Hotline 24/7
08983-08983

Tại sao phải chấp nhận ‘nhập khẩu ô nhiễm’?

Trong khi, Đài Loan không có nhà máy xi măng hoặc núi vẫn còn y nguyên, núi tại Việt Nam không những bị cạo trọc, biến mất do khai thác đá...” - ông TS Lê Đăng Doanh cảnh báo.

Tại sao phải chấp nhận ‘nhập khẩu ô nhiễm’? Trong hình: Kiểm tra hệ thống xử lý nước thải tại Khu công nghiệp Thuận Đạo.

80% khu công nghiệp vi phạm quy định về môi trường; 23% doanh nghiệp FDI xả thải vượt quy chuẩn cho phép từ 5-12 lần.

Đặc biệt doanh nghiệp FDI chiếm 60% tổng số các doanh nghiệp xả thải vượt quy chuẩn.

Những con số vừa được Trung tâm Thiên nhiên con người (PanNature) đưa ra mới đây khiến dư luận không khỏi lo ngại về mặt trái của thu hút FDI, và hậu quả về ô nhiễm môi trường chúng ta phải gánh chịu khó mà đong đếm.

Nguyên Thứ trưởng Bộ TN - MT, ông Bùi Cách Tuyến cho rằng, rất nhiều dự án FDI đều giống nhau ở một điểm quan trọng đó là hướng đến việc khai thác tài nguyên giá rẻ của Việt Nam.

Tài nguyên này có thể là đất, là nước, là môi trường… tất cả đều với chi phí quá thấp.

Ông Tuyến cảnh báo: “Xu hướng xuất khẩu ô nhiễm từ các nước phát triển sang các nước đang phát triển thông qua FDI ngày càng gia tăng và Việt Nam có nguy cơ trở thành một trong những nước có mức nhập khẩu ô nhiễm cao.

Tại Hội thảo Thương mại tự do: dịch chuyển đầu tư và các vấn đề môi trường ở Việt Nam do Trung tâm Thiên nhiên con người (PanNature) tổ chức tại Hà Nội mới đây đã cho biết, hiện nay 67% doanh nghiệp FDI hoạt động ở Việt Nam là thuộc ngành sản xuất có giá trị thấp.

Tính trung bình trên cả nước, chỉ khoảng 5% nhà đầu tư tham gia vào sản xuất công nghệ hiện đại như công nghệ thông tin và truyền thông.

“Thậm chí, để thu hút đầu tư nước ngoài, cạnh tranh với các tỉnh khác kéo đầu tư nước ngoài vào, các tỉnh đua nhau miễn tiền thuê đất, chi phí tài nguyên rừng thấp, thậm chí có doanh nghiệp đầu tư bằng cách hạ thấp tiêu chuẩn xuống” – TS Lê Đăng Doanh dẫn chứng.

“Các nhà đầu tư nước ngoài xuất khẩu ô nhiễm vào Việt Nam, đưa sang Việt Nam công nghiệp luyện kim, xi măng, dệt nhuộm. Trong khi, Đài Loan không có nhà máy xi măng hoặc núi vẫn còn y nguyên, núi tại Việt Nam không những bị cạo trọc, lâu lâu còn biến mất do khai thác đá, sản xuất xi măng” – ông Doanh cho biết thêm.

Theo bà Trần Thanh Thủy - Phòng nghiên cứu Chính sách, PanNature, một nghiên cứu mới đây cho thấy, có tới 80% khu công nghiệp vi phạm quy định về môi trường; 23% doanh nghiệp FDI xả thải vượt quy chuẩn cho phép từ 5-12 lần.

Đặc biệt doanh nghiệp FDI chiếm 60% tổng số các DN xả thải vượt quy chuẩn. 20% doanh nghiệp cho rằng tiết kiệm được chi phí môi trường dưới 10% so với đầu tư ở nước mẹ; 68% cho rằng sẽ tiết kiệm được chi phí từ 10 - 15% và 12% cho rằng sẽ tiết kiệm được hơn 50% chi phí.

Đỗ Thanh Bái, Viện Hóa học Việt Nam cho biết, trước đây tiêu chuẩn quá dễ dàng trải thảm đỏ cho nhà đầu tư nước ngoài.

Trong làn sóng đầu tư mạnh mẽ như vậy chúng ta chưa nhìn nhận hết khả năng ô nhiễm, tiếp nhận chất thải trong công nghiệp, chúng ta tiếp tục đầu tư nhưng năng lực tiếp nhận của môi trường đã chạm mức trần.

“Bên cạnh đó, vấn đề tiếp nhận công nghệ ở một số doanh nghiệp còn hạn chế, chuyển giao nhưng không được như chúng ta mong muốn, hệ quả nhận chuyển giao công nghệ nhưng chưa làm chủ công nghệ dẫn tới lượng chất thải nhiều, rủi ro lớn. Ngoài ra việc đánh giá môi trường chiến lược vô cùng quan trọng, nhưng năng lực đánh giá hạn chế dẫn tới những thách thức liên vùng không giải quyết được” - ông Bái nhận xét

Để giảm thiểu ô nhiễm môi trường khi thu hút đầu tư, phải có chế tài và khung rõ ràng, chấm dứt ưu đãi tài nguyên giá rẻ.

Đồng thời, tăng cường giám sát các doanh nghiệp FDI về tuân thủ các tiêu chí bảo vệ môi trường khói bụi, nước thải, tiếng ồn ngay từ khâu thiết kế và lựa chọn công nghệ đến thi công vận hành.

Nhà nước phải áp đặt kiểm soát ô nhiễm không thể để doanh nghiệp “sung sướng” bằng lợi nhuận, còn ô nhiễm môi trường cả xã hội phải chấp nhận” - một chuyên gia nhấn mạnh.

Theo Diễn đàn doanh nghiệp

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X