Hotline 24/7
08983-08983

Pháp luật Việt Nam phức tạp nhất thế giới!

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường thừa nhận như vậy tại phiên trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội chiều 11/6.

Bộ trưởng Hà Hùng Cường: "Hệ thống pháp luật của chúng ta phức tạp nhất thế giới" - Ảnh: Việt Dũng


Có lợi ích nhóm trong ban hành văn bản pháp luật không?

Là người đầu tiên đặt câu hỏi chất vấn Bộ trưởng Bộ tư pháp Hà Hùng Cường, đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) nêu vấn đề: dư luận người dân, báo chí và ngay tại diễn đàn Quốc hội, đã có đại biểu nêu hiện tượng cài đặt lợi ích nhóm, lợi ích riêng của bộ ngành trong một số văn bản quy phạm pháp luật hoặc có nhiều quy định theo hướng tạo thuận lợi cho việc quản lý của các cơ quan công quyền, đẩy khó khăn về phía người dân. Là người đứng đầu cơ quan thẩm định dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, đề nghị Bộ trưởng cho biết quan điểm và hướng khắc phục tình trạng trên?

Thứ hai, có nhận định rằng việc vừa thiết kế vừa thi công trong xây dựng cơ bản là rất ít khi được chấp nhận nhưng việc vừa soạn thảo luật, vừa xử lý chinh sách lại đang là thực tế khá phổ biến ở nước ta, dẫn đến tình trạng chính sách không được làm rõ trong luật nên khi triển khai thực hiện không đạt kết quả như mong muốn. Bộ Tư pháp là một trong những Bộ được chính phủ giao soạn thảo nhiều dự án luật, xin Bộ trưởng cho biết quan điểm và giải pháp về vấn đề này?

Trả lời câu hỏi của đại biểu Kim Thúy về vấn đề lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ trong văn bản quy phạm pháp luật, theo Bộ trưởng Bộ Tư pháp - hiện nay theo luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Bộ Tư pháp được giao thẩm định các loại văn bản quy phạm pháp luật từ quyết định của Thủ tướng Chính phủ trở lên, còn lại thông tư, thông tư liên tịch của các Bộ thì giao cho bộ phận pháp chế của các bộ.

Từ quyết định của Thủ tướng trở lên thì quy trình rất chặt chẽ, từ việc thẩm định, lấy ý kiến, đăng tải trên cổng thông tin điện tử trong vòng 60 ngày.

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy: "dư luận người dân, báo chí và ngay tại diễn đàn Quốc hội, đã có đại biểu nêu hiện tượng cài đặt lợi ích nhóm, lợi ích riêng của bộ ngành trong một số văn bản quy phạm pháp luật theo hướng tạo thuận lợi cho việc quản lý của các cơ quan công quyền" - Ảnh: Việt Dũng

Video bà Nguyễn Thị Kim Thúy chất vấn Bộ trưởng Hà Hùng Cường

Các văn bản quy phạm pháp luật thể hiện đường lối, chính sách của Đảng và Bộ Tư pháp có vai trò thẩm định, phát biểu ý kiến là dự thảo đó có phù hợp với đường lối chính sách của Đảng hay không.

Với quy trình như vậy, câu chuyện có cài đặt lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ vào các quyết định của Chính phủ trở lên, chúng tôi thấy chưa phải là vấn đề đặt ra. Tuy nhiên vấn đề là đứng từ phia nào để chúng ta nhìn xem có lợi ích nhóm.

Phức tạp, nhiêu khê

Đại biểu Trần Du Lịch (Đoàn TPHCM) chất vấn: Không ở đâu thủ tục thi hành án dân sự phức tạp, nhiêu khê như ở VN, nhất là thủ tục phát mại tài sản để thu hồi nợ của các ngân hàng -qua quá nhiều trình quy trình, có khi mất 4 năm. Bộ Tư pháp có thấy đó là rào cản? Bộ trong trách nhiệm rà soát văn bản quy phạm pháp luật có thấy điều này?

Đại biểu Trần Du Lịch: "Không ở đâu thủ tục thi hành án dân sự phức tạp, nhiêu khê như ở VN" - Ảnh: Việt Dũng

Bộ trưởng Hà Hùng Cường thừa nhận ý kiến của đại biểu Trần Du Lịch, tuy nhiên ông cũng giải thích quy trình phát mãi tài sản (nhất là bất động sản) có liên quan đến vấn đề giá cả, thị trường nóng nguội. Thi hành án thường liên quan đến giá cả do bản án tuyên (hiện nay giá nhà đất thấp), nên việc đánh giá thế nào để định giá tài sản thi hành án vẫn còn khó.

Luật thi hành án dân sự có thể là tài sản của người dân, cũng có thể của tổ chức, nhà nước nên cũng cho quyền của chủ sở hữu có quyền yêu cầu đánh giá đi, lại về tài sản của mình, không thừa nhận kết quả đấu giá.

Bộ vừa thay mặt Chính phủ trình QH dự án luật sửa đổi thi hành án dân sự, theo đó chủ sở hữu chỉ được khiếu nại về định giá 1 lần thôi. Việc định giá cũng theo hướng xã hội hóa cho công ty được định giá chứ không chỉ là sở tài chính.

Đại biểu Trần Du Lịch cũng chất vấn: Hiện quy trình ban hành văn bản quy phạm pháp luật rất chồng chéo, rất nhiều loại văn bản pháp luật khác nhau. Cũng có quy định bộ ngành nào được làm văn bản pháp luật trong ngành mình - ngành nào quản lý gì thường xây dựng pháp luật của ngành đó. Mà vì lợi ích cục bộ nên các cơ quan này thường làm nhẹ trách nhiệm của của mình trong chính sách, quản lý.

Bộ tư pháp được giao rà soát lại mọi văn bản nhưng liệu có tình trạng nể nang đối với các văn bản pháp luật bảo vệ lợi ích cục bộ của ngành?

Bộ trưởng Hà Hùng Cường nói vấn đề ông Lịch đặt ra hết sức vĩ mô. Ông Cường thừa nhận rằng: "Từ khi thực hiện công việc đổi mới thì chúng ta mới quan tâm đến công tác xây dựng văn bản pháp luật và thấy là còn nhiều chồng chéo. Chẳng có quốc gia nào hệ thống pháp luật lại phức tạp như hiện nay. Nhiều luật mẹ chưa có nhưng đã có luật con".

Sau khi phân tích nhiều quy định pháp luật dẫn chứng, Bộ trưởng Hà Hùng Cường kết luận: "Hệ thốngpháp luậtcủa chúng ta phức tạp nhất thế giới".

Ông Cường thừa nhận hiện theo Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật thì có rất nhiều chủ thể được ban hành văn bản quy phạm pháp luật, thậm chí là cấp chủ tịch xã. Một chủ thể cũng có thể ban hành nhiều loại văn bản khác nhau".

Ông Cường nói Bộ đã đề xuất giảm số lượng văn bản, cụ thể là giảm lượng văn bản của của Chính phủ, Bộ trưởng... Việc có quá nhiều văn bản pháp luật khác nhau, nhiều chủ thể khác nhau nên pháp luật của chúng ta rất khó tuân thủ!

"Bill Gates có xin lao động ở Việt Nam cũng sẽ không được"

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa nêu một vấn đề mà theo ông có thể xem là vấn nạn đang gây tác hại, bức xúc đối với các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Đó là các văn bản hướng dẫn dưới các hình thức nghị định, quyết định, thông tư.

Hiện nay, ngoaòi tình trạng nợ đọng, có việc hiến pháp thì cho, luật tạo ra hành lang nhưng văn bản hướng dẫn lại đặt ra các thủ tục, điều kiện, thậm chí là các mẫu đơn và giấy phép con. Những phiền toái này thực chất là rào chắn và đôi khi là những cái bẫy đối với doanh nghiệp và người dân. Để vượt những rào chắn này, doanh nghiệp và người dân phải chung chi, bôi trơn...

Trong khi luật hình sự Việt Nam có cái tội gọi là "cố ý làm trái". Đôi khi người dân không trái hiến pháp, không trái luật mà chỉ sai các quy định hướng dẫn thì lại rơi vào tội "cố ý làm trái" và có thể bị xử lý bằng pháp luật hình sự. Như vậy các văn bản hướng dẫn này không làm tròn trách nhiệm hướng dẫn mà lại hạn chế trên hành lang pháp lý mà luật cho phép.

Trong một diễn đàn cách đây mấy ngày, Thủ tướng có gặp các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, những doanh nghiệp này phản ánh: ở các nước chỉ cần 3 ngày để thành lập công ty, trong khi Việt Nam cần đến 3 tháng, thậm chí lâu hơn.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa: "Có người nói rằng, nếu Bill Gates mà xin lao động ở Việt Nam, theo điều kiện ở Việt Nam cũng không được cấp giấy phép" - Ảnh: Việt Dũng

Video ông Trương Trọng Nghĩa chất vấn Bộ trưởng Hà Hùng Cường

"Có người nói rằng, nếu Bill Gates mà xin lao động ở Việt Nam, theo điều kiện ở Việt Nam cũng không được cấp giấy phép vì phải có bằng đại học và phải có 5 năm làm việc chẳng hạn. Như vậy tình trạng văn bản hướng dẫn tạo ra rào chắn, tạo bẫy gây nhũng nhiễu, tiêu cực, vô hiệu hóa hành lang pháp lý là một vấn nạn. Xin Bộ trưởng cho biết tình trạng này phải được khắc phục, xử lý như thế nào?" - ông Trương Trọng Nghĩa đặt câu hỏi.

Vấn đề thứ hai, tình trạng ra văn bản hướng dẫn sai, sau đó phải thu hồi để sửa như nhiều ví dụ mà báo chí đã đăng, điều này dẫn đến việc đôi khi chúng ta phải tốn kém hàng trăm hoặc hàng ngàn tỉ. Làm sao để tránh tình trạng này? - ông Nghĩa chất vấn Bộ trưởng Bộ Tư pháp.

Giải trình về vấn đề ông Trương Trọng Nghĩa nêu, Bộ trưởng Hà Hùng Cường cho biết, về nguyên tắc văn bản các bộ, kể cả mẫu mã đính kèm các văn bản không được trái với luật, pháp lệnh, nghị định của Chính phủ, quyết định của Thủ tướng chính phủ và lại càng không được trái với Hiến pháp.

"Chúng tôi rất cảm ơn vấn đề đại biểu Nghĩanêu và sẽ kiểm tra cụ thể lĩnh vực được nêu, nếu có chúng tôi sẽ gửi kết quả báo cáo với đại biểu" - bộ trưởng Hà Hùng Cường nhấn mạnh.

Về việc văn bản ra sai vừa rồi gây nhiều dư luận, cũng xin được thông cảm. Có những cái đã ra văn bản rồi nhưng cũng có những cái mới chỉ là dự thảo để lấy ý kiến. Khi dự thảo lấy ý kiến nhận được phản ứng của dư luận, các Bộ ngành đã tiếp thu và xử lý ngay. Kể cả những văn bản đã ban hành nhưng sau khi có ý kiến của dư luận, Bộ tư pháp kiểm tra, có chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ đã sửa chữa kịp thời.

Về vấn đề đại biểu nêu, cụ thể có những dự án nào đó gây tốn kém kinh phí, ngân sách Nhà nước, tôu nghĩ phải đi sâu vào vụ việc. Nếu được đại biểu cho biết để có cơ sở kiểm tra cụ thể và sẽ có báo cáo.

Chủ tịch Quốc hội: Hậu quả 312 văn bản sai luật rất nghiêm trọng!

Sau khi nghe Bộ trưởng trả lời, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng đề nghị Bộ trưởng Bộ Tư pháp nói rõ hơn, trả lời cụ thể về 312 văn bản mà Bộ trưởng báo cáo là sai pháp luật. Các văn bản sai nàyđã gây hậu quả gì chưa?

"Nếu người ta căn cứ 312 văn bản này để mà tổ chức thực hiện thì gay go rồi. Mà nếu không tổ chức thi hành thì lại là vi phạm pháp luật. Căn cứ theo quy định thì có thể xử lý kỉ luật: khiển trách, cảnh cáo, đuổi việc... cán bộ được rồi, có khi xử lý hình sự được rồi", chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng nói.

Theo chủ tịch QH, đây là vấn đề rất nghiêm trọng, đề nghị Bộ trưởng phải trả lời kỹ hơn. Cần phân tích để tìm trách nhiệm, tìm cách giải quyết.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa cũng chất vấn bổ sung: Trong chức năng nhiệm vụ của mình thì Bộ tư pháp làm tốt chức năng "thổi còi" đối với văn bản thông tư, chỉ thị trái luật nhưng vấn đề là nhiều văn bản hiện không trái để mà thổi, nhưng lại là những lực cản rất lớn cho xã hội.

Ông Nghĩa ví von: "Nếu nói hướng dẫn trái luật thì Bộ Tư pháp trả lời là đúng rồi nhưng bây giờ họ không trái: chẳng hạn luật cho hành lang 3 mét nhưng hướng dẫn chi còn 1 mét. Luật cho đi đường thẳng nhưng văn bản dưới luật chỉ đi đường vòng, lên dốc... Nếu nói trái thì không trái nhưng điều này rất khổ, nhất là trong vấn đề đầu tư, khổ sở cho doanh nghiệp".

AloBacsi.vn
Theo Tuổi Trẻ

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X