Hotline 24/7
08983-08983

Pokémon và người, ai săn ai?

Rần rần chuẩn bị để săn Pokémon nhưng giới trẻ có ngờ đâu đối tượng bị săn lại chính là mình. Giờ, Pokémon đang săn người ở khắp các ngõ từ Hà Nội cho đến Đà Nẵng và TPHCM.

Phần đông những người bị Pokémon rượt là sinh viên, học sinh. Ảnh: Nguyễn Hoàng.

Bán mạng

22 giờ tối 14/8, con đường Võ Văn Tần - đoạn thuộc địa bàn phường 6, quận 3, TPHCM - chỉ còn vài ba quán nhậu, nhà hàng sáng đèn, bỗng vang lên tiếng thất thanh của người phụ nữ.

“Chú có thấy hai đứa trẻ nữ 19 tuổi, nam 15 tuổi đi ngang đây không?” - người phụ nữ hỏi khắp các thanh niên đang ngồi nhậu ở ít nhất hai quán gần đó.

Bà cho hay, nhà có tiệc gia đình ở nhà hàng Saigon 3. Đang ngồi ăn thì hai đứa con xin đi vệ sinh. Cả nhà ngồi chờ 30 phút không thấy trở lại phòng ăn. Tìm trong nhà vệ sinh nhà hàng cũng không thấy nên bủa ra đi tìm.

“Nghe chị em chúng nói chuyện thì tôi biết chúng đang mê Pokémon. Đêm hôm thế này, vừa cầm điện thoại “xịn”, vừa cắm đầu đi tìm con thú ảo, kiểu này rất nguy hiểm. Tìm được tôi sẽ cho chúng một trận”, bà nói nhanh để tranh thủ đi tìm con.

Mới đây, ở TPHCM, Nguyễn Thuỳ Trang đang mải mê chơi Pokémon đã bị kẻ cướp giật chiếc điện thoại iPhone 6S Plus. May mà kẻ cướp bị bắt, không mất máy.

Chị này chia sẻ, thấy mọi người rần rần bắt Pokémon, chị cũng lao vào đi săn Pokémon nhưng lại không ngờ mình lại chính là con mồi bị bọn kẻ cướp săn.

Tuy mới chính thức phát hành ở Việt Nam từ ngày 6.8 vừa qua, nhưng Pokémon Go đã làm dậy sóng ở các thành phố lớn về độ “bán mạng” của người chơi.

Bằng chứng là trên Facebook có rất nhiều chia sẻ của cư dân mạng khi tận mắt chứng kiến cảnh giật điện thoại vì chơi Pokémon.

Nguyễn Nam Thành chia sẻ trên Facebook của mình: “Mới thấy có chị kia đang đứng bắt Pokémon với bạn thì hai thằng chạy qua giật mất điện thoại”.

Còn Facebook của Trung Anh thì viết: “Nãy mới thấy có thanh niên bị giật điện thoại ở đường Thành Thái (quận 10) do chơi Pokémon. Anh chị em nào chơi thì nên cẩn thận”.

Hay bà Hoàng Thị Thuỷ, 48 tuổi, post: Nhìn mấy đứa nhỏ - thế hệ tương lai của đất nước, của cái thành phố này - quên ăn, quên ngủ, quên luôn cả chuyện ôn lại bài để chuẩn bị cho năm học mới để chạy theo mấy con thú ảo mà thấy sợ, thấy lo… oải!”

Trách ai?

Bây giờ, nếu ra khu vực nhà thờ Đức Bà, công viên Tao Đàn… làm một cuộc khảo sát bỏ túi sẽ thấy đa phần những người “bán mạng” với trò chơi Pokémon Go đều là sinh viên, học sinh.

“Đáng nói, dù đang ở tuổi gia đình “bảo hộ” mọi thứ nhưng giới trẻ hiện nay xem ra khá rủng rỉnh tiền bạc. Nên toàn xài điện thoại xịn (mới chơi được Pokémon Go - NV). Cái này phải trách cha mẹ vì đã quá nuông chiều bọn trẻ và  không quản lý con cái đến nơi, đến chốn”, bà Thuỷ chia sẻ.

Không đồng tình lắm với Thuỷ, bà Tâm, công tác ở một cơ quan báo chí cho rằng rất khó trách cha mẹ các em học sinh, sinh viên. Bởi giờ đây điện thoại thông minh bổ trợ cho việc học hành của các em rất nhiều.

Do đó, việc sắm cho con đang là sinh viên hay học sinh trung học phổ thông chiếc điện thoại thông minh để tra cứu tài liệu, đọc những thông tin bổ ích là đầu tư cho tương lai của các em.

Theo bà Tâm, chuyện này nên trách các cấp quản lý, những nhà làm công tác giáo dục, tâm lý trẻ. Nhà quản lý ở nước ta thường không lường hết các hệ luỵ của một trào lưu, một cuốn sách, một trò chơi trước khi cấp phép cho chúng du nhập vào.

Ở nước ngoài, người ta cũng chơi Pokémon Go nhưng đố ai dám dừng xe giữa đường, lao ra giữa lộ, chỉnh sửa bản đồ để bằng mọi cách bắt được những con thú của trò chơi, vì họ đã đưa ra những điều khoản, quy định chế tài rất cụ thể. Còn ở mình, cứ nhập rồi sau đó la làng và bắt người dân gánh hậu quả.

Còn các nhà quản lý giáo dục ở ta ít khi đưa ra những khuyến cáo liên quan đến tâm lý học sinh, sinh viên mà thường đổ hết trách nhiệm cho phụ huynh. Trong khi, ở lứa tuổi đến trường, học sinh, sinh viên ở trường nhiều hơn ở nhà; nhiều khi nghe lời thầy cô hơn cha mẹ.

“Đâu phải người mẹ, người cha nào cũng có trình độ học thức để hiểu con mình đang làm gì. Do đó, vai trò của nhà trường, của những người quản lý giáo dục là không thể chối bỏ trong các trào lưu “hại não” con trẻ”,  bà Tâm bức xúc.

Gây nghiện và hại não

Theo không ít chuyên gia công nghệ, Pokémon Go là trò chơi tương tác thực tế (AR) dựa trên bộ truyện tranh nổi tiếng cùng tên do Nintendo và hãng Niantic Labs phát triển.

Trong Pokémon Go, tính năng AR được áp dụng để thu hút người chơi. Tính năng này hoạt động bằng cách xếp chồng các yếu tố ảo (trong trường hợp này là các nhân vật Pokémon) lên trên những yếu tố của đời sống thực và có thể gây nghiện nặng.

Tương tự, các chuyên gia trong lĩnh vực y tế khuyến cáo, việc chơi Pokémon Go nhiều còn có thể ảnh hưởng đến não bộ, gây tác hại khôn lường cho sức khoẻ. Nếu quá sa đà sẽ hại não, dễ hoá điên.

Theo Giang Thanh - Đằng Giang - Thế giới tiếp thị

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X