Hotline 24/7
08983-08983

Ở Việt Nam, biếu quà cho cán bộ được thể hiện bằng từ rất "thân thiện"

Việc biếu quà cho cán bộ ở Việt Nam thường được gọi với những “mỹ từ” như: bồi dưỡng, cảm ơn, ngoại giao,….

Đó là một trong nhiều nhận định được TS Đinh Văn Minh - Phó viện trưởng Viện Khoa học thanh tra (Thanh tra Chính phủ) đưa ra trong nghiên cứu về thực hiện các biện pháp phòng ngừa, thu hồi tài sản tham nhũng vừa công bố sáng nay 29/7 tại Hà Nội.

Hơn 50% người dân phản ánh phải nộp thêm phí “bôi trơn”

Theo khảo sát của Viện Khoa học Thanh tra, số người dân cho biết phải chi thêm tiền trong việc làm thủ tục xây và mua bán nhà đất là trên 50%.

“Hơn một nửa số người dân được hỏi nói rằng, khi làm thủ tục này khác đều phải chi thêm cho cán bộ”, TS Đinh Văn Minh cho biết, đồng thời ông Minh cho rằng việc người dân chi thêm tiền cho cán bộ ở Việt Nam thường được hiểu dưới nhiều nghĩa, nhiều tình huống rất thân thiện như: bồi dưỡng, cảm ơn, ngoại giao,…

phòng chống tham nhũngNhiều người dân cho biết phải mất thêm tiền ngoài quy định khi đi làm các thủ tục... (Ảnh minh họa)

Phó viện trưởng Viện Khoa học Thanh tra lấy dẫn chứng cụ thể cho việc người dân phải chi phí “bôi trơn” khi đi làm các thủ tục, dịch vụ: “Con nhà tôi học dân lập nên xin không mất đồng nào. Nhiều bạn tôi có con học trường công lập nói là xin vào tốn kém lắm, phải mất nhiều tiền chạy chọt, bôi trơn”.

Cũng qua khảo sát có đến hơn 54% người dân được hỏi cho rằng có “bổ sung” thêm quà biếu khi đi làm các thủ tục, dịch vụ. Tuy nhiên, ông Minh chia sẻ rằng, không nên quy kết vội số người nhận tiền này cái nào là do tư tưởng, cái nào là do sách nhiễu, cái nào là do yếu tố khác.

“Quá trình chúng tôi khảo sát nghe được rất nhiều ý kiến trái chiều về việc này. Có người cho rằng việc đó là hết sức bình thường như là cử chỉ cảm ơn, ơn nghĩa, không có gì to tát cả. Thậm chí có người nói đó là một cái gì đó mang tính văn hóa của người Việt Nam, là ăn quả nhớ kẻ trồng cây”, ông Minh dẫn chứng.

Tiến sĩ Đinh Văn MinhTS Đinh Văn Minh. Ảnh Viết Cường

Tuy nhiên, vị tiến sĩ cho rằng luật pháp cũng cần phải dần làm rõ mục đích khác nhau của việc biếu quà. Theo ông, chúng ta cũng đã cố gắng làm điều này thông qua việc đưa ra quy định vấn đề quà biếu trong luật phòng chống tham nhũng và quyết định 64 của Chính phủ về việc ban hành Quy chế tặng quà, nhận quà và nộp quà của cơ quan, tổ chức, đơn vị có sử dụng ngân sách Nhà nước và của cán bộ, công chức viên chức

“Nhưng sắp tới có lẽ cần phải sửa một số quy định trong luật cũng như quy định 64, bởi qua số liệu thực hiện quyết định 64 cho thấy càng ngày nó càng có nhiều vấn đề”, ông Minh gợi mở.

Theo đó, qua tổng kết 5 năm thực hiện luật thì cho ra số lượng chỉ có 451 người nộp lại quà tặng với tổng số tiền là gần 2 tỉ đồng.

“Những năm gần đây mặc dù năm nào Thanh tra Chính phủ cũng có những công văn đề nghị các tỉnh thành, bộ ngành báo cáo nhưng hầu như không có nơi nào báo cáo có việc vi phạm”, ông Minh nói, thể hiện sự nghi ngờ nhiều cán bộ không nghiêm túc thực hiện quy định 64.

Vị tiến sĩ tiếp tục lấy dẫn chứng bằng báo cáo công tác phòng chống tham nhũng năm 2012 - 2013 của Hà Nội đều ghi: “Đến nay các đơn vị báo cáo chưa phát hiện trường hợp nào vi phạm Quyết định số 64 của Thủ tướng Chính phủ”.

Tố cáo tham nhũng được thưởng rất to, sao rất ít người tố cáo?

Ông Minh cho biết, khi được hỏi về việc có sẵn sàng tố cáo tham nhũng hay không thì có khoảng gần 80% công chức, viên chức và người dân nói rằng sẽ tố cáo tham nhũng.

Thế nhưng, khi hỏi vào cụ thể, tỉ lệ cao chỉ tố cáo khi liên quan đến lợi ích của mình. Có nghĩa, nếu đụng chạm đến lợi ích của mình thì tố cáo còn không thì thôi.

“Chúng tôi hỏi vì sao, điều gì cản trở khiến cho anh, chị không tố cáo tham nhũng thì có hai câu trả lời nhiều nhất là sợ bị trả thù và không tin tưởng vào cơ quan có thẩm quyền sẽ giải quyết”, ông Minh cho biết.

Có điều bất ngờ là yếu tố không tố cáo do không được khen thưởng có rất ít người. Điều này cho thấy người dân cũng không quá quan trọng khen thưởng khi tố cáo.

Ông Minh cho biết, hiện nay khen thưởng ở Việt Nam đã có một đạo luật, nghị định, thậm chí ở Việt Nam khen rất to cho những người dám tố cáo tham nhũng.

“Tiền khen gấp 3.000 lần lương cơ bản, thế nhưng hỏi thì họ lại nói không quan trọng việc đó, đây là việc rất đáng lưu ý”, ông Minh nhấn mạnh.

Trong khi đó, qua trao đổi về công tác phòng chống tham nhũng với nước bạn Singapore, ông Minh được biết họ không hề có thưởng cho người tham gia tố cáo.

“Bên đó họ không thưởng nhưng người ta vẫn cứ tố cáo. Người ta nói nếu thưởng thì xảy ra xung đột về lợi ích bởi vì có khi có những người tố cáo chỉ vì tiền thưởng”, ông Minh cho hay.

Phó viện trưởng Viện Khoa học thanh tra chốt lại nguyên nhân khiến người dân ngại tố cáo. Một là sợ bị trả thù và hai là nghĩ các cơ quan có thẩm quyền sẽ không giải quyết. Điều này chúng ta phải đặc biệt lưu ý.

Theo Viết Cường - Chất lượng Việt Nam

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X