Hotline 24/7
08983-08983

Sống thực vật vì dùng kim sơ cứu đột quỵ

Gần đây, nhiều người chuyền tay nhau một bài viết hướng dẫn cách sơ cứu người thân thoát khỏi cơn đột quỵ bằng 1 cây kim.

Sơ cứu đột quỵ bằng trích máu và véo tai?

Chị C.T., ở Q.Tân Phú (TP.HCM), kể mẹ chị tham gia một câu lạc bộ gồm 100 người thì mọi thành viên đều chuyền cho nhau bài viết này. Bài viết có đoạn:

“Hãy giữ bệnh nhân ngồi yên một chỗ rồi lấy kim chích cho máu ở 10 đầu ngón tay chảy ra. Nếu máu không chảy ra, hãy dùng các ngón tay của bạn để nặn ra. Khi tất cả 10 đầu ngón tay đều có máu chảy ra, hãy chờ vài phút người bệnh sẽ hồi tỉnh.

Trong trường hợp người bệnh bị méo miệng, hãy kéo 2 tai của người bệnh đến khi cả hai tai đều đỏ lên. Sau đó chích vào dái tai đến khi mỗi dái tai chảy ra hai giọt máu, sau đó vài phút bệnh nhân sẽ hồi tỉnh”.

Bài viết còn khuyên người nhà phải chờ người bệnh trở lại trạng thái bình thường mới chở đến bệnh viện vì nếu đưa đi cấp cứu ngay, xe chạy bị xóc sẽ làm các mạch máu của người bệnh vỡ ra...
 
Trên 90% người bệnh đột quỵ đến BV Nhân Dân 115 (TP.HCM) khi đã qua “thời gian vàng” điều trị bệnh. - Ảnh: Thùy Dương

Mất thời gian vàng!

BS Nguyễn Huy Thắng, phó khoa Bệnh lý mạch máu BV Nhân Dân 115 (TP.HCM), nhận xét cách sơ cứu bệnh nhân bị đột quỵ như trên là hoàn toàn phản khoa học. Sơ cứu như vậy là vô tình lấy mất đi “thời gian vàng” điều trị bệnh đột quỵ.

Nguyên nhân do bệnh nhân không nhận biết được bệnh đột quỵ, điều trị bằng những biện pháp dân gian ở nhà trước, đưa đến bệnh viện ngay nhưng bệnh viện ban đầu lại không có khả năng điều trị... Nếu muộn, bệnh nhân sẽ bị liệt vận động, sống cuộc sống thực vật, thậm chí tử vong...

BV Nhân Dân 115 tiếp nhận hơn 5.000 bệnh nhân bị đột quỵ mỗi năm, trong đó hơn 90% bệnh nhân đến bệnh viện khi đã qua thời gian vàng được tính là 3 giờ sau khi xảy ra cơn đột quỵ.
 
Trong khoảng thời gian quý giá này, 1 phút trôi qua sẽ có khoảng 2 triệu tế bào não của người bệnh mất đi.
Trường hợp của anh N.N.T., (37 tuổi, ở Q.7, TP.HCM) nhập viện ngày 17/1 là một ví dụ. Tối hôm trước khi xảy ra cơn đột quỵ, anh T. đi đánh quần vợt về và đi ngủ bình thường. Đến khoảng 3h sáng anh gọi vợ đưa anh đến bệnh viện và không nói được nữa.

Vợ anh T. trước đó đã đọc tài liệu hướng dẫn cách sơ cứu người bị đột quỵ bằng cây kim nên đã lấy kim châm 10 đầu ngón tay cho chồng. Sau đó, chị mới đưa anh đến cấp cứu tại một bệnh viện gần nhà. Do không có khả năng điều trị nên bệnh viện này lại chuyển anh T. đến BV Nhân Dân 115.

Tại đây, các bác sĩ đã xác định do người bệnh đến muộn nên vùng não đã bị chết. Bệnh nhân sẽ phải sống đời sống thực vật trong suốt thời gian còn lại của cuộc đời.

Trong dân gian hay lan truyền nhiều phương pháp điều trị bệnh đột quỵ như cạo gió, cắt lể... được nhiều người tin dùng. BS Huy Thắng lý giải trước khi có cơn đột quỵ thật sự, một số bệnh nhân có 1 hoặc nhiều cơn đột quỵ nhẹ hay còn gọi là những cơn thiếu máu thoáng qua. Các triệu chứng xảy ra nhanh chóng và chỉ kéo dài từ vài phút đến vài giờ.

Sau đó, bệnh nhân trở lại bình thường. Nếu áp dụng các phương pháp dân gian để điều trị cho những trường hợp này, người thân lại lầm tưởng là phương pháp dân gian này đã cứu sống được bệnh nhân.

Tuy nhiên, cơn thiếu máu thoáng qua chính là dấu hiệu cảnh báo sớm của cơn đột quỵ thật sự sẽ xảy ra ngay sau đó. Lúc này, phương pháp dân gian không cứu được bệnh nhân nữa.

Do vậy, khi thấy có những dấu hiệu bị đột quỵ, người bệnh cần đến gặp bác sĩ chuyên khoa ngay lập tức. Nếu được điều trị kịp thời ngay sau khi khởi phát triệu chứng, bệnh nhân đột quỵ có thể phục hồi chức năng vận động.

Một số bệnh viện có khả năng điều trị đột quỵ:

- Bệnh viện Nhân Dân 115

- Bệnh viện Nhân Dân Gia Định

- Bệnh viện Chợ Rẫy

- Bệnh viện Cấp cứu Trưng Vương...

Những dấu hiệu đột quỵ

- Đột ngột có cảm giác tê hay yếu liệt ở mặt, tay hoặc chân (các triệu chứng thường xảy ra một bên cơ thể, ví dụ yếu liệt tay và chân trái).

- Đột ngột không nói được, giọng nói bị thay đổi (nói ngọng, khó nghe) hoặc bệnh nhân nói nhảm, vô nghĩa, không hiểu được lời nói.

- Đột ngột mất thị lực, đặc biệt khi triệu chứng xuất hiện ở một bên mắt.

- Đột ngột nhức đầu dữ dội.

- Chóng mặt, cơ thể bị mất thăng bằng hoặc không thể thực hiện vận động theo ý muốn (đặc biệt khi chóng mặt đi kèm với bất kỳ triệu chứng trên).

Cách phòng ngừa đột quỵ là phải kiểm soát được các yếu tố nguy cơ của bệnh đột quỵ. Đó là những người mắc bệnh cao huyết áp, hút thuốc lá, bệnh tim mạch, nghiện rượu, béo phì, tiểu đường, sử dụng thuốc ngừa thai (chỉ nên uống khi có chỉ định của bác sĩ), tình trạng căng thẳng, stress.

 
Theo Tuổi trẻ

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X