Hotline 24/7
08983-08983

Philippines tiếp tục kiện Trung Quốc về biển Đông?

Philippines có thể kiện tiếp Trung Quốc ra tòa quốc tế nếu muốn Bắc Kinh bồi thường thiệt hại về môi trường do xây dựng, cải tạo trái phép ở biển Đông.

Đây là thông tin được Phó Chánh án Tòa án Tối cao Philippines, ông Antonio Carpio cho biết hôm 11/8.

Philippines không nhận được các khoản bồi thường thiệt hại từ Trung Quốc là bởi điều này không được đề cập trong đơn kiện đầu tiên ra PCA.

Chính vì thế, theo ông Carpio: 'Chúng ta có thể khởi kiện bởi chúng ta nói rằng Trung Quốc đã phá hủy nghiêm trọng môi trường sinh thái biển, tòa án đã đồng ý và sẵn sàng mở rộng phạm vi thụ lý. Do vậy chúng ta có thể khởi kiện Trung Quốc ra PCA về những thiệt hại này'.

Người dân Philippines biểu tình phản đối Trung Quốc ở Manila. Ảnh: Reuters.

Trước phát biểu của Phó Chánh án Tòa án Tối cao Philippines, chuyên gia tình báo quân sự Anders Corr thuộc Công ty phân tích rủi ro chính trị Corr Analytics cũng đã gợi ý rằng, nếu Trung Quốc không chịu trả tiền, Manila có thể khởi kiện lên các tòa án tại Mỹ và những nước mà Trung Quốc có tài sản.

Theo lập luận của ông Corr trên tờ Forbes, PCA trong phán quyết ngày 12/7 đã khẳng định một số bãi đá trên Biển Đông là thực thể chìm và thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Philippines. Nhưng khu vực này bị Bắc Kinh chiếm giữ từ 1995 và bồi đắp thành đảo nhân tạo.

Cộng thêm việc xây dựng trái phép ở nhiều khu vực khác, Trung Quốc nợ Philippines và các nước có tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông hơn 177 tỷ USD.

Theo ông Corr, điều này đã từng có tiền lệ. Điển hình nhất về việc bồi thường môi trường là vụ Mỹ đền 1,97 triệu USD cho Philippines năm 2015 cho chiếc tàu USS Guardian của Washington mắc cạn và phá hủy hơn nửa hecta san hô của Manila.

Năm 1988, Philippines từng đòi Mỹ hơn 1,2 tỷ USD tiền thuê 6 căn cứ quân sự mỗi năm.

Dựa trên những tiền lệ trên, Philippines có quyền kiện đòi Trung Quốc 4,6 tỷ USD tiền bồi thường thiệt hại môi trường và thêm 7,8 tỷ USD tiền thuê.

Nếu Trung Quốc phớt lờ, Manila có thể dễ dàng kiện lên các tòa dân sự ở nước ngoài để tịch biên các tài sản ở nước ngoài của Bắc Kinh.

Nhưng số tiền phải bồi thường của Trung Quốc còn nhiều hơn do Bắc Kinh đã chiếm sáu thực thể nằm trong vùng tuyên bố chủ quyền của Philippines từ năm 1988 và mới đây là Bãi Scarborough năm 2012.

Dựa trên số tiền thuê của Mỹ trả cho Philippines năm 1988, với mỗi thực thể chiếm đóng trái phép trên Biển Đông, Trung Quốc phải trả 10,3 tỷ USD cho 29 năm sử dụng. Trong khi đó tiền thuê bãi Scarborough trong 5 năm khoảng 1,8 tỷ USD.

Ông Corr tính ra rằng số tiền Bắc Kinh phải trả cho Philippines là 71,6 tỉ USD.

Ngoài ra, phán quyết của PCA cũng kết luận rằng các hoạt động xây dựng và nạo vét của Trung Quốc đã phá hoại hơn 124,3 km2 môi trường ở biển Đông.

Từ số tiền 1,97 triệu USD Mỹ bồi thường cho nửa hecta san sô của Philippines năm ngoái, một tòa án quốc tế hoàn toàn có quyền phạt Trung Quốc hơn 105 tỷ USD cho hành động phá hoại môi trường.

Manila và các nước có tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông có thể khởi kiện Bắc Kinh tại các tòa dân sự ở Mỹ và những nơi Trung Quốc có tài sản.

Như vậy, theo ông Corr, tổng cộng số tiền Trung Quốc phải bồi thường lên đến 177 tỷ USD.

Tuy nhiên số tiền này chưa bao gồm tiền thuê mà Bắc Kinh phải trả cho các nước khác ngoài Philippines.

Ông Corr nhấn mạnh cho đến khi Trung Quốc trả tiền phạt, tiền thuê và tiền bồi thường cho những người bị giết chết trên biển Đông thì công lý mới được thực thi.

Trung Quốc tăng cường lực lượng quanh bãi cạn Scarborough

Cũng trong ngày 11/8, giới chức Lầu Năm Góc cho biết, Trung Quốc đang ngang nhiên tăng cường lực lượng quanh bãi cạn Scarborough ở biển Đông mà Washington từng nhiều lần cảnh báo Bắc Kinh không được quân sự hóa.

Theo đó, những tuần gần đây, số tàu chấp pháp của Trung Quốc xuất hiện gần bãi cạn Scarborough có xu hướng tăng mạnh.

Nếu những năm trước, Trung Quốc chỉ giới hạn 2 đến 3 tàu chấp pháp ở khu vực này thì gần đây con số này đã tăng vượt 10 chiếc.

Ngoài ra, Trung Quốc dường như còn trắng trợn 'lùa' hàng trăm tàu cá đến bãi cạn Scarbourough mà nước này chiếm đóng của Philippines năm 2012.

Mỹ cảnh báo bất cứ nỗ lực nào nhằm quân sự hóa bãi cạnh Scarborough ở biển Đông bị coi là vượt 'lằn ranh đỏ' và giới chức Lầu Năm Góc cho rằng Trung Quốc có thể đã vượt qua giới hạn đó

Ở một diễn biến khác, cựu Tổng thống Fidel Ramos, đặc phái viên Philippines của Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte ngày 12/8 cho biết phía Trung Quốc đã sẵn sàng mời ông tới Bắc Kinh để thảo luận trong bối cảnh quan hệ 2 nước căng thẳng sau phán quyết về biển Đông.

Trước đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh nói: 'Trung Quốc mở cửa với tất cả các biện pháp liên hệ giữa Trung Quốc và Philippines và hoan nghênh ông Ramos tới Trung Quốc'.

Bình luận đưa ra sau khi ông Ramos có chuyến thăm và gặp gỡ cựu quan chức Trung Quốc tại Hồng Kông.

Hồi tháng trước, Tổng thống Duterte đã chỉ định ông Ramos làm đặc phái viên và đề nghị ông 'tới Trung Quốc để khởi động đàm phán' với Bắc Kinh sau phán quyết của PCA.

Theo An Nhiên - Đất Việt

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X