Hotline 24/7
08983-08983

Philippines nhượng bộ Trung Quốc trên bàn đàm phán?

Cả Philippines và Trung Quốc đều không hề nhắc đến vấn đề chủ quyền đối với nhiều khu vực đang tranh chấp ở Biển Đông.

Đặc phái viên Fidel Ramos của Tổng thống Philippines Rodrigo Durterte vừa có chuyến công tác tới Hongkong sau khi Tòa Trọng tài thường trực (PCA) ở La Haye ra phán quyết phủ nhận các yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông.

Trong hai ngày tại Hongkong, cựu Tổng thống Philippines Ramos đã thảo luận với bà Phó Oánh, gặp gỡ Giáo sư Ngô Sĩ Tồn, hiện là Viện trưởng Viện Nghiên cứu Nam Hải của Trung Quốc.

Philippines nhuong bo Trung Quoc tren ban dam phan?
Ông Fidel Ramos phát biểu tại Hong Kong (Trung Quốc) ngày 12/8. Ảnh: EPA

Theo ông Ramos, hai bên đã bàn về việc thiết lập một cơ chế ngoại giao “hai kênh”, trong đó kênh 1 là kênh giữa các chính phủ, còn kênh 2 là kênh đối thoại không chính thức, chủ yếu là giữa các viện nghiên cứu chiến lược, nhằm thúc đẩy đối thoại trên những vấn đề tranh chấp mà nền ngoại giao chính phủ chưa thể giải quyết được.

Ông Ramos cùng với cựu Bộ trưởng Nội Vụ Philippines Rafael Alunan, đã đề xuất ý tưởng “hai kênh” nhân các cuộc tiếp xúc tại Hong Kong với các đại diện của Trung Quốc.

Cả ông Ramos lẫn Alunan đều nhấn mạnh rằng họ chỉ là các đặc phái viên không chính thức, còn các cuộc đàm phán chính thức sau này sẽ do những người khác đảm trách.

Ý tưởng cùng khai thác ngư trường ở Biển Đông đã được cựu ông Ramos đề cập tới khi hai bên thảo luận về vấn đề đánh bắt thủy hải sản. Đây là nội dung liên quan tới mâu thuẫn gay gắt giữa Trung Quốc và Philippines từ năm 2012, khi Trung Quốc đã xua đuổi ngư dân Philippines ra khỏi bãi cạn Scarborough, chỉ cách bờ biển Philippines 230 km, nhưng lại cách đảo Hải Nam đến 650 km.

Ông Ramos tiết lộ rằng ông đã thảo luận việc khôi phục lại tình trạng trước năm 2012, khi ngư ân Trung Quốc, Philippines và cả ngư dân Việt Nam được tự do đến hoạt động ở khu vực lân cận Scarborough. Tuy nhiên, cả ông Ramos lẫn ông Alunan đều cho biết là phía Trung Quốc đã không cam kết gì mà chỉ đơn thuần ghi nhận đề xuất của phía Philippines mà thôi.

Trong tuyên bố chung sau cuộc gặp giữa ông Ramos và bà Phó Oánh, hai nhà ngoại giao này khẳng định cả Bắc Kinh và Manila sẽ tìm cách thúc đẩy hợp tác trong việc đánh bắt thủy hải sản, bảo vệ ngư trường và các hoạt động du lịch.

Tuy nhiên, tuyên bố này không đề cập trực tiếp tới vấn đề Biển Đông hay phán quyết của Tòa Trọng tài. Hai bên cũng không nhắc đến lộ trình cụ thể của các cuộc đàm phán.

Ông Ramos cũng cho biết hai bên không hề nhắc đến vấn đề chủ quyền đối với nhiều khu vực đang tranh chấp ở Biển Đông như bãi cạn Scarborough hay đá Vành Khăn. Có ý kiến cho rằng thực tế này cho thấy dường như Philippines đã nhượng bộ phần nào yêu cầu của Trung Quốc là không đề cập tới phán quyết của PCA trong các cuộc gặp song phương.

Tuyên bố chung có đoạn: “Các cuộc thảo luận không chính thức đã tập trung vào nhu cầu cần có đối thoại xây dựng lòng tin và giảm căng thẳng nhằm mở đường cho hợp tác nói chung”.

Trong cuộc họp báo, ông Ramos cho biết ông không đề cập đến tranh chấp biển đảo trong các cuộc thảo luận với cựu Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc, nhưng có nói đến quyền đánh bắt thủy hải sản. Ông Ramos cho là hai bên sẽ gặp lại nhau song chưa rõ thời gian và địa điểm cụ thể.

Việc Philippines "chìa cành oliu" cho Trung Quốc nằm trong chính sách nhất quán của chính quyền Tổng thống Duterte. Còn nhớ, ngay trong bài phát biểu tại lễ nhậm chức, ông Duterte đã hy vọng có thể "hạ cánh mềm" trong tranh chấp với Trung Quốc trên Biển Đông.

Ngay cả Mỹ, đồng minh quan trọng của Philippines cũng muốn tránh xa các căng thẳng tranh chấp ở Biển Đông. Tại hội nghị cấp cao ASEAN diễn ra ở Lào hôm 26/7, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã cam kết sẽ hối thúc Philippines chấp thuận nối lại đàm phán với Trung Quốc.

Ông Kerry nói rằng, Bắc Kinh và Manila đã cho thấy tín hiệu sẵn sàng đàm phán sau khi PCA bác “đường chín đoạn” của Trung Quốc ở Biển Đông.

"Hi vọng rằng đây có thể trở thành thời khắc chúng ta có thể tận dụng, để làm việc tìm ra các phương cách giải quyết vấn đề đánh bắt cá, tài nguyên thiên nhiên, tự do hàng hải và bảo vệ quyền lợi của tất cả các bên”, ông Kerry nói.

Ông nhấn mạnh thêm: “Đây có thể là thời khắc quan trọng chuyển biến cách thức đàm phán, không phải thông qua các thách thức và hành động đơn phương mà thông qua các biện pháp ngoại giao mang tính xây dựng”.

Ngoại trưởng Mỹ cũng khẳng định, Washington nhất trí nên “tránh các căng thẳng”, “bước sang trang mới” ở Biển Đông sau phán quyết của tòa trọng tài. Ông Kerry nhắc lại, Mỹ không đứng về bên nào trong tranh chấp ở Biển Đông nhưng khẳng định, luật pháp quốc tế phải được tôn trọng.

Về phía Trung Quốc, hôm 10/8, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh cũng khẳng định Bắc Kinh sẵn sàng theo đuổi các kênh tiếp xúc với Philippines.

Bà Hoa Xuân Oánh nhấn mạnh Trung Quốc và Philippines là những láng giềng hữu nghị truyền thống và hai nước nên cùng nhau cải thiện quan hệ song phương, nối lại đối thoại và hợp tác, và thúc đẩy quan hệ phát triển và ổn định.

Theo An Nhiên - Đất Việt

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X