nó mà thôi.

thay hoa dep muon be lam cua rieng la benh tieu nong ich ky hinh 2
Thản nhiên bẻ hoa ở Lễ hội Hoa hồng Bulgaria

thay hoa dep muon be lam cua rieng la benh tieu nong ich ky hinh 3
Bất chấp biển cấm, cô gái này vẫn chạm vào hoa để chụp ảnh tại Lễ hội Hoa hồng Bulgaria.

PV: Mỗi lần lễ hội hoa hay đường hoa được tổ chức, câu chuyện ý thức của người Việt đến hẹn lại được nhắc tới. Vì sao, thưa ông?

PGS.TS Trịnh Hòa Bình: Lâu nay, ta vẫn quen ca ngợi những đức tính tốt đẹp của người Việt, như là người Việt rất hướng thiện, giàu tính cộng đồng, thấm nhuần chủ nghĩa nhân văn, cần cù trong lao động. Không thể phủ nhận được đó là thuộc tính của người Việt.

Tuy nhiên, câu chuyện thấy hoa đẹp thì hái hoa làm của riêng, tranh cướp nhau lấy về làm của chung, từ người có địa vị xã hội đến người dân bình thường, từ người già đến người trẻ, nhìn rộng ra đây là câu chuyện về thói tham lam, tiểu nông của người Việt.

PV: Vậy chúng ta có thể thay đổi được điều đó hay không?

PGS.TS Trịnh Hòa Bình: Thấy mình được lợi thì bất chấp, làm bằng được để thỏa mãn mình, bất chấp cộng đồng, bất chấp người xung quanh. Có thể gọi đó là sự hỗn tạp trong việc tiếp nhận giá trị văn hóa, một thói xấu cả trong cuộc sống thường ngày đến cả những dịp lễ hội.

Đó là sự lệch lạc trong giá trị sống. Để thay đổi điều đó không phải là câu chuyện của ngày một ngày hai, mà đó còn là việc chúng ta phải quay về việc giáo dục các giá trị nhân văn khi tiếp nhận cái đẹp.

PV: Xin cảm ơn ông.

Theo Tố Uyên - VOV

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X