Hotline 24/7
08983-08983

"Ông đi con dắt ông đi…"

Ở độ tuổi xưa nay hiếm, GS Trần Văn Khê vẫn không ngừng cống hiến cho sự nghiệp âm nhạc dân tộc với trí nhớ minh mẫn, tinh thần lạc quan.

Bước vào những ngày hè tháng 7 năm nay, GS-TS Trần Văn Khê mừng thượng thọ tuổi 94. Những người ở độ tuổi này đa số chỉ nghỉ ngơi, an hưởng ngày tháng tuổi già. Trái lại, GS-TS Trần Văn Khê vẫn còn làm việc sung sức với tinh thần minh mẫn, trí nhớ tuyệt vời như chỉ đang 49 tuổi.

 

Sáng sớm GS Khê đã thức dậy và ra vườn hít thở không khí trong lành, hưởng chút ánh nắng ban mai, tập khí công rồi vào nhà ăn sáng và theo dõi tin tức thời sự. Đến 8 giờ giáo sư (GS) bắt đầu làm những việc thường ngày: trả lời email, dịch tài liệu tiếng Pháp, viết bài… Đến trưa, GS chỉ ăn cơm, nghỉ ngơi trong 1-2 tiếng, sau đó lại tiếp tục công việc cho đến tận 6 giờ chiều.

 

Có những ngày GS miệt mài trả lời thư từ, viết tài liệu mãi 8-9 giờ tối hoặc bận rộn tiếp khách, tham dự nói chuyện ở nhiều nơi. Gần đây nhất, GS có mặt trong cả 4 ngày của chuỗi chương trình Hội ngộ đàn tranh 2014 tại TPHCM.

a
Một buổi làm việc của GS Trần Văn Khê tại nhà riêng

Ai cũng ngỡ ngàng trước cường độ làm việc của GS nhưng thực ra, sức khỏe của người không còn như xưa bởi đôi tai nghe kém, mắt mờ dần, bệnh tiểu đường khiến GS phải đo đường huyết và tiêm insulin mỗi ngày. Tim cũng không khỏe, mỗi ngày phải uống thuốc đều đặn và khám sức khỏe định kỳ hàng tháng, hàng tuần. Lại thêm đôi bàn chân sưng to, đau nhức...

Nhưng dẫu đau nặng thế nào, GS vẫn luôn tươi cười rạng rỡ, vẫn say sưa ca hát và vỗ nhịp theo tiếng đàn tranh, đàn kìm. Trò chuyện cùng các môn sinh, GS nêu cao tinh thần lạc quan: “Hôm nay thầy đau nhiều, đau nhiều nhưng chưa chết. Mờ con mắt chưa hẳn là mù, thầy mừng vì mắt mờ mà vẫn còn nhìn thấy. Không đọc được thì có người khác đọc giùm cho nghe, không nghe được thì có máy trợ thính giúp. Thầy không bao giờ tuyệt vọng, mình phải thích nghi với hoàn cảnh của mình”.

 

Triết lý sống giản dị, chấp nhận thực tế giúp GS Trần Văn Khê giữ tinh thần thoải mái và trí nhớ minh mẫn làm việc liên tục suốt ngày này sang ngày khác dẫu tuổi đã gần đất xa trời. Bên cạnh GS cũng luôn có những người yêu mến, luôn sát cánh cùng thầy.  

 

a
Chị Mai Hường, thư ký hỗ trợ Thầy Khê sắp xếp giải quyết công việc hàng ngày
 

a

Bài thơ ứng tác của GS Khê trong dịp sinh nhật của mình được chị Mai Hường chép lại
 
Thầm lặng bên cạnh giúp GS Trần Văn Khê giữ sức khỏe ổn định và làm việc mỗi ngày là chị giúp việc Nguyễn Thị Na, chị thư ký Mai Hường cùng các môn sinh. Từ năm 2007, mỗi ngày chị Mai Hường cùng giáo sư trả lời email, thư từ liên lạc, tỉ mỉ sắp xếp công việc giấy tờ rõ ràng, khoa học để lưu trữ và sử dụng.
 
Đặc biệt, những ghi chép công việc hàng ngày của GS Khê do chị Hường phụ trách lưu lại rất nhiều tư liệu quan trọng mà sau này khi có dịp công bố rộng rãi, mọi người sẽ hiểu hơn về sức làm việc bền bỉ, cống hiến không mệt mỏi của GS trong những năm tháng cuối đời tại Việt Nam cho sự nghiệp bảo tồn nghệ thuật truyền thống dân tộc.
 
Và không thể không nhắc đến sự chăm nom tận tình của chị Nguyễn Thị Na, người túc trực bên GS suốt ngày đêm. TS. Trần Quang Hải, con trai GS. Trần Văn Khê cho biết: “Na là người giúp việc của ba tôi từ năm 2005 sau khi ông trở về định cư hẳn ở Sài Gòn năm 2004. Thuở ban đầu Na chỉ là người lo việc nấu nướng và dọn dẹp phòng. Khi ba tôi bắt đầu đi đứng khó khăn và không thể tự mình lo việc vệ sinh, Na là người kiểm soát thuốc men hàng ngày, đẩy xe lăn đưa ông đi khắp nơi hội thảo, thuyết trình, thăm bạn bè từ Nam chí Bắc...”
 

a
Chị Na quán xuyến việc nhà và săn sóc từng bữa ăn, giấc ngủ của GS Khê

Những món ăn ngon phù hợp với khẩu vị và bệnh tình của GS do chị Na chế biến chứa đựng tình cảm kính yêu của cô cháu gái với người ông. Vì vậy, GS Khê thương quý Na như con cháu trong nhà: “Na không phải là cật ruột của tôi mà còn hơn người cật ruột, bởi Na ở gần giúp đỡ tôi 24 giờ mỗi ngày. Na vừa là một người nấu ăn, một người y tá lo thuốc men, một người thư ký liên hệ, nghe telephone, đẩy xe lăn cho tôi đi chỗ này chỗ kia, một người quét dọn nhà sạch sẽ và săn sóc tôi hết sức tận tâm. Thí dụ Na thương mẹ rất nhiều, mỗi ngày Na gọi điện thăm mẹ luôn luôn. Nhưng có mấy lần Tết tôi cho tiền mua vé xe lửa cho Na về quê thăm mẹ nhưng đến sân ga Na lo lắng không ai chăm sóc tôi nên bỏ vé quay lại. Mỗi khi tôi bệnh, Na săn sóc mà không thấy bệnh bớt thì buồn rầu, lo lắng”.

 

Tấm lòng chân thành của chị Na còn được thể hiện qua những bài thơ, bài hát do chị tự sáng tác như:

 

Ông tôi biến chứng tiểu đường

Sưng chân mờ mắt đâu thấy đường mà đi

Ông đi con dắt ông đi

Tinh thần sảng khoái có gì vui hơn.
 
a 
Bữa cơm trưa của GS Trần Văn Khê do chị Na chế biến
 
a  
Chị Na luôn đồng hành cùng giáo sư Khê trong mọi sự kiện (ảnh chụp tại festival Dừa Bến Tre 2012)
 
Ở độ tuổi xưa nay hiếm, ngọn lửa nhiệt huyết của GS Trần Văn Khê với sự nghiệp âm nhạc dân tộc vẫn bùng cháy mạnh mẽ. Dù thân mang trọng bệnh suốt bao năm nay nhưng GS không ngơi nghỉ một ngày nào, luôn là tấm gương để lớp trẻ noi theo. Tiếp sức cho ngọn lửa của GS liên tục cháy bền bỉ là sự chăm sóc lặng thầm của chị Na, chị Hường mỗi ngày bằng tất cả tình thương yêu, vì chỉ có tình thương mới đem lại sức mạnh thực sự.

Theo Anh Ngọc - Hồng Nhung 
Người cao tuổi

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X