Hotline 24/7
08983-08983

Tết ở... nghĩa địa

Mỗi kiếp người đang mưu sinh nơi nghĩa địa đều có hoàn cảnh khá đặc biệt. Ánh mắt của những đứa trẻ sinh ra và lớn lên trong không gian ấy.

Tet o... nghia dia
Mẹ con chị Liên mong đến cuối năm để kiếm thêm thu nhập

Trời sập tối, không khí lạnh tràn về. Bà Nghĩa đốt lá khô để xua muỗi và tìm chút hơi ấm. Trong ánh sáng lập lòe, đôi mắt bà trăn trở cho cuộc sống của năm đứa cháu ngoại....

365 ngày chỉ chờ một dịp

Bên trong nghĩa trang Sòng Sơn (đường Tân Kỳ Tân Quý, P.Bình Hưng Hòa, Q.Bình Tân, TPHCM) ít ai ngờ là nơi trú ngụ, mưu sinh của nhiều gia đình. Một ngôi nhà lá nhỏ xíu, dựng tạm bợ giữa hàng ngàn ngôi mộ là nơi tá túc suốt 20 năm nay của gia đình bà Nguyễn Thị Cúc (53 tuổi). Đang soạn lại ít nhang đèn để bán vào những ngày tảo mộ, nghe tiếng xe máy từ xa, bà Cúc vội đứng dậy hóng tai rồi giải thích: “Mùa này khách vào viếng mộ nhiều hơn, là cơ hội để tụi tui kiếm cơm”.

Chồng bà - ông Trần Văn Hẹn, 56 tuổi nhưng trông già rúm ró vì bị chứng đau thần kinh tọa hành hạ từ lâu. Bốn năm nay, ông Hẹn chỉ quanh quẩn ở nhà phụ vợ. Nghe vợ nhắc đến tết, ông Hẹn cười nói: “Chúng tôi mong từng ngày để kiếm thêm ít tiền. Cả ngàn ngôi mộ mình chăm sóc, cuối năm người ta đến trả công, gom được gần 20 triệu đồng. Chưa kể từ tháng này trở đi, khách đến viếng mộ nhiều hơn, không chỉ bán thêm ít bó nhang mà thi thoảng họ nhờ sơn phết mộ cũng có thêm vài triệu đồng”.

Hai mươi năm trước, vợ chồng bà Cúc và hai con trai đùm túm nhau vào nghĩa trang dựng ngôi nhà nhỏ sinh sống. Trong căn nhà bốn bức tường gạch chưa tô với vài chỗ nứt toác, rong rêu bám đầy, bà Cúc xoay chiếc quạt máy về phía chúng tôi, ngượng ngùng: “Toàn bộ đồ đạc trong nhà: tủ, bàn, ghế đều là thứ người ta vứt đi, mình mang về xài”.

Bao nhiêu năm trôi qua, những lo toan hàng ngày của bà vẫn chưa vượt khỏi chuyện cơm áo bởi con trai lớn, anh V. (33 tuổi), chẳng may sa vào ma túy rồi nhiễm HIV và hiện sống dựa hoàn toàn vào cha mẹ. Con trai út của bà Cúc làm nghề lái taxi, cũng chỉ đủ xoay xở nuôi vợ và hai con nhỏ.

Để có tiền trang trải cuộc sống, 20 năm nay, vợ chồng bà Cúc nhận chăm sóc “nhà” cho người chết, từ tưới cây, quét dọn, nhổ cỏ đến sơn phết… Mỗi ngày đều đặn cứ 4g30, bà thức dậy quét dọn, thắp nhang cho hơn 1.000 ngôi mộ, rồi nhổ cỏ, tưới cây, tưới hoa, lau chùi và tranh thủ bán thêm nhang đèn cho khách. Xoa xoa hai đầu gối, bà Cúc nhăn mặt nói: “Mấy ngày nay trời lạnh, khách đến viếng mộ nhiều, mình cũng phải làm nhiều nên hai khớp gối đau kinh khủng”.

Tương tự bà Cúc, hai mẹ con bà Trần Thị Nghĩa (54 tuổi) sống trong nghĩa trang Tương tế Thanh Hóa - P.Bình Hưng Hòa, Q.Bình Tân - cũng ngóng tết từng ngày. Dáng vẻ cứng cáp, ăn mặc như đàn ông, bà Nghĩa tự giới thiệu: “Người ta nói tôi là pê-đê nhưng kệ, tôi có hai con, con gái lớn 31 tuổi đẻ bốn đứa rồi, chồng nó làm hồ, nó cũng bám vào nghĩa trang sinh sống. Còn thằng út làm đá hoa cương, khó khăn nên chưa dám lấy vợ”.

Trở thành cư dân nghĩa địa này từ năm 1983, cơ ngơi của “đại gia đình” bà Nghĩa là ba cái chòi lá nhỏ sát miếu thờ. Bà Nghĩa chọn việc chăm sóc mồ mả làm kế sinh nhai. Cô con gái lớn trưởng thành, lấy chồng, cũng theo “nghề” của mẹ. Để có thêm thu nhập trang trải cuộc sống, bà Nghĩa còn phụ quán cà phê. “Tiền công chăm sóc gần 700 ngôi mộ cuối năm cũng trên dưới 10 triệu đồng, tôi bỏ ra chút đỉnh đắp lại những mộ đất bị sụp, vẽ lại tên tuổi những ngôi mộ vô chủ để họ ăn tết. Chắc được năm nay thôi, năm sau phải di dời hết rồi”, bà Nghĩa tư lự.

Trời sập tối, không khí lạnh tràn về. Bà Nghĩa đốt đống lá khô để xua muỗi và tìm chút hơi ấm. Trong ánh sáng lập lòe, đôi mắt bà ngấn lệ. Bà trăn trở cho cuộc sống của năm đứa cháu ngoại, trong đó, một đứa cháu ngoại nuôi mới 2,5 tuổi bà nhận cưu mang vì cha nó đi tù. Tôi hiểu nỗi lo của bà khi chẳng bao lâu nữa, hàng ngàn ngôi mộ ở nghĩa trang Bình Hưng Hòa sẽ phải giải tỏa theo quy hoạch, gia đình bà sẽ kết thúc những năm tháng “sống cùng người chết”, và chưa biết đi đâu về đâu.

Sắp đến ngày hết "lộc"

Tet o... nghia dia
Anh Bằng mưu sinh cuối năm

Không trông chờ vào tiền chăm sóc mộ, những người có sức khỏe hơn như anh Võ Anh Bằng (36 tuổi) lại trông vào “những cuộc gọi bất tử” của khách đến tảo mộ ở nghĩa trang Sòng Sơn. Giữa trưa nắng chang chang, đầu trần, chân mang dép kẹp, anh Bằng xúc từng mảng cỏ, tạo khoảng trống sạch sẽ quanh một ngôi mộ.

Đây là ngôi mộ thứ ba anh nhận làm trong buổi sáng và sẽ tiếp tục ba ngôi mộ vào buổi chiều để nhận tiền công 250.000đ. Dọn cỏ, quét vôi, đắp mộ coi thì đơn giản nhưng theo anh Bằng, người không quen tay sẽ làm xấu “nhà” người chết, người sống không vừa lòng.

Không biết có bao nhiêu người sống nhờ người chết tại nghĩa trang Bình Hưng Hòa, chỉ biết từ tháng 11 âm lịch hằng năm, cuộc mưu sinh nơi đây lại trở nên tất bật. Có thời điểm họ “trúng thầu” sơn phết, dọn dẹp cho gần 100 ngôi mộ nên phải làm việc quần quật với mức tiền công từ 25.000 - 30.000đ mỗi mộ.

Ngoài công việc chăm sóc và làm đẹp mồ mả, từ gần một năm nay, những trai tráng khỏe khoắn như anh Bằng còn kiêm thêm việc bốc mộ. Mỗi nhóm sáu-bảy thanh niên, một ngày bốc năm-sáu ngôi mộ, hưởng tiền công và tiền bồi dưỡng của khách, đắp đổi qua ngày. “Có tháng làm nhiều, kiệt sức, phải đi bác sĩ” - anh Bằng giọng gọn lỏn, tỉnh queo. Chẳng lạ với cuộc sống ở nghĩa trang, nhưng tôi không khỏi rùng mình khi đến thăm “nhà” của anh Bằng. Một cái đi-văng cũ nát đặt giữa hai ngôi mộ, phía trên và bốn bên được phủ bạt thế là thành “nhà”. Nhà anh Bằng ở Củ Chi. Mỗi tháng, anh đều về nhà vài lần thăm cha già đang bị tai biến, biếu cho ông ít tiền mua thuốc men.

Mỗi kiếp người đang mưu sinh nơi nghĩa địa đều có hoàn cảnh khá đặc biệt. Ánh mắt của những đứa trẻ sinh ra và lớn lên trong không gian ấy như cháu của bà Nghĩa, bà Cúc hay ba đứa con của chị Kiều Thị Ánh Liên… thật khác lạ. Hầu hết chúng đều gầy yếu và thất học. Đứa nào may mắn thì được học hết tiểu học ở những lớp học tình thương. Bạn của chúng chỉ là những con búp bê, rô bốt hỏng hóc mà người ta bỏ đi hoặc là những con thú nhồi bông què quặt, ốm yếu bị vứt vào nghĩa địa.

Bởi thế, cứ có người đến chơi là chúng quấn quýt không rời. Không khí chộn rộn những ngày cuối năm khiến chúng vui hơn, vì có nhiều người vào viếng mộ, chúng được hỏi han, trò chuyện, được cho quà bánh và thêm niềm vui được lì xì. “Năm nào tụi con cũng ăn tết trong nghĩa trang, vì phải tranh thủ làm mộ kiếm tiền. Qua mùng 6, mẹ mới dẫn con về quê ngoại chơi”, cậu bé Kiều Minh Được, con chị Kiều Thị Ánh Liên nói.

Cho đến thời điểm hiện tại, hơn 1/3 số mộ ở nghĩa trang Bình Hưng Hòa đã được bốc đi nên công việc của những người kiếm sống nơi nghĩa trang cũng bị thu hẹp.

Trời se lạnh. Gió thổi cát bụi thốc vào mặt. Phố xá rực sáng ánh đèn. Tôi cảm thấy nao lòng khi nghĩ về những phận người sống bám nghĩa trang. Chẳng bao lâu nữa, họ lại phải cân não để tiếp tục cuộc mưu sinh nhọc nhằn. Bởi với họ, hiện tại, còn nghĩa trang là... còn tết. Anh Bằng mưu sinh cuối năm.

Theo Thu Hồng - Phụ nữ TPHCM


Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X