Hotline 24/7
08983-08983

Tại sao lại phải hạn chế quyền ghi âm, ghi hình?

Bộ Công an đang lấy ý kiến đối với dự thảo Nghị định quy định điều kiện kinh doanh thiết bị, phần mềm ngụy trang dùng để ghi âm, ghi hình, định vị.

Nhà báo, người dân không được dùng thiết bị nguỵ trang ghi âm, ghi hình? (Ảnh minh họa, theo Lao động Thủ đô)

Theo dự thảo Nghị định thì chỉ cơ quan chuyên trách bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội mới được sử dụng các loại thiết bị, phần mềm để ghi âm, ghi hình. Điều được dư luận quan tâm là tại sao lại phải hạn chế đối tượng được phép sử dụng ghi âm, ghi hình?

Có phải quản không được thì cấm?

Theo Bộ Công an, tình hình kinh doanh thiết bị, phần mềm ngụy trang để ghi âm, ghi hình, định vị diễn ra rất phức tạp, gây bức xúc trong xã hội, tiềm ẩn nhiều nguy cơ đe dọa quốc phòng, an ninh, trật tự của đất nước. Bộ phát hiện Công ty Việt Hồng công khai quảng cáo sản phẩm phần mềm Ptracker và thực hiện giám sát hơn 14.000 tài khoản điện thoại di động, cho phép đối tượng thuê dịch vụ phần mềm Ptracker của công ty để bí mật quay phim, chụp ảnh, ghi âm cuộc gọi, định vị điện thoại trái pháp luật. Ngoài công ty này, còn có ít nhất 24 cá nhân, tổ chức có hành vi quảng cáo, buôn bán thiết bị và cung cấp các dịch vụ tương tự...

Vậy, chức năng quản lý, trách nhiệm của các cơ quan liên quan trong vấn đề quản lý việc kinh doanh thiết bị, phần mềm ngụy trang để ghi âm, ghi hình, định vị như thế nào? Những cơ quan thực hiện chức năng quản lý lĩnh vực này có lực lượng khá đông như cơ quan thông tin truyền thông, quản lý thị trường, cơ quan công an...  Do đó, trường hợp chưa đủ lực lượng, trang thiết bị thì có thể xem xét bổ sung hợp lý để đấu tranh chống các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực này. Tuyệt đối không nên chỉ vì một vài doanh nghiệp, tổ chức vi phạm mà mở rộng đối tượng quản lý, đặc biệt là không nên cấm đại trà, cứng nhắc.

Ảnh hưởng đến một số ngành nghề và quyền công dân đặc thù?

Hiện nay, một số ngành, nghề, lĩnh vực thì việc sử dụng công nghệ ghi âm, ghi hình là không thể thiếu, đặc biệt như hoạt động báo chí, bảo vệ quyền công dân. Theo quy định của Luật Báo chí và văn bản pháp luật có liên quan được cơ quan có thẩm quyền ban hành thì đều cho phép phóng viên, nhà báo trong quá trình tác nghiệp được sử dụng các phương tiện nhằm khai thác thông tin nhưng không đề cập việc sử dụng phương tiện tác nghiệp công khai hay ngụy trang. Do đó, nếu Nghị định này được thông qua sẽ trái với quy định của Luật Báo chí.

Ngoài ra, người dân có quyền sử dụng công nghệ ghi âm, ghi hình với mục đích chính đáng, không xâm hại quyền lợi hợp pháp của cá nhân, tổ chức khác chỉ để bảo đảm sự an toàn cho bản thân, bảo vệ tài sản hoặc tránh bị cản trở, trả thù. Hay trường hợp phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt, đời sống và tự bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình hoặc để đấu tranh phòng, chống tệ nạn xã hội, tham nhũng, tiêu cực.

Thậm chí, nhiều tổ chức, cá nhân sử dụng công nghệ ghi âm, ghi hình để phục vụ sản xuất như theo dõi sự sinh trưởng phát triển của các loài cây trồng, vật nuôi nhằm phân tích, đúc rút kinh nghiệm để có phương pháp thích hợp nhằm phát triển sản xuất, kinh doanh… thì cấm đoán liệu có hợp lý hay không?

Bước thụt lùi trong phòng chống tham nhũng, tiêu cực?

Có thể nói, nhiều vụ vi phạm pháp pháp luật liên quan các lĩnh vực mất an toàn vệ sinh thực phẩm, chặt phá rừng, vi phạm an toàn giao thông, các hành vi môi giới hối lộ hoặc đưa, nhận hối lộ trong các cơ quan công quyền… đã được các nhà báo, người dân phanh phui, tố cáo thông qua việc bí mật ghi âm, ghi hình. Thực tế, nhiều vụ việc đã bị điều tra, xử lý nghiêm minh được nhân dân đồng tình cao.

Với sự phát triển của khoa học công nghệ, giúp sức của mạng xã hội mà những vụ việc trước đây không thể phát hiện và xử lý được thì nay được xử lý rất nhanh chóng, kịp thời như vụ Trịnh Xuân Thanh đi xe sang, một số tỉnh doanh nghiệp tặng xe, sử dụng biển số không đúng quy định, cán bộ phá hoại cây xanh, công trình chưa sử dụng đã hư hỏng... Một số trường hợp nhờ vào hình ảnh do người dân ghi lại mà cơ quan điều tra nhanh chóng tìm ra thủ phạm trong các vụ trọng án, trộm cắp tại sản…

Do đó, nếu cấm báo chí, người dân sử dụng công nghệ ghi âm, ghi hình để tố giác tội phạm, tiêu cực, tham nhũng thì rõ ràng là bước thùi lùi trong việc chống tham nhũng, tiêu cực, đi ngược lại xu thế phát triển của thời đại, đặc biệt là hạn chế vai trò của báo chí.

Một số chuyên gia cho rằng, nếu vì mục đích an ninh quốc phòng thì các cơ quan chức năng phải sử dụng những thiết bị chuyên dụng riêng và họ phải có những trình độ đặc biệt để quản lý. Tuyệt đối không nên áp dụng cứng nhắc, cấm đại trà theo kiểu “độc quyền”, vượt quá giới hạn hoặc khó quản lý là cấm. Bởi như vậy sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển chung của toàn xã hội, hạn chế quyền công dân. Đặc biệt, trong bối cảnh người đứng đầu Chính phủ kêu gọi các cơ quan, doanh nghiệp, người dân phải đi tắt, đón đầu trong cuộc cách mạng công nghệ lần thứ 4.

Theo Vĩnh Linh - Lao động

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X